Đổi mới phương pháp giảng dạy “người lớn”

Thứ hai - 14/09/2020 21:25 2.833 0
       Trường Chính trị tỉnh Bình Phước có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, do đó, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường có tác động rất lớn đến nhận thức, tư tưởng và hiệu quả công tác của học viên sau khi hoàn thành khóa học. Để hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường đạt chất lượng thì nhu cầu đặt ra từ công tác quản lý cho đến giảng dạy phải đảm bảo hiệu quả. Trong đó, “người thầy” - đội ngũ giảng viên giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong nâng cao chất lượng dạy và học của Nhà trường. Bởi vì, đối tượng người học ở trường là người lớn, có những người giữ chức vụ, có địa vị xã hội, có kinh nghiệm thực tiễn và chênh lệch về tuổi đời cho nên mỗi giảng viên phải luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng.
          Đối tượng học viên là người lớn, với mục tiêu học tập cụ thể, rất khác với các đối tượng người học khác. Học tập của người lớn có tính mục đích rõ ràng, cụ thể và có tính thực dụng cao. Người lớn học cho ngày hôm nay, chứ không phải cho ngày mai. Họ muốn học tập những nội dung kiến thức có thể vận dụng ngay được vào thực tế cuộc sống, thực tiễn công tác. Học tập của người lớn hoàn toàn mang tính chất tự nguyện. Mọi sự ép buộc, áp đặt hay mọi biện pháp hành chính đều không có tác dụng. Hoặc là người lớn sẽ từ chối không đi học hoặc họ sẽ thờ ơ, thụ động ở trên lớp. Học tập của người lớn không thụ động. Họ luôn so sánh đối chiếu những điều được học, được nghe với những hiểu biết, kinh nghiệm đã có của bản thân. Những kinh nghiệm này có thể hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận thức của họ. Ngược lại, sự bảo thủ trong kinh nghiệm và “cảm giác biết rồi” nhiều khi là những cản trở tâm lí quan trọng đối với việc học tập của người lớn. Người lớn với đặc điểm nhận thức, vốn kinh nghiệm, trình độ học vấn và văn hóa, nghề nghiệp khác nhau vì vậy, mức độ tiếp thu kiến thức và kỹ năng cũng như thái độ đối với việc học tập là khác nhau.

        Để có một tiết giảng dạy hiệu quả, đạt chất lượng, giảng viên Trường Chính trị không chỉ nắm vững chắc về nội dung kiến thức chuyên môn mà còn phải biết đổi mới, vận dụng tốt và hiệu quả các phương pháp giảng dạy tích cực để phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người học.
        Phương pháp giảng dạy tích cực là một yếu tố quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Một phương pháp giảng dạy khoa học và phù hợp sẽ tạo điều kiện để giảng viên và người học phát huy hết khả năng của mình trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy lý luận. Thường xuyên đổi mới và vận dụng các phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, khoa học sẽ làm thay đổi vai trò của người thầy và đồng thời tạo nên sự hứng thú, say mê, phát triển tư duy sáng tạo của người học.
       Từ yếu tố quan trọng đó và qua thực tế - giảng dạy các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, tôi nhận thấy, một vài giảng viên, nhất là giảng viên trẻ khi lên lớp chưa vận dụng nhiều về phương pháp giảng dạy tích cực theo hướng phát huy vai trò của người học như dạy học tình huống, thảo luận nhóm, hỏi - đáp,... để người học có thể phát huy được tính chủ động, sáng tạo và khả năng tư duy của mình về các vấn đề. Trong thực tế, một số giảng viên sử dụng phương pháp giảng dạy đơn thuần chỉ thuyết trình, theo hướng lấy người dạy làm trung tâm, không có sự tương tác qua lại lẫn nhau nên hiệu quả của một tiết giảng dạy đạt không cao bởi còn vướng một số hạn chế như sau:
       Thứ nhất, trong một buổi lên lớp, giảng viên giảng bài, học viên lắng nghe, nhìn và ghi chép thông qua lời giảng và màn hình PowerPoint. Điều này dẫn đến học viên sẽ thụ động vì tiếp thu kiến thức chỉ một chiều. Thực tế, khi lên lớp giảng viên truyền đạt kiến thức cho học viên trong khuôn khổ giáo trình, bài giảng đã được quy định sẵn, học viên nghe giảng và ghi chép, đôi khi trong quá trình giảng bài, giảng viên cũng đặt ra những câu hỏi, vấn đề, tình huống yêu cầu học viên suy nghĩ trả lời nhưng tất cả đều diễn ra theo một kịch bản được giảng viên chuẩn bị trước, mọi kiến thức, cách thức trả lời đều qua giảng viên rồi mới đến học viên. Tính thụ động tiếp thu kiến thức làm mất đi sự tự duy sáng tạo, khả năng nói và trình bày của học viên, biến học viên thành máy nghe, máy chép. Điều này là hạn chế lớn gây sự nhàm chán của một tiết dạy và học lý luận chính trị.
       Thứ hai, giảng dạy theo lối một chiều, không có sự tương tác lẫn nhau giữa giảng viên và học viên có khi sẽ nhồi nhét kiến thức cho học viên. Bởi lẽ, học viên tiếp thu bài được nhiều hay ít là phụ thuộc vào ý thức và thái độ học tập. Hệ lụy của việc học nhồi nhét kiến thức là học viên sẽ học đối phó, học chỉ để thi cho qua, bài thi hết học phần đủ điểm là được. Điều này dẫn đến học mà không gắn với hành, không đem được kiến thức tiếp thu trên lớp vào vận dụng trong thực tế. Chẳng hạn, học nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể, mặt trận hay kỹ năng lãnh đạo quản lý mà khi thực tế xảy ra cơ quan, đơn vị thì “cái gì cũng không biết về nghiệp vụ hay kỹ năng để vận dụng và xử lý. Đó là một sự hạn chế rất lớn.
       Thứ ba, kiến thức sẽ đóng khung. Bởi vì trong khung chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, các phần học do giảng viên đảm trách, giảng viên sẽ quyết định “điểm số” của học viên thông qua các phần học. Vấn đề là từ bài giảng cho đến ra đề thi, chấm bài thi, quyết định điểm số cũng của giảng viên. Do người học tiếp thu một chiều, làm bài theo định hướng chung của giảng viên dẫn tới khuynh hướng tư duy đóng, thiếu tính sáng tạo, đột phá trong suy nghĩ và cách trình bày của học viên.
       Với những hạn chế như vậy, tôi đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy cho người lớn tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy của giảng viên như sau:
       Một là, thay đổi phương pháp dạy học theo hướng tích cực, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Để làm được điều này không phải dễ, trước tiên là bắt nguồn từ sự thay đổi nhận thức của giảng viên, giảng viên phải có tư duy mở và biết tiếp cận các phương pháp dạy học tích cực, phải chuyển đổi nhận thức từ chỗ là người truyền đạt kiến thức một chiều theo lối truyền thống, còn người học là người tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, một chiều trở thành người hướng dẫn, định hướng, tổ chức việc học cho người học một cách chủ động, tích cực, hỗ trợ họ, giải đáp các thắc mắc, các yêu cầu mà người học đặt ra khi cần thiết để họ được nói, được trình bày, được thể hiện bằng lời viết qua các bài thi tốt nghiệp, bài kiểm tra hết môn bằng một tư duy sáng tạo về các vấn đề có liên quan đến nội dung dạy và học.
       Hai là, giảng viên phải biết kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy tích cực cho một buổi lên lớp. Tùy theo nội dung phần học và môn học cụ thể mà vận dụng các phương pháp khác nhau: Phương pháp dạy học dựa trên vấn đề, thông qua tình huống, truy vấn, hỏi - đáp... Các phương pháp trên đòi hỏi giảng viên cần phải có sự vận dụng và kết hợp khéo léo một số kỹ thuật, kỹ năng như làm việc theo nhóm, đàm thoại, đóng vai, thuyết trình, động não... thì mới đạt hiệu quả, mục tiêu của phương pháp dạy học tích cực. Chẳng hạn, giảng dạy bài học Nghiệp vụ công tác vận động hội cựu chiến binh ở cơ sở, giảng viên tổ chức các học viên đóng vai để giải quyết một tình huống giả định được đặt ra. Có như thế không chỉ đạt được chất lượng của một buổi lên lớp mà còn phát huy được tính hăng hái, sáng tạo, tư duy xử lý tình huống của học viên.
       Ba là, tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và học viên trong hoạt động dạy và học. Trong quá trình giảng bài, giảng viên phải tạo điều kiện thuận lợi cho học viên được trình bày, được nói các vấn đề có liên quan đến bài học và điều quan trọng trong sự tương tác này chính là “sự cầu thị” của giảng viên. Bởi lẽ, đối tượng người học là những người giàu kinh nghiệm thực tiễn, có địa vị nhất định trong xã hội cho nên sự cầu thị như là sự học tập từ người học, do vậy mà giảng viên nhất là giảng viên trẻ kinh nghiệm thực tế còn non yếu thì phải biết khéo léo, linh hoạt trong phương pháp với tinh thần cầu thị “vừa giảng dạy mà vừa học tập” để sự tương tác đạt hiệu quả về lý luận hòa với thực tiễn.
       Bên cạnh các giải pháp, tôi đề xuất với lãnh đạo Trường một giải pháp mới, đó là
 lấy phiếu thăm dò giảng dạy của giảng viên làm cơ sở quan trọng để từng giảng viên đổi mới phương pháp dạy học. Bởi lẽ, trong suốt chương trình học, học viên là người trực tiếp được lắng nghe, được nhìn thấy rất nhiều về phương pháp và nội dung mà giảng viên dạy trên lớp, cho nên lãnh đạo Trường xem xét để khai thác có hiệu quả góc nhìn thực tế từ học viên để đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên. Trường cũng xem xét và thay đổi cách thức tổ chức, lấy ý kiến học viên, có thể thay thế bằng “phiếu xin ý kiến học viên” thay vì “phiếu thăm dò giảng dạy”, tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, tạo điều kiện và thời gian nhất định cho học viên đánh giá, nhận xét “thầy” làm cơ sở cho lãnh đạo trường có nhận xét, đánh giá và góp ý giảng viên cho sát thực tế từ phong cách cho đến nội dung và phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Nếu những giảng viên được học viên đánh giá xuất sắc trong quá trình giảng dạy, được học viên tin yêu, quý mến thì lãnh đạo Trường có thể có chính sách khuyến khích và tuyên dương trong các cuộc họp đơn vị hay cao hơn là vinh danh trong ngày họp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm.

       Đó là cả một sự hạnh phúc lớn của "người thầy". Có được như vậy, tôi tin chắc rằng sẽ tạo động lực rất lớn cho mỗi giảng viên phấn đấu, cố gắng, nỗ lực tốt về chuyên môn lẫn phương pháp giảng dạy để xứng đáng là “hình mẫu” người thầy của Trường Đảng./

Tác giả bài viết: Quế Chi

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm190
  • Hôm nay4,162
  • Tháng hiện tại111,182
  • Tổng lượt truy cập9,312,839
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây