Một số giải pháp nâng cao chất lượng đề thi tự luận dành cho chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Thứ năm - 25/06/2020 22:30 4.008 0
       Xây dựng đề thi và tổ chức thi là một khâu quan trọng trong quy trình đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, việc xây dựng ngân hàng đề thi đã được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: đề thi tự luận, thi trắc nghiêm, thi vấn đấp, thi vấn đáp kết hợp tự luận. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung làm rõ yêu cầu của việc xây dựng bộ đề thi tự luận, bất cập và giải pháp để nâng cao chất lượng bộ đề thi tự luận hết phần học của chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
       1. Việc xây dựng ngân hàng đề thi tự luận cần đáp ứng đủ các yêu cầu
      Thi là một trong những hình thức đánh giá kết quả học tập, quá trình thu thập thông tin về những gì người học đạt được và so sánh với mục tiêu đã được xác định trước của chương trình học hay là mục đích giáo dục nói chung, để biết mục đích đó đã đạt được đến mức độ nào.
      Việc đánh giá kết quả học tập/thi cử được thực hiện thường xuyên trong cả quá trình học, qua đó người học biết mức độ tiến bộ của mình và người dạy điều chỉnh việc dạy học của mình nhằm đạt tới mục tiêu. Việc thi cử sẽ đạt được hiệu quả hữu ích nhất khi gắn chặt với mục tiêu của chương trình giáo dục.
       Có thể nói kết quả thi không chỉ là cơ sở để đánh giá kết quả học tập của người học mà qua đó còn là cơ sở đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên. Để đáp ứng được yêu cầu này việc xây dựng bộ đề thi cho các phần học cần đáp ứng các yêu cầu về hình thức, nội dung, quy trình và mục tiêu đánh giá của phần học.
        Về hình thức: theo yêu cầu của quy chế hiện hành của Nhà trường, mỗi phần học có một bộ đề gồm 10 đề, mỗi đề thi có 2 đến 3 câu, dưới hình thức đề mở. “Đề mở” là dạng đề được phép dùng tài liệu trong quá trình làm bài, hướng tới gợi mở, kích thích khả năng tư duy, tính độc lập sáng tạo của người học.
      Về nội dung các câu hỏi phải phản ánh đầy đủ nội dung chương trình, hợp lý, không trùng lặp; kiểm tra được kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng của học viên. Nội dung câu hỏi đề thi đảm bảo yêu cầu lý luận gắn với thực tiễn, đi sâu vào bản chất của vấn đề được nghiên cứu, tạo ra sự phân hóa rõ hơn trong đánh giá học viên.
Về quy trình xây dựng đề thi: Ngày 02 tháng 5 năm 2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế cho bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trong đó Quy chế đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính yêu cầu về quy trình ra đề thi: Khoa chủ trì giảng dạy phần học, môn học nào thì ra từ 02 đến 03 đề thi và đáp án phần học, môn học đó kèm theo, gửi về Ban Giám hiệu trước khi thi ít nhất 02 ngày để Ban Giám hiệu quyết định. Tuy nhiên để xây dựng ngân hàng đề thi theo quy chế của Trường, hiện nay tương ứng với mỗi phần học có một bộ đề thi gồm 10 đề.
        Như vậy đề thi phải đảm bảo thực hiện đúng quy chế của Trường và Quy chế của Học viện Chính trị quốc gia về xây dựng và quản lý đề.
      Mục tiêu việc thi hết phần ngoài việc đánh giá kết quả học tập của học viên còn hướng đến nâng cao ý thức học tập của học viên, tạo ra phong trào thi đua học tập trong lớp, hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử, góp phần cao chất lượng sau đào tạo; hình thành phương pháp tư duy, khả năng nhận thức vấn đề; sự hiểu biết về đời sống chính trị, xã hội;  ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp, với đất nước.
      2. Những bất cập phát sinh trong việc xây dựng đề thi tự luận
      Thưc̣ tế hiện nay, mặc dù đề thi đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tế cần có, tuy nhiên vẫn có một số bất cập:
      Thứ nhất, mâu thuẫn giữa đòi hỏi thi, kiểm tra “ lý luận gắn với thực tiễn” và khả năng hướng dẫn vận dụng thực tiễn cuả giảng viên.
     Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính có khá nhiều nội dung môn học, phần học có quy mô khối lượng kiến thức lớn, để hiểu được những khái niệm, nguyên lý, quy luật cơ bản của bài đã là khó, việc vận dụng thực tiễn đòi hỏi còn khó hơn nhiều. Giảng viên chịu trách nhiệm chính trong xây dựng đề thi, tuy nhiên do năng lực khác nhau việc xây dựng đề có độ chênh lệch nhất định về độ khó, dễ.
     Bên cạnh những đề thi khai thác sâu nội dung lý luận và sát về yêu cầu vận dụng, thì cũng còn không ít đề thi nặng về lý luận lý và vận dụng thực tiễn chung chung. Hiện tại, tùy theo đặc thù của từng phần học mà việc giảng dạy ở mỗi bài, mỗi phần có điểm khác nhau, hoặc chọn giảng tức giảng những nội dung chính của bài hoặc giảng hết bài. Giảng theo cách thứ nhất thì sẽ khai thác sâu nội dung và có thời gian để hướng dẫn vận dụng, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu. Giảng theo cách thứ hai thì khó khai thác sâu về nội dung và đặc biệt phần hướng dẫn vận dụng kiến thức thực tế còn hạn chế .
     Với yêu cầu đề mở, cơ cấu điểm cho phần lý luận thông thường chiếm 50% điểm số và phần vận dụng là 50% điểm. Nội dung phần vận dụng là phần thể hiện sự tư duy, sáng tạo của học viên. Để làm tốt nội dung vận dụng đòi hỏi cả giảng viên trong quá trình giảng phải hướng dẫn học viên. Giảng viên nếu không sâu phần lý luận, thực tiễn hạn chế, minh họa cho nội dung giảng dạy thường chung chung hoặc lấy ví dụ tản mạn thì học viên khó có thể đạt được yêu cầu khi thực hiện yêu cầu này trong nội dung thi. Vận dụng hay liên hệ có giá trị thực tiễn đối với học viên, nhưng đây cũng là điểm yếu nhất khi làm bài lý luận. Lý luận thông hiểu, hiểu càng sâu thì phần liên lệ vận dung càng tốt. Nội dung các câu hỏi yêu cầu vận dụng thông thường đối với địa phương, đơn vị hoặc thực tiễn công tác. Nghĩa là căn cứ vào lý luận để soi vào thực tiễn để xem xét đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế, nguyên nhân của hạn chế và giải pháp để thúc đẩy hoạt động thực tiễn theo hướng tích cực.
      Thứ hai, đảm bảo đề thi phần liên hệ hay vận dụng sát yêu cầu nội dung lý luận và không trùng, không lấn sân sang những nội dung phần học khác đã học hoặc chưa học trong chương trình.
      Thứ ba, hình thức thi “Đề mở” được sử dụng phổ biến hiện nay trong giảng dạy lý luận chính trị, bởi hình thức thi này có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên thông thường không có câu hỏi hay đề cương ôn cụ thể. Nội dung ôn tập thường theo vấn đề, nội dung cốt lõi, cơ bản và quan trọng là hướng dẫn cách thức tiếp cận vấn đề hay chính xác là thông qua những nội dung cơ bản của bài giảng viên sẽ hướng dẫn cách thức, phương pháp ôn tập và làm bài. Thông thường mỗi phần học có một buổi ôn tập khoảng 20 nội dung vừa có tính cụ thể lại vừa mang tính hệ thống, dẫn đến tâm lý học viên thường nặng nề. Để đối phó với nội dung ôn tập lớn, học viên thường sưu tầm hay sử dụng tài liệu phô tô sẵn để thi. Điều này chứng tỏ đề thi chưa khuyến khích được thí sinh phát huy năng lực tư duy, sáng tạo. Những thí sinh chỉ biết sao chép máy móc vẫn đạt điểm để vượt qua kỳ thi. Như vậy, ưu điểm đề thi mở đã không phát huy được tác dụng.
       Thứ tư, nội dung đề thi còn giới hạn trong từng bài, thiếu đề thi tổng hợp cho phần học. Đề phân tích một nội dung cụ thể xuất hiện nhiều hơn đề phân tích nội dung tổng hợp. Đề phản biện cơ bản có nhưng không nhiều để, đề này thường khó nhất là đối với phần lý luận Mác – Lênin.
      Điểm hạn chế nhất của học viên chính là một số nội dung thi yêu cầu tính thực tiễn, tính sáng tạo chưa cao hoặc còn chung chung. Còn có câu hỏi tái hiện kiến thức lý thuyết, thậm chí ra đúng như đề mục trong bài nhưng vẫn chiếm phần lớn cơ cấu điểm cần đạt. Như vậy, chỉ cần viết đủ nội dung lý luận theo giáo trình đã đạt yêu cầu, dẫn đến học viên không phát huy được tính thực tiễn trong nội dung lý luận đã học.
       3. Một số giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng xây dựng đề
      Cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn về các chủ đề thiết yếu để nâng cao chất lượng giảng dạy và xây dựng đề thi. Trao đổi tạo sự thống nhất trong nhận thức trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, từ giảng bài, các phương án giảng, nội dung khai thác giảng, xây dựng đề thi, đến độ đa dạng đề thi cần đạt...
      Nêu cao tinh thần tự giác trong nghiên cứu, giảng dạy và xây dựng đề thi. Để giảng dạy và xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu trước hết giảng viên cần nâng cao trách nhiệm trong từng bài giảng để trang bị những kiến thức cơ bản nhất cho học viên. Cần khắc phục tình trạng hoặc “nhồi nhét”, “quá tải” một chiều về lý luận, hoặc nặng về nhồi nhét thông tin… gây áp lực cho người học. Giảng viên cần thực hiện tốt yêu cầu trang bị phương pháp tiếp cận, phân tích, luận giải một hiện tượng, một vấn đề thuộc nội dung, chương trình, bài giảng, cũng như trong thực tiễn sinh động cho học viên. Giảng viên tăng cường trao đổi, đối thoại, thảo luận với học viên... Qua đó, sẽ khơi dậy được sự hứng thú, kích thích được khả năng chủ động, sáng tạo, ý thức tự giác trong quá trình học tập, tự nghiên cứu; biết liên hệ giữa lý luận với thực tế, biết cách ôn thi và làm bài thi hết môn học, phần học của học viên đạt kết quả tốt.
      Mỗi giảng giảng viên cần chủ động nghiên xây dựng đề thi cho mỗi bài mà mình đảm nhận. Nghiên cứu những bài có nội dung gần kể cả các phần học khác để tránh lấn sân sang các phần học khác.
Thống nhất cơ cấu điểm phần lý luận và vận dụng hợp lý cho các phần học, đối với nhưng nội dung giảng viên hướng dẫn học viên tự nghiên cứu cũng cần đưa vào nội dung ôn và thi.
      Cần bổ sung một số câu hỏi mang tính tổng hợp nội dung của nhiều bài, cho học viên thảo luận làm quen với cơ cấu điểm ít để thí điểm đưa vào đề thi nhằm làm mới đề, đồng thời tạo hứng thú cho những học viên có khả năng học tốt hướng đến điểm giỏi, điểm xuất sắc 9, 10.
       Định kỳ sau một lớp học giảng viên lại bổ sung 01 câu hỏi mới cho mỗi bài giảng để làm phong phú ngân hàng đề thi.
Cần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng mở, hướng tới khai thác những vấn đề gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, đất nước hay những vấn đề học viên quan tâm. Bên cạnh làm rõ những nội dung lý luận cơ bản cần phê phán hay phản biện, đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, trái chiều liên quan nội dung bài giảng và cơ cấu tỷ lệ câu hỏi theo hình thức phản biện phù hợp.
     Cần đầu tư nghiên cứu trong việc xây dựng đề thi mở gắn với đáp án mở. Thông qua việc chấm bài để thu nhận, điều chỉnh bài giảng theo hướng phù hợp, từ đó gợi mở các cách tiếp cận mới trong giảng dạy và xây dựng đề đề thi.
      Nâng cao chất lượng đề thi nói riêng, chất lượng giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị - hành chính nói chung là cả một quá trình, mà ở đó cần sự nỗ lực không ngừng của cả tập thể giảng viên. Từ sự đổi mới nhận thức đến hoạt động giảng dạy, giảng viên không ngừng làm mới nội dung, phương pháp giảng dạy đến cách khai thác tính thực tiễn trong xây dựng đề thi. Với quyết tâm đổi mới,  chất lượng đề thi của nhà trường sẽ sớm được cải thiện trong thời gian tới, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ninh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại185,292
  • Tổng lượt truy cập9,147,654
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây