VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG Ý THỨC CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, GẮN VỚI THỰC TẾ TẠI CHI BỘ CÁC KHOA
Nguyễn Kim Dự - Trần Thị Quỳnh
2019-08-12T00:52:49-04:00
2019-08-12T00:52:49-04:00
https://truongchinhtri.edu.vn/home/thong-tin-nghien-cuu-trao-doi/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-xay-dung-y-thuc-cham-lo-doi-song-nhan-dan-gan-voi-thuc-te-tai-chi-bo-cac-khoa-383.html
/home/themes/egov/images/no_image.gif
Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
https://truongchinhtri.edu.vn/home/uploads/lg.png
Khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến hết mình vì mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm, phá tan xiềng xích nô lệ, xóa bỏ mọi áp bức, bất công, giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tư tưởng về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được thể hiện rõ qua khát vọng cháy bỏng của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc và cũng được học hành”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giành độc lập dân tộc và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là hai nội dung xuyên suốt, bao trùm, có mối quan hệ khăng khít và biện chứng lẫn nhau. Người đã chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Quan điểm chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm các nội dung lớn như: đời sống người dân phải đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần; nhân dân phải được tự do với một xã hội tiến bộ và công bằng, với hành lang pháp lý đảm bảo quyền con người của người dân một cách đầy đủ và người dân thực sự là chủ trong xã hội mới.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa vào ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết nhằm đáp ứng những đòi hỏi trước mắt của nhân dân, trong đó có chống nạn đói. Người chỉ rõ, đói nghèo là một trong ba thứ giặc cần phải diệt và Người đã tập trung nổ lực lãnh đạo toàn dân “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Công cuộc kiến thiết đất nước chăm lo cuộc sống cho nhân dân vô cùng khó khăn và đầy thách thức bởi nước ta vừa thoát khỏi ách thực dân phát xít, bị bóc lột kiệt quệ sức người, vơ vét cạn kiệt tài nguyên, vật lực để phục vụ cuộc chiến tranh đế quốc. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từng công việc cụ thể, từng bước đi thích hợp; đã đưa ra mục tiêu để nhân dân phấn đấu thoát nạn bần cùng, mọi người có việc làm, đời sống ấm no và hạnh phúc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân còn được thể hiện trong Di chúc của Người. Người nhận thức những khó khăn, thách thức trước mắt trong cuộc sống của nhân dân và Người luôn đặt niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong công cuộc xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc. Trước lúc đi xa Người căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại trải qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh dũng, hăng hái, cần cù. Từ ngày ta có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân đã thể hiện và hàm chứa triết lý phát triển bền vững của thời đại ngày nay. Chỉ khi nhân dân sống ấm no, hạnh phúc, thì đất nước mới phát triển, nền độc lập mới bền vững.
Quan điểm Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và năm 2011 (bổ sung và phát triển), trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm; thể hiện trong từng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong hơn 30 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” như văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định. Theo đó, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm và đảm bảo,..
Liên hệ tại Chi bộ các khoa-Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
Thứ nhất, mỗi đảng viên cần ra sức học tập, rèn luyện theo tinh thần đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng của Người, đặc biệt là vấn đề chăm lo đời sống cho nhân dân.
Thứ hai, các đảng viên cần nâng cao nhận thức, đồng thời cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, về chăm lo đời sống nhân dân nói riêng gắn với công việc chuyên môn của mình.
Thứ ba, các giảng viên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ có hiệu quả các hoạt động liên quan đến chuyên môn như: nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, viết bài báo khoa học, hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế cuối khóa, hướng dẫn viết khóa luận cuối khóa, công tác giảng dạy.
Thứ tư, trong công tác giảng dạy giảng viên cần quan tâm đến chất lượng giảng dạy, quan tâm đến lợi ích chính đáng của học viên, nhiệt tình giúp đỡ học viên một cách vô tư, khách quan; tuyệt đối không được gây khó dễ, lợi dụng học viên để trục lợi cho cá nhân.
Thứ năm, chi ủy cần tăng cường công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ sáu, chi ủy cần sâu sát chủ động trong công tác nắm bắt tư tưởng, chăm lo đến đời sống của đảng viên trong chi bộ. Kịp thời cổ vũ, khen thưởng, động viên các hoạt động phong trào trong khối thi đua, cụm thi đua, trong nhà trường (hoạt động thể thao, giao lưu văn nghệ…).
Thứ bảy, trong sinh hoạt ở khu dân cư phải giữ được lối sống lành mạnh, gần dân, đoàn kết, tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động của khu dân cư; Giữ mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy nơi cư trú.
Tóm lại, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân tại chi bộ các khoa mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đảng viên-giảng viên, nâng cao nhận thức, định hướng thái độ, tạo ra tinh thần phấn khởi, đoàn kết, năng động trong chi bộ, góp phần vào việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Phước./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Kim Dự - Trần Thị Quỳnh
Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước