QUÁN TRIỆT VÀ THỰC HIỆN TỐT NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ TRONG BỔ NHIỆM CÁN BỘ - GIẢI PHÁP HỮU HIỆU NHẰM XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ “VỪA HỒNG, VỪA CHUYÊN” HIỆN NAY

Thứ tư - 05/09/2018 03:32 2.654 0
Trong toàn bộ hoạt động của Đảng, công tác tổ chức - cán bộ có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định đến vận mệnh của Đảng, thắng lợi của cách mạng. Công tác tổ chức - cán bộ là công tác xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý và xây dựng lực lượng nòng cốt để lãnh đạo cách mạng, nó liên quan đến con người, tổ chức và bộ máy. Có thể nói, công tác tổ chức - cán bộ là một nội dung trọng tâm, quan trọng nhất trong hoạt động của Đảng, vì vậy công tác tổ chức - cán bộ phải thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. ​​​​​
Bổ nhiệm cán bộ là một khâu rất quan trọng của công tác cán bộ, giữ vai trò then chốt, quyết định trực tiếp đến chất lượng cán bộ, hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý của mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu bổ nhiệm đúng cán bộ thì phát huy được năng lực, sở trường của từng cán bộ; nếu bổ nhiệm sai sẽ dẫn đến hỏng người, hỏng việc, có khi gây ra mất đoàn kết nội bộ, làm tan rã tổ chức.
Để có được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tốt, đủ tầm, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có uy tín, sự tín nhiệm cao, có năng lực thực tiễn đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mới; các cấp uỷ đảng cần phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tất cả các khâu của công tác cán bộ, trong đó, bổ nhiệm cán bộ phải tuân thủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bổ nhiệm cán bộ lâu nay vẫn là khâu khó khăn, phức tạp và tế nhị. Trên thực tế không phải tất cả cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên nào cũng đều nhận thức thấu đáo và thực hiện một cách nhất quán. Điều dễ nhìn thấy nhất là tình trạng cán bộ lãnh đạo độc đoán, gia trưởng, mất đoàn kết nội bộ kéo dài, bè cánh hoặc vị nể, bà con dòng họ thân quen.v.v. là do trong bổ nhiệm cán bộ không tuân thủ theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong thời gian qua, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ nói chung, bổ nhiệm cán bộ nói riêng đã được các cấp uỷ đảng coi trọng. Song, công tác cán bộ nói chung, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ nói riêng còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Nhận thức và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ có lúc, có nơi chưa nghiêm túc, sâu sắc; thực hiện các quy trình, quy chế, quy định vẫn còn tình trạng bị bỏ sót. Việc đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nhiều khi còn chủ quan, chưa thật công tâm, chưa hợp lý, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức; có nhiều trường hợp bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nặng nề về cơ cấu, lúng túng, bị động, có biểu hiện cục bộ, địa phương, hẹp hòi, định kiến trong bổ nhiệm cán bộ. Có lúc, có nơi bổ nhiệm sai người, sai việc, không phát huy được sở trường, năng lực cán bộ, dẫn đến công việc trì trệ; có trường hợp cán bộ vi phạm kỷ luật nhưng không kịp thời thay thế…
Để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong bổ nhiệm cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bổ nhiệm cán bộ.
Đây là giải pháp hàng đầu, mang ý nghĩa quyết định, bởi trong nhận thức có đúng thì hành động mới có thể đúng đắn được. 
Các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng đắn và thống nhất nội dung, bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ, mối quan hệ biện chứng không tách rời giữa hai mặt tập trung và dân chủ. Phải hiểu rằng nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn của Đảng, nếu xa rời nguyên tắc này Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo. 
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ nói chung và bổ nhiệm cán bộ nói riêng là khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong toàn hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mới. Ở đây đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên phải có nhận thức tốt, nắm vững nguyên tắc, mặt khác phải có tính đảng, tinh thần tự giác, trình độ trí tuệ và bản lĩnh rất cao mới có điều kiện bảo vệ, thực hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt Đảng nói chung và trong công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ nói riêng. 
Hai là, kết hợp chặt chẽ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác bổ nhiệm cán bộ với thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các khâu khác của công tác cán bộ như đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ.
Công tác cán bộ gồm nhiều khâu, nhiều việc như: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, kiểm tra và thực hiện chính sách cán bộ. Để bổ nhiệm đúng cán bộ và có hiệu quả, cần thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ đồng bộ trong các khâu của công tác cán bộ; nếu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác bổ nhiệm cán bộ mà tách rời việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các khâu khác của công tác cán bộ thì không thể có hiệu quả; bởi mỗi khâu tuy có vị trí nhất định, cách thức, phương pháp tiến hành có điểm khác nhau, nhưng chúng có quan hệ chặt chẽ, khăng khít với nhau, làm tiền đề, điều kiện cùng phát triển; điều quan trọng là tất cả đều phải được tiến hành thực hiện trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc Đảng, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đánh giá cán bộ là khâu tiền đề; quy hoạch cán bộ là cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng là điều kiện; luân chuyển cán bộ là đột phá; bổ nhiệm cán bộ vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật và là thước đo tính hiệu quả của công tác cán bộ.
Ba là, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy chế, quy trình bổ nhiệm cán bộ.
Trong tình hình hiện nay, để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bổ nhiệm cán bộ được đúng đắn, hiệu quả, ngoài việc quán triệt nghiêm túc quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và việc phải hiểu đúng bản chất, nội dung, nguyên tắc tập trung dân chủ, mối quan hệ biện chứng giữa hai mặt tập trung và dân chủ, ý nghĩa sống còn của việc thực hiện nguyên tắc này trong công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, điều quyết định là phải có cơ chế đúng, có những quy định, quy chế cụ thể và phải có tinh thần kiên quyết thực hiện các quy chế, quy định đó. Điều đó có nghĩa là: việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bổ nhiệm cán bộ phải được thể chế hoá, pháp luật hoá thành những quy định, quy chế để thực hiện, bắt buộc mọi cấp, mọi đơn vị, tổ chức và đảng viên chấp hành, tuân thủ thực hiện đúng quy trình.
Bốn là,  nâng cao chất lượng toàn diện, năng lực lãnh đạo công tác cán bộ của cấp uỷ đảng và cơ quan tham mưu về công tác tổ chức - cán bộ.
Khi lựa chọn cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, cần đặt vấn đề tiêu chuẩn lên hàng đầu. Bởi, công tác tổ chức cán bộ là một nghề, một môn khoa học đặc biệt về con người. Người làm công tác tổ chức cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, có hệ thống, hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực; được rèn luyện trong thực tiễn; có kinh nghiệm trong công tác tổ chức cán bộ.
Năm là, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bổ nhiệm cán bộ.
Với vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát; việc tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ nói chung, đặc biệt là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bổ nhiệm cán bộ phải được xem là vấn đề hệ trọng, thường xuyên, quyết định đến vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ nói chung, thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ nói riêng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bổ nhiệm cán bộ là nhằm giúp cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan tham mưu, người đứng đầu, các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên có được phương pháp, phong cách lề lối làm việc khoa học, sáng tạo, dân chủ và chuẩn xác; chấp hành nghiêm chủ trương, nghị quyết, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, các qui định, quy chế của Trung ương, của cấp uỷ cấp trên về công tác cán bộ và bổ nhiệm cán bộ. Kịp thời, chấn chỉnh tình hình, giáo dục, răn đe, xử lý kỷ luật nghiêm minh những tổ chức và cá nhân có sai phạm hoặc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ cũng như trong bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, qua kiểm tra, kịp thời phát hiện những thiếu sót của các chủ trương, nghị quyết, qui định, quy chế để bổ sung, hoàn thiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Khuyến

Nguồn tin: Tạp chí Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị số1 năm 2018

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm57
  • Hôm nay10,874
  • Tháng hiện tại157,785
  • Tổng lượt truy cập9,120,147
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây