Chú trọng công tác dân vận trong hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở của học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Thứ tư - 24/02/2021 04:02 1.641 0
“Hoạt động nghiên cứu thực tế” là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình học tập của các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước nhằm thực hiện yêu cầu “gắn lý luận với thực tiễn” trong dạy học lý luận chính trị. Nghiên cứu thực tế ở cơ sở giúp học viên nắm bắt, phân tích, đánh giá, tổng hợp tình hình và giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn sau quá trình học tập tại nhà trường. Hơn thế nữa, đây là cơ hội tốt để học viên thực hiện công tác dân vận tại những địa phương đến nghiên cứu thực tế.
          Thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, từ năm 2017 đến nay, các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Trường Chính trị tỉnh Bình Phước đều được tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế tại các xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh để học viên, đồng thời cũng là cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn các chức danh lãnh đạo quản lý thâm nhập thực tế, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân nhân, nghiên cứu, học tập những mô hình hay, những cách làm sáng tạo tại các địa phương. Qua đó, học viên có cơ hội soi rọi, đối chiếu với những nội dung lý luận, lý thuyết đã được học tập, nghiên cứu tại nhà trường để làm sâu sắc thêm nhận thức, rèn luyện những kỹ năng trong công tác lãnh đạo, quản lý, hình thành thái độ chính trị đúng đắn.
         Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ công tác dân vận trong hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở của học viên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị luôn quán triệt tinh thần: mỗi đợt học viên đến nghiên cứu thực tế tại các địa phương đều phải cố gắng để “đi dân nhớ, ở dân thương”, chí ít nếu không thể giúp đỡ được gì cho nhân dân, cho địa phương thì cũng tuyệt đối không gây phiền hà, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động sản xuất hay công tác của cán bộ và nhân dân. Điều này nhằm loại bỏ và khắc phục triệt để những trường hợp có tư tưởng cho rằng cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị là những người có “đặc quyền”, khi đến cơ sở phải có sự đối xử “đặc biệt”, phải được đón tiếp, phục vụ long trọng…
        Trong mỗi đợt nghiên cứu thực tế kéo dài 5 ngày, chương trình nghiên cứu được thiết kế gồm nhiều hoạt động như: nghe báo cáo của cấp ủy đảng, chính quyền về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham quan mô hình, điển hình, nghiên cứu tình hình lao động, sản xuất của nhân dân tại các ấp, sóc, tham gia các chương trình, hoạt động cộng đồng của địa phương, thăm và tặng quà cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, học sinh nghèo…Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, trong mỗi một đợt đi nghiên cứu thực tế, cán bộ, giảng viên và học viên của Trường đều cố gắng hết sức để một mặt có thể thu hoạch được nhiều nhất những kiến thức thực tế bổ ích, mặt khác góp phần sẻ chia, giúp đỡ chính quyền, nhân dân tại các địa phương trong khả năng, điều kiện của mình.
       Xuất phát từ đặc điểm các xã được lựa chọn để đi nghiên cứu thực tế đều là những xã biên giới, vùng sâu, xa, xã nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; với đặc điểm các đối tượng học viên của Trường là những người có kinh nghiệm công tác, nhiều người có mối quan hệ xã hội khá rộng rãi, đồng thời xác định tâm thế của những chuyến đi là để học tập, để trải nghiệm, để sẻ chia, được sự định hướng của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, mỗi lớp học viên đi nghiên cứu thực tế đều chú trọng thực hiện công tác dân vận bằng nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện của đối tượng học viên và địa phương được lựa chọn để nghiên cứu thực tế, trong đó có các hoạt động nổi bật sau:
        Một là, tặng quà cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, học sinh nghèo, chiến sĩ biên phòng và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho địa phương: Thời gian qua, đã có hàng ngàn phần quà, hàng trăm triệu đồng tiền mặt, 08 con bò, hàng chục bình lọc nước, đồ dùng học tập được trao tặng đến các cá nhân và tập thể, 01 nhà văn hóa thôn, hàng chục kilomet đường giao thông nông thôn được xây dựng, tu sửa… Với tinh thần “cách cho hơn của cho”, việc thăm, tặng quà thường diễn ra thân tình, ấm áp tại các hộ gia đình, khu dân cư, cơ sở bảo trợ, trường học, đồn biên phòng… gắn với các hoạt động cộng đồng như hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh bảo vệ môi trường sống, trồng cây xanh nhằm xóa bỏ tâm lý e ngại, mặc cảm, tạo ra bầu không khí thân ái, sẻ chia.
kham va phat thuoc lớp 107 xã Đồng Tâm
Lớp TC 107 khám bệnh và cấp thuốc cho nhân dân thôn 3 xã Đồng Tâm (Đồng Phú)
       Hai là, hỗ trợ, đồng hành, giúp đỡ chính quyền và nhân dân các địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sinh hoạt và công tác. Với nhiều lớp học mà học viên là những cán bộ, đảng viên đang công tác trong những lĩnh vực đặc thù, khi đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở, học viên đã phát huy tối đa sở trường chuyên môn của mình để giúp đỡ nhân dân và chính quyền địa phương. Điển hình như các lớp Trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ Thanh vận (học viên là cán bộ Đoàn Thanh niên) đã tổ chức nhiều đợt nghiên cứu thực tế, tập trung vào việc hỗ trợ các cơ sở đoàn nông thôn củng cố tổ chức, thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên; thực hiện các hoạt động giúp dân sửa chữa đường đi, khơi thống cống rãnh; lớp TC 61 với đa số học viên là cán bộ ngành y tế đã tổ chức hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nhân dân tại xã Long Hưng, Long Hà, huyện Phú Riềng; lớp TC 84 với nhiều học viên công tác trong ngành nông nghiệp đã hỗ trợ 500 cây điều giống và hướng dẫn cách chăm sóc cây điều cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập; TC19-02 ( Công ty Điện lực Bình Phước) hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho bà con thôn Bù La, xã Bù Gia Mập xây dựng công trình điện chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời; lớp TC 112 với đa số học viên là giáo viên đã hỗ trợ trường mầm non Sơn Ca (xã Thống Nhất, Bù Đăng) xây dựng sân chơi và vườn hoa từ các vật liệu tái chế…
vuon tai che
Lớp TC 112 hỗ trợ trường mầm non Sơn Ca (xã Thống Nhất, Bù Đăng) làm sân chơi và vườn hoa bằng vật liệu tái chế
        Ba là, tổ chức giao lưu, sinh hoạt tập thể: Với thời gian nghiên cứu thực tế tương đối dài (5 ngày), cùng với yêu cầu bắt buộc tất cả cán bộ, giảng viên và học viên phải tham gia xuyên suốt nên sau mỗi ngày làm việc, khoảng thời gian nghỉ ngơi được  sử dụng để tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vô cùng sôi nổi, hào hứng nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, giảng viên và học viên của Trường với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. 
       Thực hiện phương châm “sáng tạo, thiết thực, hiệu quả”, những hoạt động dân vận của các đoàn nghiên cứu thực tế của học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Trường Chính trị tỉnh vừa góp phần cùng các địa phương giải quyết một số vấn đề đặt ra, chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, từ đó, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền, vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời qua đó tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong lớp, đạt được mục đích, ý nghĩa lớn nhất của hoạt động nghiên cứu thực tế là “gắn lý luận với thực tiễn”, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay./.

 

Tác giả bài viết: Lương Thị Hồng Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập101
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay4,704
  • Tháng hiện tại142,528
  • Tổng lượt truy cập8,914,575
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây