Trong thời đại ngày nay - thời đại của thông tin và nền kinh tế tri thức đã tạo ra những biến đổi to lớn trong mọi mặt hoạt động của con người và xã hội. Đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và nó đã trở thành công cụ mạnh mẽ len lõi vào tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong giáo dục cũng không nằm ngoài đều đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giáo dục đã được thực hiện hầu hết các quốc gia trên thế giới và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Vai trò và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng giáo án điện tử) vào trong giảng dạy đã được chứng minh bằng thực tiễn giáo dục trong nước trong những năm qua, qua đó cũng cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin và quá trình giảng dạy cũng là xu hướng tất yếu trong giáo dục hiện nay.
Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin, soạn giáo án điện tử (Power Point) vào trong giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị cũng là vấn đề cần thiết, giúp cho học viên lĩnh hội kiến thức, kỹ năng cơ bản, phát huy khả năng tư duy, khả năng nhận thức, xử lý thông tin, giải quyết tình huống. Qua đó, giúp cho học viên dễ dàng nắm vững những kiến thức lý luận để áp dụng vào trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Có thể khẳng định rằng, hiện nay hầu hết ở các trường chính trị trong cả nước, các giảng viên đã sử dụng giáo án điện tử (Power Point) để làm phương tiện giảng dạy của mình. Qua đó cũng cho thấy việc sử dụng phương tiện giảng dạy bằng giáo án điện tử (Power Point) cũng là xu thế chung ở các trường chính trị trong giai đoạn hiện nay. Trong hoạt động giảng dạy việc soạn giáo án điện tử để (Power Point) phục vụ giảng dạy lý luận chính trị cũng có mặt tích cực và hạn chế của nó, cho nên đòi hỏi người giảng viên cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức về tin học để nâng cao chất lượng soạn giáo án điện tử (Power Point) để phục vụ nâng cao chất lượng của mình. Qua thực tiễn công tác, bản thân nhận thấy việc sử dụng giáo án điện tử (Power Point) để làm phương tiện giảng dạy có những mặt tích cực và hạn chế sau:
- Thứ nhất, làm cho bài giảng trở nên sinh động, mang tính trực quan, sử dụng được những thước phim tư liệu. Sử dụng sơ đồ hóa giúp cho học viên hứng thú trong việc học và dễ dàng tiếp thu kiến thức.
- Thứ hai, sử dụng được nhiều thông tin hay, bổ ích, cung cấp được nhiều thông tin cho bài giảng, giúp cho học viên tiếp thu được nhiều kiến thức liên ngành.
- Thứ ba, giảng viên có nhiều thời gian để truyền tải nội dung bài giảng vì không phải mất nhiều thời gian cho việc ghi và xóa bảng.
- Thứ tư, giảng viên dễ dàng cập nhật nội dung kiến thức mới liên quan đến bài giảng.
- Thứ năm, giảng viên có thể điều chỉnh nội dung trình chiếu phù hợp với từng đối tượng.
- Thứ sáu, qua việc giảng bằng giáo án điện tử (Power Point)giúp giảng viên nâng cao trình độ tin học, mở rộng được kiến thức, phát huy được sức sáng tạo của bản thân.
Bên cạnh những ưu điểm của việc giảng dạy bằng giáo án điện tử (Power Point) thì việc sử dụng giáo án điện tử cũng còn một số vấn đề hạn chế như:
- Thứ nhất, việc quá lệ thuộc vào giáo án điện tử (Power Point) cũng dễ dẫn đến giảng viên đôi khi bị động có những tình huống phát sinh mới từ học viên.
- Thứ hai, giảng viên còn lúng túng khi máy tính bị lỗi, dây dẫn nguồn từ máy tính sang máy chiếu không tương thích, bị cúp điện…
- Thứ ba, nội dung đưa trên slide bài giảng quá nhiều, dẫn đến học viện chỉ lo ghi chép không tập trung vào nghe giảng.
- Thứ tư, việc thiết kế bài giảng đôi khi còn quá nhiều màu sắc, hiệu ứng trình chiếu nhiều, nhanh dẫn đến tâm lý khó chịu cho người nghe và quá trình ghi chép của học viên vị đứt đoạn…
Trên cơ sở những mặt tích cực và hạn chế, tác giả đề xuất một số giải phải cơ bản nhằm nâng cao chất lượng soạn giáo án điện tử (Power Point) ở các trường chính trị hiện nay.
- Một là, lựa chọn những kiến thức cơ bản, trọng tâm, có tính khái quát và chắt lọc cao để sắp xếp chúng vào các slide. Trình chiếu nhằm hỗ trợ bài giảng, thể hiện nội dung tóm tắt và những điểm trọng tâm của bài giảng. Trên các slide không nên viết theo kiểu toàn văn, giảng viên không nên giảng theo kiểu đọc slide.
- Hai là, Thông tin trên mỗi slide phải đơn giản, khái quát chủ yếu là các tiêu đề và dàn ý cơ bản để người học không bị mất nhiều thời gian vào việc đọc thông tin trên slide làm giảm chú ý đến nghe giảng từ giảng viên. Không được sử dụng quá nhiều slide trong một tiết học vì có thể gây lấn thời gian giảng trực tiếp và phân tán sự tập trung chú ý của học viên. Slide cuối cùng của mỗi bài trình chiếu nên chốt lại các nội dung về kiến thức của phần giảng tương ứng. Khi trình bày trên slide nên sử dụng các sơ đồ khối để học viên thấy ngay được cấu trúc logic của những nội dung cần trình bày và tăng hiệu quả ghi nhớ của học viên.
- Ba là, Thiết kế slide nên lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền cho các Slide bài giảng cho học viên dễ theo dõi. Sử dụng các phông chữ đơn giản, rõ ràng, không chọn các phông chữ quá cầu kỳ, phức tạp. Chọn cỡ chữ phù hợp, theo tôi, thiết kế cho mỗi Slide chỉ nên đặt cỡ chữ khoảng 30-40. Cần chọn màu chữ phù hợp với màu nền của các Slide, theo nguyên tắc tương phản, chỉ nên sử dụng chữ màu sậm (đen, xanh đậm, đỏ đậm,) trên nền trắng hay nền màu sáng. Nên hạn chế sử dụng màu nền là các màu quá chói hoặc quá tương phản nhau vì dễ gây khó chịu, ức chế khi theo dõi.
- Bốn là, khi xây dựng nội dung cho giáo án điện tử (Power Point) phải căn cứ vào nội dung giáo án để tìm tòi, khai thác thế mạnh của giáo án điện tử nhằm tăng cường tính tích cực, trực quan hoá để nâng cao hiệu quả trong hoạt động học tập của học viên. Sử dụng hợp lý hình ảnh, âm thanh, các đoạn clip, lập sơ đồ, bảng biểu trong các Slide bài giảng. Giáo án điện tử (Power Point) chỉ thực sự phát huy được vai trò của nó khi khai thác được các tài liệu đặc thù như hình ảnh, clip hoặc các sơ đồ, bảng biểu gắn với nội dung bài giảng. Tuy nhiên, hình ảnh và âm thanh đưa vào bài giảng cần phù hợp với mục tiêu học tập, hướng đến trọng tâm kiến thức của bài.
- Năm là, sử dụng tài liệu phải chọn lọc hình ảnh phải rõ, đẹp, làm nổi bật chủ đề; âm thanh rõ, tròn tiếng, không có tạp âm, có sức cuốn hút, video clip rõ ràng, sinh động, súc tích, phản ánh đúng nội dung, hình ảnh... Những tài liệu (đặc biệt là tài liệu tham khảo từ thực tiễn) khi giảng viên đưa vào giáo án điện tử (Power Point) cần phải rõ ràng, có độ tin cậy, chính xác cao, có nguồn tài liệu trích dẫn. Điều đó đảm bảo tính khách quan, khoa học và tính thuyết phục của giáo án điện tử mà giảng viên đang sử dụng.
- Sáu là, Phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc trình chiếu nội dung, sơ đồ, hình ảnh… với phân tích nội dung trong bài giảng đồng thời có sự so sánh, bình luận, liên hệ thực tiễn để bài giảng đảm bảo sự lôgic. Trong khi trình diễn các slide không nên chuyển tiếp các slide quá nhanh, cần đảm bảo cho học viên quan sát được hết nội dung trong mỗi slide. Đồng thời, giảng viên nên thường xuyên cập nhật, sưu tầm các tài liệu để bổ sung, mở rộng nguồn tài liệu từ sách báo, tạp chí, trang thông tin tham khảo có liên quan. Và lưu trữ hệ thống tài liệu nói trên một cách khoa học, có hệ thống để có thể sử dụng chúng lâu dài, hợp lý cho các bài soạn khác nhau. Hiệu quả việc xây dựng và sử dụng giáo án điện tử phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm có được trong kho tài liệu.
- Bảy là, lập dàn ý trình bày và liên kết hợp lý các slide nội dung bài giảng Đây là vấn đề quan trọng mà người giảng viên phải hình dung ra trên bản thảo bao gồm: phần kiến thức cốt lõi sẽ được trình bày một cách ngắn gọn và cô đọng. Các câu hỏi, hoạt động kích thích tư duy, suy nghĩ của học viên. Các hình ảnh, âm thanh, sơ đồ, bảng biểu… sẽ sử dụng để minh họa kiến thức hay để giúp học viên thực hiện hoạt động học tập. Trước hết, giảng viên trình bày phần kiến thức cốt lõi, để học viên theo dõi, ghi chép. Các hoạt động học tập và bài tập có thể thực hiện sau khi đã diễn giảng phần kiến thức hoặc làm song song với phần ấy. Việc thực hiện các liên kết giữa các slide một cách hợp lý, logic. Đây chính là công việc quan trọng tạo ra các ưu điểm của giáo án điện tử do đó giúp chúng ta cần khai thác tối đa khả năng liên kết, nhờ khả năng liên kết này mà bài giảng được tổ chức một cách linh hoạt giúp học viên nắm bắt được kiến thức bài học.
- Tám là, giảng viên cần nắm được kỹ năng sử dụng và khắc phục sự cố trình chiếu. Khi sử dụng giáo án điện tử, giảng viên có thể gặp phải những sự cố nhất định như: sự không tương thích giữa máy tính và Projector, thiết kế đặt chế độ trình chiếu không đúng, góc chiếu, tiêu cự không hợp lý… Vì vậy, trước khi tiến hành giảng dạy bằng giáo án điện tử, cần phải có sự chuẩn bị trước hoặc được người có chuyên môn hướng dẫn cụ thể về kỹ năng sử dụng các thiết bị, máy móc và cách khắc phục các sự cố thông thường.
Trên đây là một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng soạn giáo án điện tử (Power Point) góp phần vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị trong giai đoạn hiện nay./.