Triết lý hành động Hồ Chí Minh với việc xây dựng phẩm chất, chuẩn mực sống, chiến đấu, lao động, học tập cho cán bộ, đảng viên

Thứ tư - 24/06/2020 05:09 1.294 0
  1. Triết lý hành động Hồ Chí Minh
      Triết lý là những đúc rút từ sự trải nghiệm, kinh nghiệm sống về những điều nên hay không nên làm, hướng về đạo lý, định hướng hành động. Việc lựa chọn triết lý nào làm định hướng trong cuộc sống hoàn toàn mang tính chủ quan. Triết lý không thể hiện tính đúng - sai mà thể hiện sự hợp lý tương đối theo quan điểm của chủ thể hành động, bởi nếu so sánh đánh giá thì trong đa số các trường hợp, triết lý còn chứa đựng những mẫu thuẫn, thiếu lôgích. Tuy nhiên, triết lý hành động Hồ Chí Minh được thể hiện thống nhất, xuyên suốt trên một nền tảng lý luận khoa học, là một lựa chọn tất yếu cho những hành động nhằm đạt tới mục tiêu giải phóng và phát triển đất nước.
      Hồ Chí Minh đem lý luận gắn với thực tiễn, thực hành một cách nhuần nhuyễn, thực tiễn hóa lý luận và lý luận hóa thực tiễn. Người chủ trương hành động và bằng hành động cụ thể để cải tạo thực tiễn, “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”. Bản thân Người là tấm gương có sức thuyết phục, là người truyền lửa hành động, người đi thức tỉnh quần chúng công nông, thức tỉnh các tâm hồn nô lệ. Ở Hồ Chí Minh luôn cho thấy sự nhất quán giữa động cơ với hành động, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc gần đến việc xa tất cả đều rõ ràng, thấu đáo, cụ thể, có kế hoạch, chương trình, biện pháp, cách làm với bước đi hợp lý. Hành động của Hồ Chí Minh không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trước mắt, những đòi hỏi bức thiết của cách mạng mà còn là những trù tính cho tương lai phát triển của dân tộc. Trong mọi hành động, trên mọi lĩnh vực, Hồ Chí Minh luôn đặt vị trí của dân lên trên hết, xem lực lượng của dân là vĩ đại nhất, dân quyết định sự tồn vong của đất nước, sự phát triển của phong trào cách mạng. Từ đó, đặt ra trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong mọi hành động đối với dân, phải được lòng dân, luôn yêu dân, tin dân, kính dân, đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có tinh thần chí công vô tư, phải làm lợi cho dân, tránh việc có hại đối với dân.
      Triết lý hành động Hồ Chí Minh biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu nhất qua những hoạt động thực tiễn, cùng với một số bài viết, bài nói của Người, mang những đặc điểm của triết lý truyền thống của dân tộc nhưng được bổ sung, phát triển khoa học bằng triết lý hành động có trong chủ nghĩa Mác - Lênin. Triết lý hành động Hồ Chí Minh là những mệnh đề được cô đúc, khái quát sâu sắc từ những hành động của Hồ Chí Minh, thể hiện mục tiêu, động lực, phương pháp hành động trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân và phát triển của đất nước.
      Trải qua cuộc đấu tranh cách mạng, với sự vận động của lịch sử, những thắng lợi của cách mạng đưa tịch Hồ Chí Minh đến những thực tiễn lịch sử, bối cảnh xã hội phong phú. Chính vì vậy, trong triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện tính biện chứng giữa không  gian và thời gian, giữa quá khứ và hiện tại, giữa cũ kỹ, lạc hậu với cái mới mẻ; giữa cá nhân với tập thể, cộng đồng; giữa lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia; giữa lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế,... Nó là triết lý được hình thành trong quá trình lâu dài, được kiểm nghiệm trong thực tiễn cách mạng. Thông qua đó, phép biện chứng duy vật mácxít được bổ sung, trở nên thực tiễn hơn, phương Đông hơn, khoa học và toàn diện.
      Triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ chủ thể quan trọng của hành động, của thực hiện triết lý là Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mục tiêu, động lực, nguyên tắc, phương pháp hành động được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cho thấy chủ thể hành động, lãnh đạo hành động là giai cấp vô sản, giai cấp tiên phong lãnh đạo, dẫn dắt phong trào cách mạng. Triết lý thể hiện chủ thể lãnh đạo trong khi phấn đấu cho lợi ích chung xã hội, cho sự giải phóng và phát triển con người thì cũng chính là quá trình đạt được các lợi ích chính đáng của mình. Hay nói khác, triết lý hành động Hồ Chí Minh thể hiện lợi ích của giai cấp công nhân, của chủ thể lãnh đạo hành động cách mạng là đem lại lợi ích cho nhân dân lao động, giải phóng và phát triển đất nước.
  1. Xây dựng phẩm chất, chuẩn mực sống, chiến đấu, lao động, học tập cho cán bộ, đảng viên theo triết lý hành động Hồ Chí Minh
      Không chỉ dừng lại là chuẩn mực cho mình, vì mình, thông qua quá trình tự nhận thức, tự lĩnh hội để hành động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng xây dựng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Phải thông qua quá trình đấu tranh cách mạng, thực hành triết lý hành động Hồ Chí Minh, bắt đầu từ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến cán bộ, đảng viên do Người đào tạo, rèn luyện mà các nội dung của triết lý ngày càng được quán triệt rộng rãi.
Trước thực trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, nói không đi đôi với làm, nói một đằng, làm một nẻo,... trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, các triết lý về phương pháp hành động “miệng nói tay làm”, nêu gương trong hành động, “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, đảng viên là “đầu tàu gương mẫu” trong triết lý hành động Hồ Chí Minh càng khẳng định giá trị mạnh mẽ của việc vận dụng, thực hành triết lý. Triết lý hành động Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm, nêu gương, làm gương trong hành động là một giá trị cần được phát triển, mở rộng, trở thành các tiêu chí quan trọng trong đánh giá phẩm chất đạo đức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên hiện nay.
      Việc quán triệt thực hiện các mục tiêu, động lực, nguyên tắc cũng như phương pháp triết lý hành động Hồ Chí Minh chỉ ra trở thành một trong những tiêu chí bước đầu để đánh giá thái độ, đạo đức và sau đó là năng lực, hiệu quả hành động của cán bộ, đảng viên.
      Thực tế cách mạng cho thấy, bất cứ nơi nào, khi nào cán bộ, đảng viên xa rời các mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp hành động mà triết lý chỉ ra thì phong trào cách mạng ở nơi đó yếu kém, thậm chí gặp thất bại. Nơi nào mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp hành động được quán triệt tốt, động lực hành động được phát huy thì nơi đó kết quả phong trào cách mạng tiến bộ, đạt được nhiều thắng lợi. Mục tiêu, động lực, nguyên tắc, phương pháp trong triết lý hành động Hồ Chí Minh trở thành cơ sở lý luận chỉ đạo hành động cho cán bộ, đảng viên và tiếp tục được bổ sung, phát triển trong chính hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên.
      Triết lý hành động Hồ Chí Minh còn là cơ sở lý luận, khoa học cách mạng để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên thông qua thực hiện, thực hành triết lý hành động Hồ Chí Minh trong lao động, chiến đấu, học tập để rèn luyện và chứng tỏ những phẩm chất, chuẩn mực về đạo đức, về lối sống của mình. Càng thực hiện triết lý hành động, thực hành triết lý hành động Hồ Chí Minh trong thực tiễn bao nhiêu thì giá trị, sức lan tỏa, mở rộng và tính sâu sắc của nó càng tăng thêm bấy nhiêu. Thông qua đó khẳng định giá trị làm người, đạo đức làm người trong xã hội, không ngừng góp phần vào quá trình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững độc lập dân tộc, đổi mới và phát triển đất nước./.

Tài liệu tham khảo: Triết lý hành động Hồ Chí Minh, TS Yên Ngọc Trung, NXB Chính trị Quốc gia sự thật.

Tác giả bài viết: Đoàn Thị Quế Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm125
  • Hôm nay3,705
  • Tháng hiện tại109,123
  • Tổng lượt truy cập9,310,780
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây