Một số lưu ý khi viết tiểu luận tình huống chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính

Thứ năm - 24/09/2020 06:33 7.385 0
Viết tiểu luận tình huống cuối khóa được áp dụng đối với các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính nhằm nâng cao khả năng vận dụng kiến thức và kinh nghiệm vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra; phát huy tính độc lập, sáng tạo trong tư duy thông qua phân tích, xử lý các vấn đề xảy ra trong thực tiễn quản lý nhà nước, tăng cường các kỹ năng cho học viên như kỹ năng viết; phân tích và xử lý tình huống, kỹ năng lựa chọn phương án và ra quyết định; kỹ năng tổ chức thực hiện, giải quyết vấn đề trên cơ sở pháp luật, tăng cường mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn, làm cho nhận thức gắn với thực tiễn hơn. Tuy nhiên, hiện nay không ít học viên còn bỡ ngỡ, lúng túng khi tiếp xúc với hình thức này, thường hay lo lắng rằng tình huống quản lý là gì, trong cơ quan, đơn vị mình có tình huống quản lý nhà nước theo yêu cầu của chương trình hay không, phân tích xử lý nó như thế nào.
Nhằm giúp cho học viên thực hiện tốt việc viết tiểu luận tình huống cuối khóa, bài viết xin đưa ra một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện phương pháp này.
Thứ nhất, lựa chọn tình huống
Thực ra tình huống quản lý có ở mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày, trong quá trình công tác ở mọi lĩnh vực. Vấn đề là ta có nhận ra đó là tình huống quản lý hay không. Có nhiều quan niệm khác nhau về tình huống quản lý nhà nước do góc độ nhìn nhận, phạm vi để cập khác nhau, chung quy lại có thể quan niệm về tình huống quản lý nhà nước như sau: Tình huống quản lý nhà nước là một câu chuyện kể về một sự kiện, một sự việc đã xảy ra hoặc có thể xảy ra trong hoạt động quản lý nhà nước, đặt ra những vấn đề đòi hỏi cán bộ, công chức có thẩm quyền phải phân tích và tìm ra phương án, giải pháp để giải quyết nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Như vậy, để có một tình huống quản lý nhà nước cần hội đủ các yếu tố cơ bản sau:
Một là, tình huống quản lý nhà nước là một câu chuyện kể về một sự kiện, một sự việc đã xảy ra hoặc có thể xảy ra trong hoạt động quản lý nhà nước.
Hai là, sự kiện, sự việc đó phải xuất hiện các vấn đề gay cấn đòi hỏi cán bộ, công chức phải phân tích và tìm ra phương án, biện pháp giải quyết.
Chú ý khi lựa chọn tình huống ta phải lựa chọn những tình huống mang tính cấp thiết, thiết thực và điển hình, những vấn đề mà người lãnh đạo phải quan tâm. Tình huống phải đầy đủ, phản ánh đúng thực tế nhưng cũng phải hư cấu cho phù hợp với mục tiêu. Tốt nhất nên chọn tình huống gắn với chuyên môn của mình vì có như thế ta mới có thể hiểu hết vấn đề của tình huống và lý giải nó một cách thuyết phục.
Thứ hai, mô tả tình huống
Đây là phần người viết kể lại toàn bộ sự việc, sự kiện được coi là tình huống. Để đảm bảo yêu cầu của phần này người viết phải thể hiện đầy đủ tình tiết khách quan của tình huống như thời gian, địa điểm, nhân vật, sự kiện... Một tình huống hay phải gồm khá nhiều tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý của người đọc, từ đó có thể đưa ra cách giải quyết hay, hợp lý. Tình huống có thể ngụy trang, thay đổi danh tính nhân vật, địa danh... nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn toàn tính có thực. Như vậy, tình huống có thể có một số hư cấu nhưng vẫn phải dựa vào thực tế, mức độ hư cấu nhiều hay ít là tùy thuộc vào người viết. Tuy nhiên, người viết cần chú ý, trình bày các tình tiết tình huống phải chặt chẽ, logic về thời gian và không gian, kết thúc tình huống là những vấn đề mở, đặt ra cho cán bộ, công chức phải suy nghĩ và tìm cách giải quyết, cố gắng tránh các tình huống pháp lý chỉ có một cách giải quyết duy nhất đúng.
Thứ 3, xác định mục tiêu xử lý của tình huống
Đây là ý nghĩa khoa học của việc nghiên cứu tình huống, là cái đích mà người viết đặt ra để nỗ lực tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề tình huống. Vì vậy, xác định mục tiêu là phải trả lời câu hỏi: “giải quyết tình huống này để làm cái gì”, và thông thường xác định mục tiêu xử lý tình huống dùng để giải quyết các vấn đề do tình huống đặt ra; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, kỷ cương phép nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân...
Thứ 4, phân tích nguyên nhân và hậu quả của tình huống
Trước một tình huống thường có nhiều cách phân tích khác nhau, nhưng đa số người viết phân tích máy móc, chưa thể hiện được mặt khoa học và nghệ thuật hành chính, tính tư duy độc lập của người quản lý. Trái lại, phân tích chỉ nặng về phê phán những sai sót tìm thấy trong tình huống hoặc lý giải vấn đề một cách đơn sơ theo kiểu đối chiếu giữa sự việc thực tế với các quy phạm pháp luật đã ban hành. Để thực hiện tốt phân tích tình huống, người viết cần: đọc kỹ tình huống để hiểu mọi dữ liệu; chú ý đến góc độ kinh tế, chính trị, xã hội, ... khi đánh giá tình huống đồng thời nhận dạng đặc điểm, phương pháp, nguyên tắc... của quản lý hành chính.
Tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể mà phân tích nguyên nhân và hậu quả. Về phân tích nguyên nhân có thể hướng vào những nội dung sau: thiếu sót trong tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước ở các cấp; sự bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vụ việc xảy ra tình huống, sự thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức; sự kém hiểu biết pháp luật; thiếu tôn trọng pháp chế XHCN của nhân dân, của những người liên quan đến vụ việc; sự mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan hoặc mẫu thuẫn trong nhân dân.
Đối với hậu quả có thể xảy ra trên các khía cạnh: thiệt hại về kinh tế, xã hội, sự mất uy tín của cơ quan, cán bộ, công chức, gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng xấu về mặt xã hội...
Thứ 5, xây dựng phương án và lựa chọn phương án tối ưu
Tùy thuộc vào mục tiêu đã xác định mà xây dựng các phương án xử lý. Yêu cầu của xây đựng phương án là đưa ra hai hoặc ba phương án, nếu lựa chọn tình huống chỉ có một phương án xử lý hoặc chỉ đưa ra một phương án thì thiếu đi tính hấp dẫn và không đáp ứng yêu cầu của tiểu luận tình huống trong quản lý nhà nước. Phương án đưa ra phải đảm bảo hợp lý và hợp tình, tránh đưa ra phương án quá đơn giản, dễ dàng nhận thấy kết quả là không chấp nhận được. Đồng thời, các phương án đưa ra phải có sự phân tích để chỉ rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án.
Để lựa chọn phương án tối ưu, phải so sánh các phương án và chỉ ra những lợi thế của phương án được lựa chọn so với các phương án khác như nó đáp ứng nhiều nhất các mục tiêu đặt ra, giải quyết tận gốc của tình huống, có tính khả thi hơn, có tình có lý hơn, đặc biệt chú ý tránh những nhận xét chủ quan, cá nhân khi lựa chọn phương án.
Thứ 6, kế hoạch tổ chức thực hiện phương án đã lựa chọn
Ở phần này yêu cầu đặt ra là cần chỉ rõ ràng ai sẽ làm và làm gì, lúc nào và như thế nào, tức là xác định những công việc cụ thể cần phải làm để thực hiện mục tiêu; phân công cụ thể cho cá nhân, tổ chức phụ trách; các biện pháp tiến hành công việc, các điều kiện cần thiết để thực hiện.
Ngoài ra, để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một tiểu luận tình huống quản lý nhà nước trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính được tổ chức tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, học viên cần nghiên cứu kỹ các nội dung được đề cập tại mục B của Hướng dấn số 01-HD/TCT ngày 23/4/2020 của Hiệu trưởng Trường Chính trị về khóa luận tốt nghiệp và tiểu luận tình huống chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính.
Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý khi viết tiểu luận tình huống quản lý nhà nước trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên chính. Nếu làm tốt những vấn đề trên, học viên có thể thấy rằng đây là vấn đề không khó và rất có ích cho bản thân khi trở về cơ quan, đơn vị công tác.
 

Tác giả bài viết: ThS. Lê Trọng Đức - CN. Đoàn Thị Quế Chi

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay11,526
  • Tháng hiện tại156,492
  • Tổng lượt truy cập7,534,241
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây