Đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định sự phát triển của dân tộc Việt Nam

Thứ hai - 01/02/2021 03:28 12.855 0
Từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
       Trong Chính cương, sách lược vắn tắt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm giải phóng dân tộc trước, giải phóng giai cấp sau đó là quan điểm đúng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Đến ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở thời kỳ non trẻ  tháng 8 năm 1945, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta đứng lên đấu tranh giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á vào ngày 2/9/1945, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước. Cuộc kháng chiến thắng lợi mang tính bước ngoặc lịch sử đó là nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng chớp đúng thời cơ giành chính quyền, dùng bạo lực cách mạng, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh. Chính quyền là tiên quyết, là tiền đề, điều kiện để cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Từ khi có chính quyền Đảng ta không ngừng xây dựng hoàn thiện một hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng không ngừng củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và dân tộc. Chính vì vậy, Đảng được nhân dân tin yêu, bảo vệ, chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng và kiên trì đi theo Đảng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với đường lối lãnh đạo của Đại hội II ( 1951) và Đại hội III (1960) của Đảng trong điều kiện đất nước có chiến tranh. Đảng ta xác định: “ Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam nhất định sẽ đưa Việt Nam tiến tới chủ nghĩa xã hội” . Đường lối kháng chiến của Đảng được tiến hành đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao. Đảng ta đã dựa vào dân, huy động sức mạnh toàn dân tộc, tăng cường đoàn kết toàn dân, mở rộng đoàn kết với láng giềng và quốc tế để tranh thủ sức mạnh thời đại  đẩy mạnh cuộc kháng chiến. Đồng thời chăm lo lợi ích và xây dựng đời sống mới cho nhân dân; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc vừa xây dựng hậu phương phục vụ sự nghiệp kháng chiến thắng lợi. Nhờ đường lối đúng nên Việt Nam đã thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954. Tiếp đó Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. 
      Đến 30/4/1975 Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước bước vào giai đoạn vừa khắc phục hậu quả chiến tranh vừa khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến và cơ chế kinh tế bao cấp không còn phù hợp với điều kiện đất nước trong hòa bình, cho nên cơ chế bao cấp đã tỏ ra lạc hậu, cản trở sự phát triển kinh tế  - xã hội, làm cho đất nước rơi vào khủng hoảng, trì trệ, hàng hóa khan hiếm, lạm phát phi mã. Cùng với sự sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã tác động không nhở đến tâm trạng của nhân dân. Đứng trước tình hình đó, Đảng ta đã quyết tâm đổi mới, đổi mới kinh tế trước đổi mới chính trị sau, đổi mới chính trị là đổi mới tư duy lý luận chính trị mà không xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước. Sau gần 35 năm thực hiện đổi mới, từ một nước nghèo, kém phát triển, cơ sở hạ tầng mỏng yếu, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, khoa học công nghệ yếu, trình độ lạc hậu, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình;  đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng phát triển nhiều năm liên tục ở mức cao, quốc phòng anh ninh được tăng cường, chủ quyền được giữ vững; vị thế, uy tín của đất nước ngày càng cao.
      Đến nay, dân số Việt Nam là 97.827.751 người vào ngày 01/02/2021 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc. Đến hết năm 2020 theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF), kết thúc năm 2020, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1.050 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD. Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế. Với những thành tựu to lớn mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được từ năm 1945 đến nay, chúng ta có thể để khẳng định rằng, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn đó khẳng định:  Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.Trong điều kiện hiện nay, để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, để Đảng ta thực sự vững mạnh, có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo xã hội và hệ thống chính trị thì cần phải đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền.
      Toàn Đảng ta đã và đang xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII đạt được những kết quả bước đầu góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một bước những tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng vẫn còn phải tiếp tục đấu tranh bền bỉ, quyết liệt để chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và nạn tham nhũng, lãng phí. Trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, có nghĩa Đảng cử người của Đảng nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy quyền lực Nhà nước, hoạt động trong nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập; cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân, thì càng phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu. Nếu không cán bộ, đảng viên rất dễ bị thoái hoá, biến chất. Phải giữ vững bản chất của đảng cách mạng chân chính, vì dân, vì lợi ích của giai cấp, dân tộc  là quan trọng nhất hiện nay. Đồng thời, Đảng cần phải kiên quyết đấu tranh, phòng, chống suy thoái về tư tưởng, kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ; tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là vấn đề sống còn của Đảng và chế độ. Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, vì dân gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu, thì đảng đó có sức mạnh không kẻ địch nào có thể cản trở con đường đi lên CNXH.
ttxvn daihoidang
Toàn cảnh Đại hội Đảng lần thứ XIII (Ảnh: TTXVN)
     Ngày 26-1 - 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.587 đại biểu chính thức, đại diện cho 5,1 triệu đảng viên trên toàn quốc. Đại hội XIII có nhiệm vụ đánh giá báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Xác định mục tiêu phương hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045 là kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt coi trọng. Nhiều vấn đề đặt ra từ những năm trước và nhiệm kỳ này có kết quả tích cực, cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, xử lý nghiêm minh, có tính răn đe nên được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tình hình tham nhũng, tha hóa từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. "Trước tình hình, diễn biến trên thế giới có những phức tạp nhưng ta không để bị động, bất ngờ. An ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng. Kiên quyết kiên trì bảo vệ lãnh thổ, quốc gia, dân tộc, giữ vững ổn định, hòa bình. Được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thế và lực của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Năm 2020 đại dịch, thiên tai gây nhiều thiệt hại nhưng với nỗ lực vượt bậc, nước ta vẫn có những phát triển vượt bậc, tăng trưởng vẫn dương, là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân trong và ngoài nước, chúng ta đã kiểm soát, ngăn chặn được dịch COVID-19, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng về đạt mục tiêu kép, vừa khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân, vừa phát triển kinh tế. Có thể khẳng định kết quả trong nhiệm kỳ XII có những dấu ấn đặc biệt, tạo được khí thế cho Đảng, nhân dân vượt qua được những khó khăn, thách thức. Có được kết quả đó là có sự đoàn kết, thống nhất cao cuả toàn Đảng, sự đổi mới phù hợp của Quốc hội, HĐND các cấp và tinh thần lao động tích cực, cần cù, sáng tạo của nhân dân và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế./.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng  toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2001, t.12, tr. 434 – 481.
2. Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam . Nxb. Đại học kinh tế quốc dân. H. 2008.
3. Giáo trình trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính. Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản, Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nxb. Chính trị - Hành chính. H. 2009.
4. Toàn văn bài phát biểu của Tổng bí thư tại lễ khai mạc Đại hội XIII (Thanhnien.vn).
5.http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/imf-nam-2020-gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-viet-nam-dat-tren-10000-usd-331067.html
6. https://danso.org/viet-nam/

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải - Phạm Minh Triều

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay8,159
  • Tháng hiện tại96,171
  • Tổng lượt truy cập9,058,533
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây