Giải pháp phòng, chống hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Thứ sáu - 12/06/2020 20:01 3.102 0
Theo Báo cáo 69 /BC-ĐGS ngày 19/5/2020 của Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XIV Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, tính từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019 đã phát hiện xử lý các vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng với 175 vụ, với 190 đối tượng xâm hại, 178 trẻ em bị xâm hại, trong đó: xâm hại tình dục 148 vụ, với 151 trẻ em bị xâm hại; mua bán trẻ em: 27 vụ, 27 trẻ em là nạn nhân.
Hiện nay, Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 63 triệu người. Hơn 1/3 trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-24. [1]
Nguyên nhân dẫn đến hành vi xâm hại đó là sự phát triển nhanh của mạng internet, mạng xã hội đặt ra nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, nhiều trò chơi, phim, ảnh trên mạng có tính chất bạo lực, khiêu dâm, sản phẩm độc hại... tác động vào nhận thức và hành vi của cả người lớn và trẻ em, nhưng chưa có các biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả về an toàn mạng; công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn. 
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng với diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại; trong khi đó, việc xây dựng, cải thiện môi trường mạng an toàn đối với trẻ chưa đáp ứng yêu cầu; việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật phát hiện, phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều trẻ em chưa được cha mẹ, nhà trường trang bị kiến thức cơ bản về việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn. Vẫn còn nhiều trường hợp không tôn trọng quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng tại một số địa phương còn lỏng lẻo và còn nhiều vi phạm trong lĩnh vực này, nhất là vi phạm thời gian hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (thường hoạt động sau 22h đêm).
Trong những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, địa phương quan tâm. Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết Luật Trẻ em, trong đó quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; quy định địa điểm kinh doanh trò chơi điện tử, kinh doanh karaoke và vũ trường phải cách cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 200 mét trở lên, không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau; đồng thời quy định về xử phạt vi phạm hành chính nếu có vi phạm. (Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 01-3-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo). Các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm tại các điểm truy cập internet công cộng và trò chơi điện tử công cộng theo quy định.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm có đủ hành lang pháp lý giúp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ Internet xuyên biên giới, hoạt động quảng cáo, hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội liên quan đến trẻ em. 
Ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Thông tư quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em; đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đối với các cơ quan nhà nước ở địa phương.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, nhà trường, gia đình để giúp trẻ em nhận biết; cảnh báo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về các nội dung không phù hợp trẻ em. Các cơ quan truyền thông cần dành các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng và khung giờ phù hợp với trẻ em nhằm hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên môi trường mạng internet, mạng xã hội.
Xây dựng nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng internet an toàn, hiệu quả và nghiên cứu lồng ghép nội dung này trong chương trình học tin học chính khoá.
Vì vậy, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần có những giải pháp đột phá, đồng bộ và cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cá nhân, tổ chức, cộng đồng và gia đình.

Tác giả bài viết: Hạnh Dung

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập178
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay4,217
  • Tháng hiện tại111,237
  • Tổng lượt truy cập9,312,894
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây