Chi bộ Phú Riềng Đỏ - Hạt giống đỏ trong phong trào đấu tranh của công nhân cao su Bình Phước

Thứ hai - 28/10/2019 03:25 2.127 0
Cách đây tròn 90 năm, vào đêm ngày 28-10-1929 bên bờ con suối nhỏ trong khu rừng sau lưng Làng 3 của đồn điền cao su Phú Riềng (nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Phú Riềng đỏ đã được thành lập.
Cuối  năm 1927 đầu năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh đề ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên về các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền nhằm đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đồn điền cao su Phú Riềng (cùng với Nhà máy Ba Son - Sài Gòn và xã Vĩnh Kim - Mỹ Tho) được Hội chọn làm ba trọng điểm thực hiện “vô sản hóa” ở khu vực phía Nam.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (tức Nguyễn Văn Vĩnh) - hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Kỳ bộ Bắc Kỳ được cử vào đồn điền cao su Phú Riềng để gây dựng cơ sở. Tại đây, Nguyễn Xuân Cừ bắt liên lạc với Trần Tử Bình, lúc này đồng chí Bình đang là công nhân làm việc ở trạm xá, một trong những người tổ chức các cuộc đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng thời gian trước. Với những hoạt động tích cực của Nguyễn Xuân Cừ và Trần Tử Bình, Nghiệp đoàn Cao su Phú Riềng được thành lập, phát động và tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi giảm bớt đánh đập, chống cúp lương vô lý, đòi cải thiện sinh hoạt cho công nhân.
Sau một thời gian tuyên truyền và phát triển hội viên, đến ngày 28-10-1928 chi bộ Phú Riềng đỏ được thành lập, gồm 6 đồng chí: Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình, Tạ, Hồng, Hòa, Doanh; đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được bầu làm Bí thư.
Đây là chi bộ đảng đầu tiên ở đồn điền cao su Đông Nam bộ. Sự kiện này đã đánh dấu một mốc son lịch sử của ngành cao su Việt Nam. Kể từ đây phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su đã có một sự biến đổi nhảy vọt về chất. Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát đòi quyền sống sơ đẳng nhất của những người phu cao su thì nay phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã được tổ chức chặt chẽ, có mục tiêu và phương pháp đấu tranh cách mạng đa dạng phong phú. Công nhân đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực về ăn, ở, đòi giảm giờ làm việc, tăng lương, chống cúp phạt, chống đánh đập công nhân, cho thành lập nghiệp đoàn... Nổi bật nhất là cuộc bãi công của gần 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng kéo dài từ sáng mồng Một tết năm Canh Ngọ (tức là ngày 30-1-1930 cho đến ngày 6-2-1930). Cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn, gây ảnh hưởng rộng rãi và để lại nhiều bài học sâu sắc cho các mạng Việt Nam. Cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú riềng đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng và phong trào cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
90 năm đã đi qua, Phú Riềng Đỏ năm xưa đã trở thành mảnh đất lành với bạt ngàn cao su, góp phần xây dựng và kiến tạo quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, biết bao tấm gương hy sinh kiên cường, đấu tranh bất khuất của các thế hệ công nhân cao su Bình Phước, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của ngành, công nhân cao su nói riêng, quân và dân Bình Phước nói chung, tô thắm thêm trang sử vàng của vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Hiện nay, bao thế hệ cán bộ, công nhân cao su vẫn đang ngày đêm hăng say lao động, sản xuất, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Tinh thần “Phú Riềng Đỏ” sẽ mãi được hun đúc, là truyền thống, niềm tự hào của ngành cao su và của nhân dân tỉnh Bình Phước./.

Tác giả bài viết: ThS. Phạm Xuân Quyền - Dư Thị Oanh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập195
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm188
  • Hôm nay3,679
  • Tháng hiện tại110,699
  • Tổng lượt truy cập9,312,356
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây