“Đội quân tóc dài” ra đời trong phong trào Đồng Khởi vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX tại tỉnh Bến Tre do đồng chí Nguyễn Thị Định lãnh đạo. Đó là “binh chủng” đặc biệt của giới nữ được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, có lực lượng tiến công, hậu bị, hậu cần, y tế, cứu thương... đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm ba mũi giáp công: chính trị, binh vận và vũ trang để tấn công quân Mỹ - ngụy. Sau phong trào Đồng Khởi, “Đội quân tóc dài” phát triển, lan rộng ra toàn miền Nam, trở thành tên gọi chung cho các phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy của phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
“Đội quân tóc dài” có mặt ở hầu hết trong các công tác cách mạng ở hậu phương: lao động sản xuất, xây dựng xã, ấp chiến đấu, tham gia du kích bảo vệ làng mạc, đi dân công tải thương, tải đạn, giao liên... Vũ khí đấu tranh của họ không phải là súng, đạn, mà chủ yếu là lòng yêu nước, là ý thức giác ngộ chính trị sâu sắc, là lý lẽ được vận dụng một cách thông minh, khôn khéo trong cái thế hợp pháp. Nội dung và hình thức đấu tranh cũng như việc tổ chức đội ngũ của “Đội quân tóc dài” luôn luôn thay đổi, biến hóa linh hoạt và sáng tạo để thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể. Họ vận dụng “ba mũi giáp công” đánh vào những chỗ yếu, những sơ hở của đối phương, phân hóa hàng ngũ chúng, ngăn chặn, phá vỡ những ý đồ đen tối và thâm độc của Mỹ - ngụy.
Trong khi nhân dân miền Nam dồn sức cho tiền tuyến đánh địch, nam giới xung phong ra chiến trường, chủ yếu hoạt động bí mật, bán công khai; phụ nữ miền Nam trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu ở nông thôn, đảm bảo cung cấp lương thực, vừa nuôi gia đình, đóng góp cho cách mạng vừa tổ chức thành các “Đội quân tóc dài”, tham gia các phong trào đấu tranh chính trị. Ở nông thôn các mẹ, các chị tổ chức cản đầu xe không cho xe cán lúa, cán hoa màu, cản xe ủi đất không cho ủi nhà, bịt nòng súng không cho bắn vào xóm làng, níu kéo lính Mỹ khi chúng đốt nhà, chống lính Mỹ hiếp phụ nữ, chống bắt thanh niên đi lính để làm bia đỡ đạn cho giặc Mỹ… Ở các thành thị, nhiều phong trào đấu tranh như: phong trào Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, bảo vệ văn hóa dân tộc, bài trừ văn hóa ngoại lai đồi trụy, được đông đảo các tầng lớp, từ công nhân lao động, đến thanh niên trí thức, nhân sĩ, các nhà tư sản dân tộc, các chức sắc trong các tôn giáo tham gia. Từ năm 1965 đến năm 1975, ở thành thị nhiều tổ chức phụ nữ đã hình thành và tham gia đấu tranh như: Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền sống, Hội nữ phật tử Việt Nam, Hội các bà mẹ có con ở tù, v.v... Các phong trào đấu tranh chính trị của “Đội quân tóc dài” gây ra nhiều tổn thất, gây tâm lý hoang mang, sợ hãi của kẻ thù; bọn chỉ huy địch tìm mọi cách để trấn áp các cuộc đấu tranh. Thế nhưng càng đàn áp dã man, trắng trợn thì phong trào càng quyết liệt, bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của chúng bị bóc trần thảm hại; tâm lý hoang mang, dao động của đám tay sai, đặc biệt trong binh lính, ngày càng tăng trước sức mạnh của chính nghĩa.
"Đội quân tóc dài" có lợi thế lớn khi thực hiện công tác binh vận, địch vận vì họ đã nói lên tiếng nói từ đáy lòng của những người mẹ, người vợ, họ đã đưa chồng, con, em mình ra khỏi cảnh chết chóc, làm bia đỡ đạn thay cho bọn cướp nước và bán nước. Đối với binh lính, các chị lôi kéo chồng, con, em mình bỏ ngũ, giải thích chính nghĩa cho binh lính, hù dọa làm cho chúng hạ súng, bỏ đồn, cao hơn là giác ngộ cách mạng, xây dựng tổ chức ngay trong lòng địch. Mặt khác, chị em đã khéo léo khai thác những mâu thuẫn sâu sắc giữa quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, khơi gợi tinh thần dân tộc chống Mỹ xâm lược, chống bọn bán nước, chống lệnh đi càn, đòi giải ngũ, đòi hòa bình, độc lập. "Đội quân tóc dài" đã góp phần bẻ gãy cái “Quốc sách ấp chiến lược”- xương sống của “Chiến tranh đặc biệt” (1961- 1965) cũng như trong “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” (1966-1975) của Mỹ. Ngay hiện tượng tan rã đồng loạt của 40 vạn quân địch trong những tháng cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng có phần tác động không nhỏ về mặt tinh thần của những những “Đội quân tóc dài” miền Nam.
Đồng chí Nguyễn Thị Định (người đeo khăn) tại căn cứ Tà Thiết (Ảnh Tư liệu).
Những đóng góp, hy sinh to lớn và những thành tích, chiến công vang dội của “Đội quân tóc dài” đã góp phần viết thêm những trang sử vàng chói lọi của phụ nữ Việt Nam cũng như của toàm thể dân tộc Việt Nam. Chị em đã góp phần xuất sắc cùng với quân dân miền Nam và cả nước làm thất bại mọi âm mưu, chiến lược trong chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đánh giá cao những đóng góp và tri ân những sự hy sinh to lớn của “Đội quân tóc dài” nói riêng và phụ nữ miền Nam nói chung, ngày 8/3/1965, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương Thành đồng hạng Nhất.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của “Đội quân tóc dài” và kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3; các thế hệ phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Trường Chính trị Bình Phước nói riêng luôn biết ơn sâu sắc, tự hào và quyết tâm học tập, rèn luyện, tiếp nối những truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập./.