Tái lập cầu Mã Đà - Hướng giao thông cho Bình Phước phát triển

Thứ tư - 28/11/2018 02:43 2.120 0
BP - Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Phước ngày 20-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu việc kết nối giao thông để Bình Phước tiếp cận Sân bay Long Thành và các cảng biển. Với chỉ đạo tầm nhìn chiến lược này, Thủ tướng đã mở ra cho Bình Phước một hướng phát triển hạ tầng giao thông để hiện thực hóa khát vọng vươn cao, bay xa. Câu chuyện giao thông một lần nữa làm nhiều người Bình Phước mơ tiếp giấc mơ tái lập cầu Mã Đà.
        Cầu Mã Đà bắc qua dòng Mã Đà - là ranh giới phân định giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai. Trước kháng chiến chống Mỹ, cầu Mã Đà nối liền tỉnh lộ 322 (nay là tỉnh lộ 753) của Bình Phước và tỉnh lộ 768 (nay là tỉnh lộ 761) của Đồng Nai ra ngã ba Dầu Giây. Cây cầu đã bị bom đạn quân thù đánh sập, chia cắt đôi bờ mấy chục năm qua. Báo chí trong và ngoài tỉnh cũng đã nhiều lần đề cập đến việc tái lập cây cầu này, vì mục đích phát triển lẫn đáp ứng nhu cầu dân sinh 2 bờ (Báo Dân trí, 27-9-2014; Báo Bình Phước, 21-11-2014; Báo Tuổi trẻ, 28-8-2017, Tạp chí Khoa học thời đại, 16-1-2018).
        
Trước hết, với vị trí chiến lược, cầu Mã Đà khi được tái lập sẽ giúp Bình Phước rút ngắn khoảng cách tới quốc lộ 1, Sân bay Long Thành và các cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Với vai trò này, có thể dùng hình ảnh so sánh cầu Mã Đà là “kênh đào Panama” của Bình Phước, một lối đi tắt mang lại nhiều thuận tiện, cơ hội phát triển không chỉ riêng cho Bình Phước mà cả khu vực. Đây là tuyến đường gần nhất để Bình Phước tiếp cận quốc lộ 20, quốc lộ 1A, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội. Nếu tái lập cầu Mã Đà, khoảng cách đi lại từ Đồng Xoài - thị xã tỉnh lỵ, đến ngã ba Dầu Giây theo tuyến này sẽ rút ngắn hơn 50km, vừa kinh tế vừa thuận tiện, an toàn hơn rất nhiều so với hiện nay. Trong khi lộ trình hiện tại bắt buộc phải đi vòng qua tỉnh Bình Dương (đi từ ĐT741 - ĐT746 (hoặc ĐT747) Tân Uyên - quốc lộ 1 Dầu Giây), đường nhỏ, quanh co.
        Nhìn xa hơn, khi có cầu Mã Đà, tuyến đường từ Cảng Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) theo quốc lộ 50, tỉnh lộ 767, 761, 753, quốc lộ 14 đi Tây Nguyên, rẽ sang quốc lộ 13 qua Campuchia ra vịnh Thái Lan có thể được xem là “con đường tơ lụa” trên cạn, trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, phục vụ việc hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế. Khi đó, tỉnh Bình Phước sẽ thuận lợi hơn trong xuất - nhập khẩu hàng hóa.
        Nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích mang lại của cầu Mã Đà và tuyến đường nêu trên, trong giai đoạn sau tái lập tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Bình Phước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp tỉnh lộ 753 đến sông Mã Đà, đề nghị tỉnh Đồng Nai phối hợp, hỗ trợ xây dựng cầu, đường để kết nối đôi bờ, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vì lý do bảo vệ rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa nên tỉnh Đồng Nai “không chấp thuận”. Các cơ quan chức năng Bình Phước gửi nhiều văn bản, họp nhiều lần với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, thậm chí “cầu cứu” Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ nhưng vẫn không thuyết phục được tỉnh Đồng Nai để xây cầu.
        Dưới góc nhìn pháp lý, tỉnh Đồng Nai hoàn toàn không có thẩm quyền chấp thuận hay không chấp thuận việc xây cầu Mã Đà. Thẩm quyền quyết định, thực hiện quy hoạch cầu, đường tuyến tỉnh lộ là thuộc Chính phủ, do Bộ Giao thông vận tải tham mưu. 2 tỉnh không có được “tiếng nói chung” nhưng Đồng Nai cũng không thể “cát cứ”. Nay Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo định hướng về giao thông phục vụ phát triển, Bình Phước cần sớm tham mưu, đề xuất sức thuyết phục cao để tái lập cây cầu chiến lược.
        Về giải pháp kỹ thuật, để giảm thiểu ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa (Đồng Nai), có thể thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Xây cầu cạn (động vật có thể qua lại, đồng thời ngăn chặn phá rừng...); lắp đặt hệ thống camera giám sát, kiểm soát tự động; hệ thống rào chắn 2 bên đường. Trên thực tế, khi vận hành đường Hồ Chí Minh đi xuyên Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đường Rừng Sác - Cần Giờ, rừng vẫn được bảo vệ tốt, mặc dù trước đó có nhiều tranh luận, phản đối về bảo tồn động - thực vật và môi trường.
        Về vấn đề dân sinh, việc tái lập cầu giúp cư dân đôi bờ Mã Đà bớt khó khăn, vất vả trong đi lại, sản xuất, mua bán, học hành... Hiện nay, người dân bất chấp nguy hiểm vượt sông bằng đò, bằng cáp. Tình hình bức xúc, mức độ nguy hiểm cũng đã được các báo phản ánh khá sâu sắc, nhiều kỳ như đã nêu trên.
        Một phần cầu Mã Đà vẫn còn đó, sừng sững một chứng tích, khẳng định sự tồn tại, phát huy công dụng trong lịch sử, nay cần phải được tái lập để phục vụ khát vọng phát triển. Hy vọng trong một ngày gần, cầu Mã Đà như một “chú ngựa kiêu hãnh” vươn mình nối nhịp đôi bờ, góp phần mở lối cho Bình Phước vươn đến tầm cao mới. 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thuyên (Trường Chính trị tỉnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay5,117
  • Tháng hiện tại92,280
  • Tổng lượt truy cập8,864,327
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây