VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BÌNH PHƯỚC

Thứ tư - 05/09/2018 03:50 1.354 0
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Phước về “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ của Trường Chính trị tỉnh gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập” (1), từ năm 2016 đến nay, Trường Chính trị tỉnh đã tích cực đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ( TCLLCT-HC).

TỪ MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Một là, đẩy mạnh đào tạo TCLLCT-HC hệ tập trung, giảm đào tạo hệ vừa làm vừa học và nâng cao chất lượng đào tạo. Trước năm 2016, Trường Chính trị tỉnh chỉ tổ chức đào tạo được duy nhất một lớp TCLLCT-HC hệ tập trung, từ khi thực hiện chủ trương “Đẩy mạnh đào tạo theo hình thức tập trung; hạn chế và có lộ trình chấm dứt đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức từ xa, tại chức” (1), đến cuối tháng 3/ 2018, Nhà trường đã mở được 17 lớp TCLLCT-HC hệ tập trung, chiếm 70,8% tổng số lớp (17/24 lớp). Chất lượng đào tạo được nâng lên một bước, tỷ lệ học viên xếp loại Khá ngày càng tăng và cao hơn so với các lớp đào tạo hệ vừa làm vừa học, tỷ lệ học viên thi tốt nghiệp không đạt yêu cầu ngày càng giảm.  
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức cho học viên đi thực tế theo hướng nghiên cứu “tại các xã khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trong tỉnh”(2). Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức cho 15 lớp đi thực tế cuối khóa tại các xã khó khăn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã biên giới tại các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú…vv. Qua đó, giúp học viên thấu hiểu điều kiện công tác và cuộc sống của cán bộ, nhân dân tại các xã khó khăn; nâng cao kiến thức thực tiễn, soi rọi vào lý luận và vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị.
Ba là, giảng dạy bám sát chương trình, giáo trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành với phương châm gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Mặt khác, cải tiến, đổi mới, cập nhật nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng như: biên soạn tập bài giảng “Tình hình nhiệm vụ địa phương”, cập nhật, bổ sung kiến thức thực tiễn, kiến thức mới, các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước và của địa phương vào bài giảng…vv. 
Bốn là, phương pháp dạy - học tiếp tục được đổi mới, nhiều giảng viên của Nhà trường áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, tăng cường thảo luận, xemina trên lớp, tăng tính tương tác giữa giảng viên và học viên, tạo không khí học tập sôi nổi, khích thích người học tư duy, vận dụng lý luận để giải quyết các vấn đề thực tiễn. 
Năm là, tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn 2030”. Đây là bước đột phá của Trường Chính trị tỉnh sau 20 xây dựng và phát triển; là kết quả của tư duy đổi mới, sự nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu của tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường; đồng thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy để xây dựng và phát triển Trường Đảng địa phương trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn có chất lượng cao của tỉnh. 
CÒN ĐÓ NHỮNG LO ÂU, TRĂN TRỞ
Sau 2 năm thực hiện đổi mới công tác đào tạo, mặc dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn đó những lo âu, trăn trở, đó là: 
- Kết quả học tập của học viên còn thấp. Trong 04 lớp TCLLCT-HC hệ tập trung đã tốt nghiệp, không có học viên xếp loại Giỏi, tỷ lệ xếp loại Khá còn khiêm tốn (21,3%), tỷ lệ xếp loại Trung bình cao (76,7%), vẫn có học viên thi tốt nghiệp không đạt yêu cầu ( 2%). Tinh thần, thái độ học tập của nhiều học viên chưa tốt, vi phạm quy chế.
- Sau 21 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ, Nhà trường chưa có nghiên cứu, đánh giá về chất lượng của cán bộ sau đào tạo, phát huy kiến thức đã được trang bị, đóng góp cho sự phát triển cơ quan, đơn vị, địa phương.  
- Số lượng giảng viên thiếu nhiều so với yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, Nhà trường chỉ có 20 giảng viên (13 giảng viên cơ hữu và 07 giảng viên kiêm chức), nhưng đang phải đảm đương giảng dạy 25 lớp, trung bình mỗi giảng viên đảm nhiệm giảng dạy 1,2 lớp; chất lượng giảng dạy của giảng viên không đồng đều, một số giảng viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thảo luận, xemina. 
- Thời gian học tập của một số lớp hệ tập trung kéo dài trên 12 tháng, gấp đôi thời gian quy định; công tác quản lý đào tạo còn bất cập; công tác tự quản của học viên có lớp còn lỏng lẻo, tổ chức thu quỹ lớp, sử dụng không đúng mục đích dẫn đến đơn thư, phải ánh trên mạng xã hội, trong dư luận …phải tổ chức thanh tra.
- Nhiều cơ quan, đơn vị vẫn giao nhiệm vụ chuyên môn cho cán bộ đã cử đi học tập trung, do đó học viên không còn thời gian tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ. 
ĐẾN QUYẾT TÂM NÂNG CHẤT  
Để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau: 
Một là, chủ động nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020; các Kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và của Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh. Thực hiện nghiêm túc bộ Quy chế quản lý đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Triển khai có hiệu quả Đề án “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn 2030”. 
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý của cán bộ lãnh đạo trên các lĩnh vực theo chủ đề hành động năm 2018 là “Kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học”. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt giảm hợp lý thời gian giảng dạy; tăng thời gian quản lý, điều hành; đổi mới công tác quản lý đào tạo, nhất là công tác quản lý học viên, khắc phục tình trạng kéo dài thời gian học tập của các lớp tập trung.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, có cơ cấu hợp lý giữa các chuyên ngành; giảm số lượng viên chức hành chính, tăng số lượng giảng viên cơ hữu, hướng đến đạt tỷ lệ 2/3 cán bộ, giảng viên trong tổng số nhân sự của Nhà trường. Phấn đấu đến năm 2020 cử được 03 cán bộ đi nghiên cứu sinh; 06 cán bộ, giảng viên đi học Cao học và 05 cán bộ, giảng viên đi đào tạo Cao cấp lý luận chính trị. Tham mưu Tỉnh uỷ Đề án cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế với nhiều hình thức, xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, thống nhất, gắn với thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và ứng xử văn hóa của cán bộ, giảng viên, nhân viên Nhà trường. 
Bốn là, tăng cường nghiên cứu khoa học, mỗi năm đề xuất, đăng ký thành công 01 đề tài khoa học cấp tỉnh, 02 đề tài cấp Cơ sở, 04 đề tài cấp Trường và tổ chức các hội thảo, sinh hoạt chuyên môn. Nội dung đề tài hướng đến nghiên cứu vấn đề bức thiết của địa phương; giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tổng kết thực tiễn, đề xuất các chủ trương, chính sách cho tỉnh./. 
Tài liệu trích dẫn:
(1) Kết luận số 01-KL/HĐĐT-BD ngày 06/5/2016 của Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh.
(2) Kết luận số 832-KL/TU ngày 09/3/2017 của Thường trực Tỉnh ủy.

Tác giả bài viết: ThS.Trần Tuyết Minh - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

Nguồn tin: Tạp chí Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị số1 năm 2018

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay6,348
  • Tháng hiện tại66,703
  • Tổng lượt truy cập8,838,750
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây