Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Đồng Xoài (9/6/1965 – 09/6/2020): “Đồng Xoài rực lửa chiến công” – Mốc son chói lọi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thứ tư - 03/06/2020 00:06 3.455 0
 Bình Phước là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta, trong đó có chiến thắng Đồng Xoài (9/6/1965) đánh dấu trang sử vẻ vang trong lịch sử dân tộc: “Trận Đồng Xoài chớp đỏ rực trời Nam, Ánh sáng tự do sáng bừng năm châu bốn bể”[1]
     Đầu tháng 5/1965, căn cứ vào nhiệm vụ chiến lược do Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đề ra, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định mở Chiến dịch Đồng Xoài nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân đội Sài Gòn trước khi Mỹ tăng quân ồ ạt vào chiến trường miền Nam, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn các tỉnh Bình Long, Phước Long và phía bắc Bình Dương.

     Chiến dịch được tổ chức chuẩn bị chu đáo và diễn ra quyết liệt, từ ngày 10-5 đến ngày 22/7/1965, trên địa bàn rộng lớn gần 1.000 km2  bao gồm các hướng chính là tỉnh Phước Long và tỉnh Bình Long. Chiến dịch được tổ chức thành 03 đợt tấn công:
      
Đợt 1: từ ngày 10/5/1965 đến ngày 15/5/1965, hướng tấn công là tỉnh Phước Long, trọng tâm là chi khu Phước Bình.
     
Đợt 2: diễn ra từ ngày 09/6/1965 kết thúc ngày 12/6/1965; Quân ủy Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định khu vực quyết chiến sẽ diễn ra xung quanh chi khu Đồng Xoài, lấy tiêu diệt chi khu Đồng Xoài làm trận then chốt. Đêm ngày 09/6 trong lúc ta đang triển khai đội hình chiến đấu thì một bộ phận bị lộ. Địch nổ súng trước và dùng súng bắn vào phía ta. Trận đánh kéo dài và trở nên ác liệt hơn do  yếu tố bí mật của ta không còn. Đến 4 giờ sáng ngày 10/6/1965, lực lượng ta làm chủ được chi khu Đồng Xoài và khu biệt động. Trước tình thế đó, địch tăng cường chi viện: ngày 10/6/1965, địch đổ Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 7 Sư đoàn 5 ngụy xuống Thuận Lợi với ý định hành quân bộ xuống cứu viện cho chi khu Đồng Xoài; sáng ngày 11/6/1965 địch lại đổ tiếp xuống Đồng Xoài Tiểu đoàn 7 dù và Tiểu đoàn 46 biệt động quân cùng 01 đại đội pháo 105. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ta triển khai thực hiện chiến thuật “đánh điểm, diệt viện” nhằm khống chế không cho máy bay địch đổ quân. Đến ngày 12/6 nhiệm vụ đánh diệt chi khu Đồng Xoài và diệt viện binh địch xung quanh chi khu Đồng Xoài đã hoàn thành, kết thúc đợt 2 của chiến dịch.
     Đợt 3: đêm ngày 15/7/1965, Trung đoàn 2 tập kích một tiểu đoàn hỗn hợp của Trung đoàn 7 Sư đoàn 5 ngụy, hành quân từ Bến Cát lên, dừng chân tại Bầu Bàng; ta tiêu diệt tại chỗ 400 quân địch. Trong lúc địch đang loay hoay đối phó ở hướng đường 13 thì ngày 20/7/1965, Trung đoàn 3 tập kích Trường huấn luyện biệt kích Bù Đốp bắt nhiều tù binh và thu nhiều vũ khí. Ngày 22/7/1965, nhận thấy quân địch đã rút vào cố thủ, khả năng chi viện rất ít, nên Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch để củng cố lực lượng của ta.

3

Cán bộ Bộ Tư lệnh chiến dịch Đồng Xoài vượt sông vào vị trí tập kết chiến dịch.
Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

     Chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài kéo dài 64 ngày đêm; các lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch cùng với quân và dân Bình Phước đã tiêu diệt được 4.500 tên địch trong đó có 73 cố vấn Mỹ, bắn rơi 31 máy bay và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Đồng thời bộ đội địa phương và du kích hoạt động rộng khắp, hỗ trợ đắc lực cho nhân dân phá ấp chiến: ở Bình Long 58 trong tổng số 75 ấp chiến lược bị ta phá banh, phá rã; ở Phước Long ta phá được 21 ấp chiến lược, dinh điền và 06 khu tập trung người dân tộc, giải phóng được 56.000 trong tổng số 67.000 dân trên một vùng đất rộng lớn  [2].
     Chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài mà trọng điểm là chiến thắng Đồng Xoài là một chiến dịch có quy mô lớn, thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa to lớn trên nhiều mặt. Cụ thể như sau:
     Thứ nhất: Chiến thắng Đồng Xoài là một bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cục diện chiến trường Nam bộ. Tiếp theo chiến dịch Bình Giã, chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài là chiến dịch tiến công diễn ra dài ngày trên một chiến trường rộng lớn; quân ta phá vỡ nhiều hệ thống công sự phòng thủ của địch, tiêu diệt các tiểu khu, chi khu, làm chủ thị xã, thị trấn trong nhiều giờ. Trên chiến trường lúc này lực lượng của ta đã tương đối lớn mạnh, có cả bộ đội chủ lực được xây dựng từ lực lượng tại chỗ, cả bộ đội chủ lực cơ động từ miền Bắc vào; lực lượng dân quân du kích cũng phát triển mạnh và đã được tôi luyện qua thực tiễn chiến đấu nên rất gan dạ, dũng cảm, chiến đấu mưu trí, chủ động kéo giãn chủ lực địch ra khắp chiến trường để tiêu diệt. Nhân dân miền Nam liên tục tham gia đấu tranh trực diện với địch, phá ấp chiến lược, phản đối các chính sách kìm kẹp của Mỹ - ngụy, tích cực ủng hộ cách mạng. Về phía địch, mặc dù được sự hậu thuẫn tích cực của đế quốc Mỹ cả về người và vũ khí, nhưng chúng ỷ lại vào vũ khí; các cuộc hành quân, các chiến thuật của địch phần lớn bị ta đánh bại; các chính sách địch đem ra áp dụng đều bị nhân dân phản đối, nên không hiệu quả, dẫn đến bị động cả về chiến thuật và chiến lược.
     Thứ hai: Chiến thắng Đồng Xoài là một đòn tấn công quyết định làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Sau chiến dịch Đồng Xoài có thể thấy, cái “xương sống” của “chiến tranh đặc biệt” là “ấp chiến lược” đã bị bẻ gãy; con át chủ bài của “chiến tranh đặc biệt” là Quân đội Việt Nam Cộng hòa thì rệu rã, không đủ khả năng giành giữ địa bàn với lực lượng vũ trang miền Nam nên việc thất bại của Mỹ - ngụy trong “chiến tranh đặc biệt” là đương nhiên. Để cứu sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng nên, ngày 20-1-1965, trong thông điệp nhậm chức Tổng thống Mỹ, Giôn-xơn tuyên bố: Mỹ phải có hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của Quân đội Việt Nam Cộng hòa và chính quyền miền Nam, giữ vững Nam Việt Nam. Tuyên bố của Tổng thống Giôn-xơn đã mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất bằng không quân và cũng là sự mở đầu để đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam, bắt đầu cho một chiến lược chiến tranh mới đó là “chiến tranh cục bộ”.

     Thứ ba: Thắng lợi của chiến dịch Đồng Xoài đã đánh dấu sự phát triển của chiến tranh nhân dân địa phương, sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang ở miền Đông Nam bộ cả về xây dựng tác chiến và đảm bảo hậu cần, kỹ thuật. Thắng lợi đó còn chứng tỏ quân ngụy dù còn hơn 500.000 tên, được Mỹ tổ chức huấn luyện, chỉ huy và trang bị hiện đại, được 30.000 lính Mỹ và chư hầu hỗ trợ, vẫn không đủ sức đảm đương nhiệm vụ ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng cũng như các địa bàn xung yếu mà chúng chiếm được từ trước. [3]
     Thứ tư: Chiến thắng Đồng Xoài đã làm cho tình hình của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa vốn đã lục đục, bất ổn ngày càng trở nên rối loạn. Ngày 18/6/1965, nhóm tướng trẻ Thiệu – Kỳ được Mỹ giật dây lại làm đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh, thành lập chính phủ quân sự ở miền Nam. Tháng 7/1965, tướng Mỹ Taylo – người được các giới quân sự và chính trị suy tôn là “vị tướng tài ba nhất nước Mỹ”, tác giả chiến lược “phản ứng linh hoạt” – cơ sở của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” phải từ chức Đại sứ, rời Sài Gòn về nước.
     Thứ năm: Chiến thắng Đồng Xoài đã để lại nhiều bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam. Đó là bài học về nghệ thuật chiến dịch tiến công, trong đó điểm nổi bật là vận dụng nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” đối với thành phần lực lượng “tĩnh” và “động” của địch trên chiến trường miền Đông Nam Bộ; đánh điểm là đánh vào các chi khu quân sự (trận then chốt) để câu viện binh địch tới với yêu cầu là đánh tiêu diệt chúng. Trong chiến dịch Đồng Xoài, ta đã thành công trong nghệ thuật mở màn chiến dịch và nhử viện binh địch, khéo kết hợp chặt chẽ giữa đánh điểm và diệt viện, giữa đánh địch trong công sự với tiêu diệt địch ngoài công sự. Phát huy hiệu quả vai trò của đánh điểm thể hiện ở cả hai chức năng vừa tiêu diệt sinh lực địch trong công sự vững chắc, vừa nhử viện binh địch đến để tiêu diệt chúng.
     Tóm lại, thắng lợi của Chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài đã tạo nên một bước ngoặt chiến lược quan trọng, làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta sang một giai đoạn mới, từ giai đoạn “Mỹ khó có thể thắng ta” sang giai đoạn “Mỹ có thể thua ta”. Đồng thời, để lại kinh nghiệm quý về nghệ thuật lựa chọn mục tiêu của trận then chốt và nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”, là cơ sở để ta tiếp tục vận dụng sáng tạo vào các chiến dịch tiếp theo mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối.
      Sự kiện Đồng Xoài rực lửa chiến công năm 1965 đã làm nức lòng quân và dân Bình Phước, là sự tưởng thưởng xứng đáng cho một bản hùng ca về tình quân dân gắn bó, là kết quả những đêm không ngủ của cả núi rừng Bình Phước với tiếng hành quân, tiếng giã gạo…để chuẩn bị cho chiến dịch, là minh chứng hào hùng về truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất của nhân dân tỉnh nhà. Chiến tranh đã đi qua nhưng những truyền thống tốt đẹp, những bài học kinh nghiệm quý giá trong những năm tháng hào hùng và gian khổ ấy sẽ mãi là hành trang vô giá cho mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bình Phước trên chặng đường lịch sử tiếp theo./.

 
[1] Tác giả Ngân Hoàn - nguyên Ủy viên Đảng đoàn Hội Văn học - nghệ thuật Bình Phước, bài phú Hùng ca chiến thắng Đồng Xoài, đăng trên báo Bình Phước ngày 09/6/2015.
[2] Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước (2000), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước sơ thảo (1930 – 1975), (trang 227).
[3] Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (2011), Lịch sử Miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ kháng chiến (1945 – 1975), Nxb Sự Thật, Hà Nội, (trang 495).

Tác giả bài viết: Dư Thị Oanh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập185
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm183
  • Hôm nay3,903
  • Tháng hiện tại110,923
  • Tổng lượt truy cập9,312,580
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây