TRÍ THỨC TRẺ CẦN SỰ TIN TƯỞNG, LẮNG NGHE VÀ TÔN TRỌNG

Thứ năm - 06/09/2018 05:14 1.421 0
Tuổi trẻ nói chung và trí thức trẻ nói riêng là nguồn lực quan trọng, là tương lai của dân tộc, gánh vác sự nghiệp phát triển và tiến bộ của quốc gia. Ngày nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học kỹ thuật, ở những cấp độ khác nhau, các quốc gia đang bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển nền kinh tế tri thức.
        Trong cuộc cạnh tranh này, đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế tri thức theo hướng thịnh hay suy, nhanh hay chậm, đúng hướng hay lệch hướng, giữ được độc lập, chủ quyền hay trở thành phụ thuộc. 
        Trí thức Việt Nam nói chung và trí thức trẻ nói riêng trở thành trung tâm và chủ thể của chiến lược phát triển nền kinh tế tri thức. Do đó, muốn phát huy được tiềm lực từ đội ngũ trí thức trẻ, chúng ta phải thực sự tin tưởng, lắng nghe và tôn trọng họ. Đó là động lực, là niềm tin mà Đảng và Nhà nước ta đặt lên vai họ. Từ đó sẽ tác động tích cực, làm “điểm tựa” để đội ngũ trí thức trẻ cống hiến hết mình nhằm phụng sự Nhân dân, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Đảng, làm cho dân giàu, nước mạnh.
        Trí thức là vốn liếng quý báu của quốc gia. Để đội ngũ trí thức trẻ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, các nhà lãnh đạo cần phải tin tưởng vào họ, tránh lối suy nghĩ những người trẻ luôn “chưa chín”, “thiếu kinh nghiệm”, “bồng bột”… Thực tế, khi được tin tưởng, chính là đã trao cho họ một niềm tin, một sứ mệnh thiêng liêng, từ đó thôi thúc trí thức trẻ cống hiến hăng say, không ngại khó, ngại khổ, làm việc với tinh thần trách nhiệm và chuẩn mực cao nhất để đổi lại hiệu quả và sự tín nhiệm trong công việc.
        Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo còn phải biết lắng nghe ý kiến của những trí thức trẻ, biết “gạn đục khơi trong” những đề xuất, ý tưởng của những con người đầy nhiệt huyết, mong mỏi đóng góp một phần công sức, “chất xám” cho sự phát triển của tổ chức, xã hội. Bởi, người lãnh đạo thành công là người phát hiện ra người tài và tạo điều kiện cho tài năng của họ được phát triển. Điều đáng sợ nhất của người trí thức là những ước mơ, khát vọng chính đáng của họ bị “đóng khung” bởi sự thiếu tin tưởng và vội vàng phản bác của lãnh đạo, tổ chức, dẫn đến hiện tượng thui chột tài năng.
        Khi các nhà lãnh đạo tin tưởng, biết lắng nghe đội ngũ trí thức trẻ, đồng nghĩa là đã tôn trọng họ. Ở góc độ này, chính là tôn trọng sự độc lập tư duy, tự do trong suy nghĩ; tranh luận, dân chủ và công bằng trong thảo luận, cổ vũ cho sự tìm tòi sáng tạo, phát hiện cái mới, cái tích cực. Tất nhiên, dân chủ luôn gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Ngoài giỏi về chuyên môn, người trí thức trẻ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức công dân và trách nhiệm cao trong công việc… góp phần làm nên cái “chất” của trí thức nói riêng. 
        Với tinh thần cống hiến sức trẻ, đội ngũ trí thức trẻ mong muốn được các cấp lãnh đạo và toàn xã hội tin tưởng, lắng nghe và tôn trọng hơn nữa để họ được đóng góp toàn bộ “trí” và “lực” cho công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo./.

Tác giả bài viết: ThS. Bùi Viết Trung

Nguồn tin: Tạp chí Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị số1 năm 2018:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập183
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm182
  • Hôm nay4,196
  • Tháng hiện tại111,216
  • Tổng lượt truy cập9,312,873
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây