Với lòng yêu nước, với trí tuệ và khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc, Người ra đi tìm đường cứu nước để giải phóng dân tộc và Người có một ham muốn tột bậc là đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Lời kêu gọi trên báo Le Paria, số 1, Người khẳng định: “…giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và bác ái… mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: đó là giải phóng loài người”2. Giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho dân tộc mình cũng chính là độc lập cho các dân tộc, cũng chính là giải phóng xã hội và giải phóng loài người. Đó là sự kết hợp khoan dung của cá nhân với những giá trị văn hóa của dân tộc và thời đại. Tinh thần khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có nguồn gốc từ truyền thống khoan dung, nhân nghĩa, bác ái của dân tộc, mà Người tiếp thu những giá trị tốt đẹp, tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đồng thời Người luôn trân trọng những giá trị văn hóa của nhân loại, ngay cả khi chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Người vẫn đề cao, tôn trọng, ca ngợi văn hóa Pháp, truyền thống cách mạng của nước Mỹ.
Ngoài ra, khoan dung của Người được biểu hiện yêu hòa bình, yêu thương con người, khoan hồng, bao dung, luôn sự tôn trọng người khác, thân thiện, tin tưởng vào phần tốt đẹp trong mỗi con người. “Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”4. Đối với những người do hoàn cảnh đưa đẩy mà lầm đường, lạc lối, Người cũng muốn cảm hóa họ, lôi cuốn họ về với nhân dân. Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ”5. Với kẻ thù, Người cũng thể hiện sự bao dung, độ lượng muốn họ bỏ Pháp quay về với nhân dân, Tổ quốc: “Tôi biết rằng: Các người đều là con dân nước Việt, song vì bị Pháp bắt buộc, hoặc bị chúng lừa gạt, cho nên đi lính cho chúng. Chứ thật không ai muốn "cõng rắn bắt gà nhà", "rước voi giày mả tổ", chống lại Tổ quốc, để mang tiếng Việt gian”6. Với những người lính Pháp tử trận, Người cũng dành cho họ sự thương xót chân tình, đầy tình người: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”7. Đối với con người nói chung, Người luôn khuyến khích, nâng đỡ, hướng họ tới chân, thiện, mỹ; khơi dậy ở con người mặt tốt, giúp họ vươn lên, khẳng định mình.
Ngày nay, trong thời kỳ bùng nổ thông tin, nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, các nền văn hóa các nước đang có sự giao thoa, mở cửa, hội nhập. Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đã và đang chịu ảnh hưởng cả mặt tích cực và mặt tiêu cực từ môi trường kinh tế, xã hội. Họ là lớp người trẻ, khoẻ, có nhiệt tình cách mạng, nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ. nhưng cũng lại chạy theo chủ nghĩa thực dụng kinh tế, lối sống tiêu thụ, hưởng thụ, khát vọng tiền tài, tư tưởng vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự sùng ngoại và đua đòi những lối sống và thị hiếu thấp kém, xa lạ, không phù hợp với dân tộc, những tệ nạn xã hội nguy hiểm như ma tuý, mại dâm,... trong đó, một bộ phận giới trẻ đang thiếu lòng khoan dung, nhân ái. Bồi dưỡng tinh thần khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đang là yêu cầu cấp bách ở Việt Nam đối với thế hệ trẻ.
Giáo dục tinh thần khoan dung biện pháp hữu hiệu để dạy thế hệ trẻ biết tôn trọng giá trị của các nền văn hoá khác nhau, tôn trọng quyền con người, định hướng giá trị của mỗi cá nhân, chấp nhận sự khác biệt về màu da, ngôn ngữ, tâm lý, tính cách, sở thích khác nhau, khắc phục thái độ cố chấp, bất khoan dung.
Giáo dục tinh thần khoan dung cũng là tăng cường sự hiểu biết cho thế hệ trẻ về những bản sắc của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã cùng sống, lao động, xây dựng và sáng tạo từ bao đời nay, về những giá trị tích cực của nhiều nền văn hóa của các quốc gia khác trên thế giới, cả Đông và Tây, cả gần và xa,... nhằm tránh những định kiến và kỳ thị không đáng có.
Đồng thời, bồi dưỡng tinh thần khoan dung còn phải giúp cho thế hệ trẻ phát triển năng lực nhận thức có phê phán, có khả năng suy nghĩ độc lập, biết lập luận dựa trên giá trị yêu thương con người, dựa trên các tiêu chí của đạo đức, khoa học và nhân văn để tránh bị các thế lực thù địch, phản động dùng những thủ đoạn tuyên truyền lừa mị, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay nhằm phục vụ cho mục tiêu của họ.
Tóm lại, tinh thần khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trở thành một sức mạnh để nêu gương, cảm hóa, giáo dục. Hãy giáo dục thế hệ trẻ bằng tinh thần khoan dung. Một xã hội được xây dựng trên nền tảng của lòng khoan dung sẽ giảm bớt bạo lực, bớt tiêu cực và tốt đẹp hơn./.
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.186.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t,1, tr.491.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.291-292.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 672.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.280-281.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.233.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.510.