Kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020): Tư tưởng về chính trị của V.I.Lênin soi sáng sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Thứ sáu - 17/04/2020 23:23 967 0
Trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, V.I. Lênin đã vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác trong việc luận giải những vấn đề mới của chủ nghĩa tư bản và làm sáng tỏ vai trò sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, Những quan điểm của V.I. Lênin về chính trị có giá trị to lớn trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.
            Theo C.Mác, “Cuộc đấu tranh giữa giai cấp với giai cấp là một cuộc đấu tranh chính trị” (1) . Hoạt động chính trị của giai cấp công nhân là một tất yếu để tự giải phóng mình khỏi tình cảnh bị bóc lột và áp bức của giai cấp tư sản. Phát triển quan điểm của C.Mác về chính trị, V.I.Lênin chỉ rõ: “Cái căn bản nhất trong chính trị tức là việc tổ chức chính quyền nhà nước”(2) và cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản nhất định biến thành một cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản nhằm giành lấy chính quyền, vì chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Cũng theo V.I.Lênin: “Chính trị là sự tham gia vào những công việc của nhà nước, là việc vạch hướng đi cho nhà nước, việc xác định những hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước” (3) . Chính trị là hoạt động nghiêm túc của quần chúng số đông, chính trị là vận mệnh thực tế của hàng triệu con người, liên quan đến số đông con người trong xã hội. 
         Đối với giai cấp vô sản, cuộc đấu tranh chính trị có hai giai đoạn: giành lấy chính quyền và xây dựng chế độ mới; trong xây dựng chế độ mới thì xây dựng nhà nước về kinh tế là chính trị chủ yếu. “Chính trị là một khoa học và một nghệ thuật, giai cấp vô sản muốn thắng giai cấp tư sản thì phải đào tạo lấy những nhà chính trị giai cấp thực sự là của mình, những nhà chính trị vô sản và không thua kém các nhà chính trị của giai cấp tư sản”(4). Như vậy, chính trị xuất phát từ thực tiễn sản xuất, do sản xuất, kinh tế quy định; nhưng không thụ động, lạc hậu mà chính trị tác động trở lại tới sản xuất, kinh tế theo hướng chủ động, tích cực, vượt trước. Nền chính trị kiểu mới của giai cấp công nhân là triệt để và sâu sắc nhất trong lịch sử các nền chính trị. Nó không chỉ dừng lại ở việc giành chính quyền mà còn phải xây dựng thành công chế độ mới. Đó là một nền chính trị phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế và phát triển dân chủ để đem lại lợi ích thực hiện quyền làm chủ cho người lao động, do đó nó mang ý nghĩa nhân văn và nhân đạo sâu sắc. Theo V.I.Lênin, cuộc đấu tranh chính trị là cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đầy đủ và có quy mô toàn dân tộc. Giai cấp công nhân trong tiến trình đấu tranh giai cấp trải qua nhiều hình thức và trình độ khác nhau, bắt đầu là đấu tranh kinh tế, đòi những lợi ích trước mắt, đến một trình độ cao hơn là đấu tranh tư tưởng, lý luận. Khi các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan đã chín muồi và thời cơ cho phép, giai cấp công nhân cùng với quần chúng lao động giành lấy chính quyền, thì cuộc đấu tranh chính trị trở thành cuộc cách mạng chính trị, đó là bước ngoặc, là sự nhảy vọt về chất của cuộc đấu tranh giai cấp. Chính quyền là mục tiêu trực tiếp, là điều kiện, tiền đề để đi tới mục tiêu lâu dài là xây dựng thành công xã hội cộng sản chủ nghĩa.
         Trong mối quan hệ giữa chính trị với kinh tế, theo V.I.Lênin: Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, có cơ sở thực tiễn từ kinh tế, từ sản xuất – sự phát triển kinh tế đến một trình độ nhất định nảy sinh chính trị và chính trị xuất hiện phản ánh nhu cầu cơ bản của kinh tế. Vì chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế nên chính trị phải mang trong nó quy luật kinh tế khách quan, có nghĩa là quan điểm, mục tiêu, hoạt động của hệ thống chính trị, quyết định chính trị phải phản ánh yêu cầu phát triển kinh tế, là hội tụ của tính tất yếu kinh tế.  Mặt khác chính trị không thể không giữ vị trí ưu tiên so với kinh tế, có nghĩa là: giai cấp cách mạng muốn thay đổi quan hệ sản xuất để giải phóng sức sản xuất, muốn xây dựng chế độ xã hội mới tiến bộ hơn thì trước hết phải giành lấy quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. nếu không có quan điểm, đường lối, chính sách chính trị đúng thì một giai cấp nào đó sẽ không thể giữ vững được sự thống trị chính trị, do đó cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ kinh tế. Sự phát triển kinh tế bền vững của một chế độ xã hội được bảo đảm bằng thành quả của chính trị. Sự vận động phát triển kinh tế phải nhằm bảo vệ và phát triển những thành quả chính trị đã đạt được. Chính trị ổn định giúp kinh tế phát triển, chính trị không ổn định, thành quả chính trị không được bảo vệ thì thành quả kinh tế có thể bị suy sụp, tan rã.
         Đối với nước ta, chính trị được hiểu là cuộc đấu tranh giai cấp, là mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa giai cấp với nhà nước, là sự tham gia của cá nhân vào công việc nhà nước, công việc xã hội. Chính trị vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Chính trị liên quan đến vận mệnh của hàng triệu người, do đó các bài toán chính trị phải được tính toán chính xác, thấu đáo. Chính trị là nghệ thuật, đòi hỏi chính trị phải có mục tiêu, nội dung, phương pháp linh hoạt, mềm dẻo, “dĩ bất biến ứng vạn biến” và có lúc, có thể hy sinh một lợi ích kinh tế nhất định nào đó vì mục tiêu chính trị. Trong điều kiện hiện nay chúng ta cần vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về chính trị để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, Đảng và Nhà nước phải đề ra được đường lối, chính sách chính trị đúng đắn và mang tính khoa học vượt trước để chỉ đạo nền kinh tế phát triển; kiên trì đường lối đổi mới, vận dụng quy luật kinh tế khách quan, thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khai thác hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, không ngừng nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; phát huy dân chủ, giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; đảm bảo kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, các thành phần kinh tế khác vừa cạnh tranh trong nước vừa cạnh tranh với các thành phần kinh tế nước ngoài làm lợi cho kinh tế nhà nước. Nhà nước chỉ quản lý vĩ mô nền kinh tế bằng các nguồn lực, đòn bẩy, công cụ tài chính, kế hoạch, còn quản lý vi mô thuộc các doanh nghiệp với các quyết định về sản xuất kinh doanh. Đồng thời thực hiện đổi mới toàn diện đồng bộ giữa chính trị và kinh tế, đảm bảo ưu tiên phát triển kinh tế.
         Quan điểm của V.I. Lênin về chính trị là quan điểm khoa học và nhân văn vì con người, có mục tiêu phát huy dân chủ, đem lại lợi ích cho số đông là giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của V.I. Lênin, suy ngẫm, nghiên cứu sâu sắc hơn những tư tưởng về chính trị của Người và vận dụng sáng tạo trong từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng vững mạnh về chính trị, kinh tế và xã hội là quan trọng và cần thiết./.
---------------------------------------------
(1) C. Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, t.4, tr.256
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb TB, M, 1980, t.23, tr.302.
(3) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb TB, M, 1976, t.33, tr.404.
(4) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb TB, M, 1977, t.41, tr.80 -81.
 

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm53
  • Hôm nay7,820
  • Tháng hiện tại120,285
  • Tổng lượt truy cập8,647,349
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây