Vận dụng cách sử dụng giáo trình theo sơ đồ Đairi trong soạn giáo án học phần V.3 thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Thứ ba - 18/08/2020 21:38 3.206 0
Việc tổ chức một bài giảng trên lớp của giảng viên giảng dạy trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại các trường Chính trị thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó công tác soạn giáo án của giảng viên đóng vai trò quan trọng. Việc soạn giáo án chu đáo, chuẩn bị công phu sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố, vững chắc về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tạo ra sự chủ động, tự tin của giảng viên trước, trong và sau khi lên lớp, góp phần nâng cao uy tín của giảng viên, hứng thú học tập của học viên đồng thời đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
      Công việc soạn giáo án của giảng viên trước khi lên lớp là cả một quá trình rất công phu với nhiều con đường và phương pháp khác nhau tùy vào mỗi giảng viên.  Từ quá trình soạn giảng phần V.3. Nghiệp vụ công tác Mặt trận tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở, xin chia sẻ một vài suy nghĩ về việc vận dụng cách sử dụng giáo trình theo sơ đồ Đairi.
       1. Nội dung của sơ đồ Đairi
      Tiến sĩ N.G Đairi là nhà giáo dục học người Liên xô cũ, là tác giả của nhiều tác phẩm về sư phạm, giáo dục nổi tiếng. Bằng kết quả thực nghiệm sư phạm nhiều năm, tiến sĩ N.G Đairi đã đề xuất cách sử dụng sách giáo khoa, giáo trình trong dạy học theo sơ đồ sau:
                                    Bài giảng của giảng viên
1 2  
  2 3
                                              Bài viết trong sách giáo trình
      Theo N.G Đairi, con số (2) trong sơ đồ chỉ phần nội dung vừa có trong bài giảng, vừa có trong sách giáo trình. Đó là vấn đề cơ bản nhất, khó nhất trong thiết kế bài giảng, soạn giáo án; nắm vững vấn đề này một cách sâu sắc vững chắc là nhiệm vụ được đặt ra hàng đầu đối với người giảng viên.
      Con số (1) chỉ phần tài liệu không có trong sách giáo trình, giảng viên tham khảo các nguồn tài liệu khác và đưa vào bài giảng.
      Con số (3) chỉ nội dung của sách giáo trình không giảng ở trên lớp mà hướng dẫn người học sẽ tự học ở nhà. Đây là phần tài liệu ít có ý nghĩa mặc dù đôi khi cũng có quan trọng nhưng không đủ thời gian trình bày trên lớp.
       2. Ý nghĩa của việc sử dụng sơ đồ Đairi trong soạn giáo án phần V.3 thuộc chương trình trung cấp lý luận chính tri – hành chính
      Giáo án giống như một bản thiết kế của giáo viên về một bài giảng. Việc vận dụng cách sử dụng giáo trình theo sơ đồ Đairi trong soạn giáo án phần học V.3. có những ý nghĩa quan trọng như sau:
      Một là: vận dụng cách sử dụng giáo trình theo sơ đồ Đairi để tránh hai khuynh hướng sai lầm thường mắc phải trong quá trình soạn giáo án của giảng viên: một là thoát ly nội dung giáo trình, hai là lặp lại nguyên văn nội dung bài viết trong giáo trình. Việc thực hiện nghiêm túc chương trình là yêu cầu có tính pháp lệnh đối với giảng viên cho nên giảng viên không thể thoát ly giáo trình trong soạn giáo án; mặt khác giáo án là một sản phẩm trí tuệ mang dấu ấn cá nhân của giảng viên nên việc giảng viên lặp lại nguyên văn bài viết trong giáo trình làm giảm uy tín và tác dụng giáo dục của giảng viên đối với học viên.
      Hai là: thông thường, nội dung biên soạn trong giáo trình có tính chất “tĩnh” hơn so với sự vận động của thực tiễn, vì vậy giảng viên không bao giờ thỏa mãn với việc chỉ nắm được nội dung trong giáo trình mà luôn luôn nghiên cứu học tập thêm các tài liệu khác nhằm làm cho bài giảng thêm phong phú, sâu sắc, cập nhật, bổ sung những nội dung mới, phản ánh tính kịp thời những vấn đề thực tiễn đang diễn ra.
      Ba là: theo quy định về thời lượng cho một bài lên lớp của học phần V.3 trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính là 04 tiết; với thời lượng hạn chế như vậy, giảng viên khó có thể giảng hết tất cả những gì giáo trình đã viết mà phải có sự chọn lựa những kiến thức cơ bản, quan trọng nhất, cần thiết nhất để phân tích, khắc sâu; đồng thời, hướng dẫn học viên tự làm việc với giáo trình ở nhà. Điều này, ngay từ khi thiết kế bài giảng giảng viên đã phải xác định rõ những nội dung cơ bản và quan trọng trong giáo trình thuộc vào nội dung của ô số 2 trong sơ đồ Đairi.
      Bốn là: giáo trình phần V.3 là những nội dung định hướng về kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở dùng cho cán bộ cấp cơ sở, giáo trình được sử dụng chung cho tất cả các tỉnh, vùng miền, các dân tộc và cho nhiều đối tượng học viên khác nhau trong cả nước. Vì vậy, trong soạn giáo án, giảng viên phải gia công tài liệu cho phù hợp, truyền thêm sức sống cho những kiến thức còn tiềm ẩn bên trong những nội dung của giáo trình để phù hợp với từng đối tượng học viên.
      Như vậy, việc sử dụng sơ đồ Đairi trong soạn giáo án phần V.3 vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn; giúp giảng viên có thể khắc phục được những sai lầm trong soạn giáo án, thiết kế bài giảng một cách khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
      3. Các biện pháp sư phạm khi vận dụng sơ đồ Đairi trong soạn giáo án học phần V.3
      Thứ nhất, thiết kế các nội dung thuộc ô số (2) trong sơ đồ: trong quá trình soạn giáo án, giảng viên phải căn cứ vào giáo trình để xây dựng kết cấu bài giảng, giảng viên cần tuân thủ cấu trúc giáo trình như: thứ tự tên bài, đề mục; bởi nội dung giáo trình được biên soạn với một cấu trúc chặt chẽ, không thể chấp nhận tình trạng tùy tiện thay đổi, điều chỉnh. Nhưng mặt khác, bài giảng cũng là sản phẩm sáng tạo của cá nhân, thể hiện tổng hợp trình độ khoa học và năng lực sư phạm của người giảng viên nên rất linh hoạt và mềm dẻo, giảng viên có thể chia nhỏ các mục hoặc gộp các mục lại với nhau để làm rõ kiến thức cơ bản và nhấn mạnh trọng tâm của bài học. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nội dung sách giáo trình, giảng viên cần lưu ý phải đảm bảo một số nguyên tắc sau: phải đảm bảo tính hệ thống, chỉnh thể của nội dung bài viết trong giáo trình; phải xuất phát từ yêu cầu làm cho bài giảng thêm khoa học, dễ hiểu và tôn trọng nội dung giáo trình; phải tùy thuộc vào khả năng tiếp thu của học viên và tôn trọng phân bố thời gian cho bài học.
      Thứ hai, phần gia công bổ sung các kiến thức thuộc nội dung ô số (1) của sơ đồ: các kiến thức, các nguồn tài liệu ngoài giáo trình đưa vào phải đúng chỗ, xuất phát từ nội dung chương trình và không phá vỡ tính logic của bài học. Giảng viên phải làm cho học viên thấy được tính thống nhất giữa bài giảng với sách giáo trình, hiểu được ý đồ của giảng viên khi bổ sung các tài liệu ngoài giáo trình. Nguồn tài liệu trong dạy phần V.3 rất phong phú và đa dạng như: sử dụng tài liệu Văn kiện, Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, hướng dẫn của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; tài liệu lấy từ các báo cáo sơ kết, tổng kết hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương tới cơ sở; tài liệu từ thực tiễn các mô hình, các tấm gương tiêu biểu trong công tác đoàn thể ở địa phương… Để khai thác và sử dụng những nguồn tài liệu này một cách có hiệu quả, giảng viên có thể thực hiện theo một quy trình cụ thể như sau:
      Bước 1: Nghiên cứu, phân tích giáo trình để xác định nội dung cần làm rõ bằng tài liệu.
      Bước 2: Định hướng những tài liệu giảng dạy phù hợp với nội dung kiến thức.
      Bước 3: Thu thập các tài liệu cần thiết và sắp xếp vào hệ thống nội dung giảng dạy tương ứng; khi sưu tầm tài liệu, giảng viên phải tìm kiếm từ các nguồn tài liệu đáng tin cậy.
      Bước 4: Từ các tài liệu thu thập được, giảng viên biên tập lựa chọn những tài liệu phù hợp với nội dung kiến thức, sát với trình độ nhận thức của các đối tượng học viên, thuận lợi cho việc lựa chọn phương pháp dạy học.
      Thứ ba, vận dụng sơ đồ trong việc xác định các nội dung thuộc ô số (3) trong sơ đồ để hướng dẫn học viên tự nghiên cứu: trên cơ sở nghiên cứu nội dung sách giáo trình, giảng viên có thể lựa chọn những kiến thức cơ bản, dễ hiểu học viên có thể tự học, tự nghiên cứu và yêu cầu học viên tự tìm hiểu những kiến thức này ở nhà. Điều đó giúp giảng viên thực hiện có hiệu quả bài giảng trên lớp, tránh được tình trạng dàn trải kiến thức khi thời lượng học tập trên lớp có giới hạn.
      Lý luận và thực tiễn dạy học đã khẳng định vai trò và ý nghĩa của việc vận dụng sơ đồ Đairi để giải quyết bài toán hóc búa về mối quan hệ giữa nội dung giáo trình với việc thiết kế bài giảng của giảng viên, giữa bài giảng của giảng viên với việc tự học của học viên trong dạy học nói chung và trong giảng dạy tại các trường Chính trị tỉnh nói riêng. Trong dạy học học phần V.3 thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, việc vận dụng sơ đồ này có ý nghĩa quan trọng, không những nâng cao hiệu quả của bài học, tạo nên hứng thú đối với học viên, mà còn đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, giảng viên cần lưu ý rằng việc sử dụng sơ đồ Đairi cần rất linh hoạt, không công thức, tùy theo nội dung bài giảng và trình độ cụ thể của học viên cũng như điều kiện cụ thể của việc dạy học. Muốn thực hiện được điều đó, giảng viên phải không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững và vận dụng lý luận phương pháp dạy học vào thực tiễn một cách khoa học và hiệu quả./.

Tác giả bài viết: Dư Thị Oanh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập186
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay3,638
  • Tháng hiện tại110,658
  • Tổng lượt truy cập9,312,315
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây