Một số kiến nghị thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước hiện nay

Thứ sáu - 10/01/2020 04:00 3.299 2
Bình Phước là một tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam bộ, có 40 dân tộc thiểu số khác nhau sinh sống phân tán đan xen trên địa bàn 107 xã, phường, thị trấn [1] của các huyện, thị xã, thành phố, chiếm khoảng 20,14% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới, những vị trí có chiến lược về quốc phòng - an ninh.
Nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh luôn quan tâm công tác giảm nghèo, đặc biệt là công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Công cuộc giảm nghèo trong đồng bào DTTS Bình Phước đã đạt những thành tựu rất đáng tự hào. Tỷ lệ số người và số hộ nghèo giảm xuống theo các năm. Năm 2016, toàn tỉnh có 6.490 hộ nghèo DTTS, đến cuối năm 2019, còn 3.417 hộ nghèo DTTS, giảm được 3.073 hộ nghèo là đồng bào DTTS. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, về thu nhập, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng những thay đổi về đời sống tinh thần. Riêng năm 2019, với chủ trương giảm 1.000 hộ nghèo DTTS từ nguồn ngân sách của tỉnh, được các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân hưởng ứng do đó tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, vượt chỉ tiêu đề ra (giảm 1.128 hộ nghèo DTTS, đạt 113% kế hoạch)[2]. Đồng thời, hộ nghèo DTTS được thụ hưởng đầy đủ các chính sách, dự án theo quy định của Trung ương như vay vốn tín dụng, hỗ trợ y tế, nhà ở, tiền điện, tham gia các mô hình giảm nghèo... Những thành tựu giảm nghèo đã góp phần tích cực vào việc tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc ở Bình Phước.
Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo của các hộ nghèo dân tộc thiểu số còn chậm do đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo ngày càng tăng. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên tổng số hộ nghèo là 44,37%, tính đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên tổng số hộ nghèo là 51,07%[3]. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân tộc thiểu số thường sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa, tập tục canh tác lạc hậu, sinh nhiều con; gia đình người già neo đơn, thiếu vốn, thiếu lao động.... Đặc biệt, là tình trạng mua bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất ở, đất sản xuất trong vùng DTTS vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến nông dân không còn hoặc thiếu đất sản xuất[4].
Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng nghèo trong đồng bào DTTS, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp góp phần làm tốt hơn công tác giảm nghèo đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh như sau:
Một  là, nhóm giải pháp về đất sản xuất trong đồng bào. Các cấp, các ngành chức năng có các biện pháp hạn chế, ngăn chặn và khắc phục tình trạng cầm cố đất, chuyển nhượng đất trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; xử lý các đối tượng môi giới, cho vay nặng lãi. Đối với đồng bào DTTS mới di cư vào Bình Phước tạo điều kiện để đồng bào định canh, định cư. Thay đổi việc thực hiện đầu tư dàn trải sang đầu tư đồng bộ theo dự án.
Giải quyết tốt vấn đề tranh chấp đất đai, ổn định sản xuất và đời sống cho đồng bào các DTTS. Đối với rừng phòng hộ núi cao, đầu nguồn, vùng biên giới, tỉnh cần quản lý thông qua các hình thức tổ chức của các doanh nghiệp như nông trường, lâm trường và thu hút đồng bào các dân tộc tham gia quản lý, chăm sóc, bảo vệ thông qua các hợp đồng kinh tế. Đối với rừng đặc dụng, rừng kinh doanh, sản xuất hàng hóa cần xác định phạm vi quản lý sử dụng có hiệu quả cho từng doanh nghiệp Nhà nước, số còn lại nên giao cho huyện, xã, giao khoán cho hộ gia đình kinh doanh, quản lý sử dụng lâu dài theo luật định.
Quy hoạch và sử dụng đất có hiệu quả, điều chỉnh và thu hồi đất không sử dụng để giao cho các hộ chưa có đất sản xuất, thiếu đất trên địa bàn cũng là giải pháp rất quan trọng góp phần thực hiện giảm nghèo. Trước đây, những thành tựu giảm nghèo đạt được một phần nhờ việc giao đất nông nghiệp, đất có rừng cho đồng bào. Nhưng đất đai có giới hạn, trong khi nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải chuyển phần đất nhất định như từ đất nông nghiệp sang các loại đất khác để xây dựng cơ  sở hạ  tầng, công trình phúc lợi, công cộng, phát triển công nghiệp. Vì vậy, để giải quyết khó khăn này, giải pháp phải tập trung giúp hộ đồng bào dân tộc nói riêng và các hộ nghèo nói chung tăng hiệu quả sử dụng đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu.
Hai là, nhóm giải pháp về kinh tế. Thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hình thành tư duy kinh tế trong sản xuất, biết tính toán đến hiệu quả cây trồng, vật nuôi, biết sử dụng những biện pháp khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng. Người dân có thể trồng xen cây mì trong vườn trồng cây cao su ở giai đoạn cây cao su chưa khép tán hoặc trồng xen cây ca cao dưới tán lá của cây điều, trồng mướp, bí, cây cảnh. Đối với các hộ ít đất sản xuất cần hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi như: nuôi dế lấy thịt, nuôi nhím, thỏ, ong... Ưu tiên những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao và các xã đặc biệt khó khăn ở các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập…
Mở rộng các mô hình đa dạng hóa sản xuất có hiệu quả theo các vùng sinh thái như mô hình VAC (Vườn Ao Chuồng), VRR (Vườn Rẫy Rừng), RVAC (Ruộng Vườn Ao Chuồng).
Giải quyết vấn đề vốn. Vốn là một yếu tố quan trọng, tiên quyết cho tăng trưởng kinh tế, nhất là đối với hộ nghèo lại càng bức xúc. Ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thực tế cho thấy nguồn vốn từ các đoàn thể cũng rất quan trọng. Bởi đây không chỉ góp bằng tiền mà còn các hình thức đóng góp bằng sản phẩm và ngày công theo kiểu xoay vòng để hỗ trợ nhau cùng vươn lên thoát nghèo, nguồn vốn này rất linh hoạt, tuy nhỏ nhưng đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất tiêu dùng của đồng bào. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ vốn bằng cách cho vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản và có cơ chế để cho vay bằng hình thức tín chấp vì người nghèo thì không thể có tài sản để thế chấp. Ngoài ra, tỉnh cần tranh thủ nguồn vốn tài trợ quốc tế cho quỹ giảm nghèo và nguồn vốn từ các chương trình, dự án quốc gia như chương trình giải quyết việc làm, chương trình giảm nghèo … Các nguồn vốn này phải được quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng đối tượng và phải được hướng dẫn, kiểm tra để sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả.
Ba là, nhóm giải pháp tuyên truyền, vận động. Trước hết, cần xác định giáo dục chính trị tư  tưởng và tuyên truyền vận động là công tác hết sức quan trọng trong toàn bộ quá trình thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, đặc biệt đối với đồng bào có trình độ dân trí hạn chế và phong tục tập quán còn lạc hậu. Việc tuyên truyền, vận động phải được tiến hành với nhiều hình thức như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: phát thanh, truyền hình; qua sách, báo bằng tiếng dân tộc phát đến bà con về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuyên truyền sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình để đồng bào hiểu rằng sinh đẻ nhiều là một trong những nguyên nhân chính của đói nghèo, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Sinh con quá dày, quá nhiều, không đủ điều kiện được chăm sóc và học hành tốt.
Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con cách tính toán, chi tiêu tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Tăng cường phát hiện và nêu gương điển hình trong đồng bào dân tộc làm ăn thoát nghèo vươn lên giàu có, tổ chức tham quan tại chỗ, giới thiệu các mô hình, cách làm hay để học tập nhân rộng điển hình. Tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức cho đồng bào, có ý thức vươn lên làm giàu chính đáng với nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với tâm lý, tập quán nhân dân, đồng bào DTTS.
Bốn là, giải pháp về văn hóa giáo dục, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nghèo. Xét một cách toàn diện để giải quyết triệt để đói nghèo cho đồng bào các DTTS ở Bình Phước, vấn đề cơ bản lâu dài là nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào, làm cơ sở cho khả năng tự điều tiết, tự lo ổn định phát triển cuộc sống của mình. Đây là chìa khóa, động lực giảm nghèo bền vững. Thông qua giáo dục - đào tạo, trình độ dân trí được nâng lên sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, chính trị, xã hội ở vùng các DTTS, làm cho cuộc sống của đồng bào chuyển biến theo hướng ngày càng tốt hơn.
Đối với vùng DTTS, cần đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học cho con em đồng bào các dân tộc, ở những xã đặc biệt khó khăn xây dựng chương trình dạy và học phù hợp với các vùng dân tộc, nghiên cứu động viên đồng bào khắc phục tình trạng để con nghỉ học vào mùa điều, mì, cà phê. Tiếp tục mở thêm các phân trường, điểm trường ở các thôn, sóc, cụm dân cư chưa có lớp.
Cần khai thác tiềm năng nông thôn về ngành nghề thủ công truyền thống, du lịch vườn cây, sinh thái với nghiên cứu văn hóa dân tộc như Khu bảo tồn văn hóa S’tiêng sóc Bom Bo. Tạo điều kiện cho đồng bào trực tiếp tham gia vào các hoạt động dịch vụ.
Tổ chức các lớp đào tạo nghề miễn phí từ các nguồn quỹ Khuyến học, Khuyến công… để giúp thanh niên nghèo người đồng bào có việc làm, tăng thu nhập. Hỗ trợ thanh niên nghèo người đồng bào có điều kiện học những nghề phổ biến, phù hợp với trình độ và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương như: cạo mủ cao su, sửa xe gắn máy, điện dân dụng, chăn nuôi, xây dựng… Thanh niên nghèo dân tộc được miễn hoàn toàn học phí, được hỗ trợ tập, viết và trang bị phòng hộ trong thời gian học nghề.
Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, xây dựng, củng cố mạng lưới y tế ở các xã dân tộc, bảo đảm các trạm y tế có đủ số lượng biên chế, đủ cơ số thuốc thông thường, nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ bệnh sốt xuất huyết và sốt rét, giảm dần bệnh bướu cổ, bệnh phong, bệnh lao và thanh toán bệnh bại liệt. Bình Phước cần tiếp tục thực hiện chế độ miễn giảm phí trong khám và điều trị bệnh đối với đồng bào dân tộc.
Năm là, giải  pháp về cán bộ. Cán bộ đóng vai trò quyết định cho sự thành công hay thất bại của mọi chủ trương, chính sách, trong đó có chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Cán bộ làm công tác giảm nghèo ngoài kỹ năng, kiến thức còn phải nhiệt tình để cùng đồng bào DTTS chiến đấu chống lại đói nghèo, cán bộ có thể là người đồng bào DTTS hoặc người Kinh nhưng phải biết tiếng dân tộc mới có thể giúp đồng bào một cách thiết thực nhất. Đồng thời, phải là những cán bộ biết phát hiện vấn đề, biết vận động và tổ chức quần chúng trong vùng đồng bào. Việc đào tạo cán bộ là người DTTS theo chính sách cử tuyển hiện nay là phương án hiệu quả. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn đến tận ấp cho đồng bào theo mô hình “đầu bờ” “cầm tay chỉ việc”. Đưa trí thức trẻ tình nguyện về nhận công tác tại các xã nghèo sẽ mang lại những hiệu quả tích cực cho công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.
Sáu là, giải pháp về các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các dự án, nhất là các dự án thuộc Chương trình 134, 135. Nhanh chóng triển khai việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc dưới nhiều hình thức. Đặc biệt ứng dụng tốt các đề tài do sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Phước chủ quản liên kết với các viện, trường như Viện nghiên cứu cao su, Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Nghiệp vụ cao su Bình Phước…
Như vậy, để thực hiện tốt hơn nữa chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước cần phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như chính sách văn hoá, y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi; Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận cao trong cuộc chiến chống đói nghèo để đồng bào có ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Về lâu dài, nâng cao trình độ dân trí, coi đó là điều kiện để giảm nghèo bền vững. Thực hiện giảm nghèo trong đồng bào dân tộc DTTS Bình Phước, ngoài ý nghĩa về kinh tế - xã hội - nhân văn, còn có giá trị của việc thực hiện chính sách dân tộc, một chính sách trọng yếu của Đảng và Nhà nước./.
 
[1]Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt danh sách thôn  đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thược vùng dân tộc thiểu số và miền nùi giai đoạn 2016 - 2020
[2]Báo cáo số 331/BC-SLĐTBXH ngày 27/12/2019 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2019.
[3] Báo cáo số 330/BC-SLĐTBXH ngày 27/12/2019 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2019.
[4]Công tác dân tộc thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Cổng Thông tin điện tử Ủy ban dân tộc

Tác giả bài viết: ThS. Bùi Viết Trung - Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Lê Trọng Đức
    Số liệu về đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Phước theo bài viết là chưa chính xác. Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 111 xã, phường, thị trấn,
      Lê Trọng Đức   27/03/2020 07:04
    • @Lê Trọng Đức: 107 là số xã thuộc vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định của Thủ tướng chứ không phải số đơn vị hành chính cấp xã
        Bùi Viết Trung   03/05/2020 21:01
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm54
  • Hôm nay9,367
  • Tháng hiện tại156,278
  • Tổng lượt truy cập9,118,640
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây