Nhân ngày gia đình Việt Nam (28-6), nghiên cứu thêm về ý nghĩa và tầm quan trọng của gia đình trong xã hội

Chủ nhật - 28/06/2020 11:09 1.769 0
Ngày gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã trở thành dịp để mỗi thành viên trong gia đình dành nhiều thời gian bên nhau, mỗi người nhận thức được tầm quan trọng của gia đình,  nhằm đánh thức lương tâm, lương tri của mỗi cá nhân luôn hướng về cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc.
       Gia đình là một cộng đồng người đặc biệt được hình thành, phát triển và củng cố bởi hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ hôn nhân và quan hệ thuyết thống. Các thành viên trong gia đình có chung những giá trị vật chất và tinh thần; có quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm về tài sản cũng như người thân mà mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế, nuôi dưỡng các thành viên và xây dựng gia đình bền chặt.
      Gia đình có vị trí, vai trò vô cùng to lớn:
      Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò trò to lớn đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội.Với việc sản xuất ra những tư liệu tiêu dùng, tư liệu sản xuất và tái sản xuất ra con người, gia đình như một tế bào tự nhiên, là một đơn vị cơ sở để tạo nên “cơ thể” – xã hội.
      Gia đình là tổ ấm của mỗi con người, Gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hòa trong đời sống của mỗi thành viên, mỗi công dân của xã hội. Chỉ trong gia đình, mới thể hiện mối quan hệ tình cảm thiêng liêng giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái.
Gia đình là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc những công dân tốt cho xã hội. Sự hạnh phúc gia đình là tiền đề để hình thành nên nhân cách tốt cho những công dân của xã hội. Vì vậy muốn xây dựng xã hội thì phải chú trọng xây dựng gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Gia đình tốt thì xã hội tốt, nhiều gia đình tốt cộng lại thì làm cho xã hội tốt hơn”
       Xây dựng gia đình là một trách nhiệm, một bộ phận cấu thành trong chỉnh thể các mục tiêu phấn đấu của xã hội, vì sự ổn định và phát triển của xã hội.
      Thế nhưng, các cá nhân không chỉ sống trong quan hệ gia đình mà còn có những quan hệ xã hội. Mỗi cá nhân không chỉ là thành viên của gia đình mà còn là thành viên của xã hội. Không thể có con người bên ngoài xã hội. Gia đình đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu về quan hệ xã hội của mỗi cá nhân. Ngược lại, bất cứ xã hội nào cũng thông qua gia đình để tác động đến mỗi cá nhân.
      Mặt khác, nhiều hiện tượng của xã hội cũng thông qua gia đình mà có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển của mỗi cá nhân về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
        Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội, mỗi cá nhân chỉ có thể sinh ra trong gia đình. Không thể có con người sinh ra từ bên ngoài gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Và cũng chính trong gia đình, mỗi cá nhân sẽ học được cách cư xử với người xung quanh và xã hội..
      Các chức năng cơ bản của gia đình như sau:
      Chức năng duy trì nòi giống, đây là chức năng đặc thù của gia đình, nó không chỉ đáp ứng như cầu tâm, sinh lý tự nhiên của con người, mà còn đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội, quyết định đến mật độ dân cư, số lượng, chất lượng dân cư của mỗi một quốc gia.
      Chức năng giáo dục và nuôi dưỡng con cái, là một trong những chức năng quan trọng của gia đình, góp phần tạo nên thế hệ con người có ích cho xã hội và cho bản thân gia đình, nâng cao chất lượng nguồn lực con người  (trí tuệ, thể lực, nhân cách) cho mỗi quốc gia, dân tộc.
      Chức năng kinh tế là chức năng cơ bản của mỗi gia đình, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình và nó tạo điều kiện cho các chức năng khác thực hiện có hiệu quả. Đồng thời thông qua chức năng này, gia đình có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc gia.
      Chức năng cân bằng tâm, sinh lý tình cảm là chức năng đặc thù của gia đình mà không tổ chức xã hội nào làm thay được. Khi thực hiện tốt chức năng này, gia đình trở thành tổ ấm của mỗi con người.
      Việc thức hiện tốt các chức năng nêu trên, gia đình đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân và của xã hội.
      Với vai trò và tầm quan trọng to lớn của gia đình đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tháng 01-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “ Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Nhận định tầm quan trọng của gia đình và thực hiện di huấn của Bác, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
       Tiếp đó, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày gia đình Việt Nam.  Quyết định nêu rõ, lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
        Để củng cố, xây dựng gia đình thành tế bào lành mạnh của xã hội, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong những năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo đến gia đình và chỉ rõ: Phải gắn chặt xây dựng nếp sống mới với xây dựng con người mới, xây dựng gia đình văn hóa. Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21-02-2005, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đề cao vai trò của gia đình: “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
        Như vậy, gia đình có tầm trọng rất lớn đối với sự tồn vong của mỗi một quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay gia đình Việt Nam về cấu trúc nền tảng của gia đình có những thay đổi chưa từng có từ so với gia đình truyền thống (nhiều thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà; sống quần tụ trong một làng xã; các ngày lễ tết, dỗ chạp tề tựu bên nhau..); Ngày nay, quá trình  đô thị hóa  diễn ra nhanh chưa từng thấy, toàn cầu hóa mang lại các lợi ích rõ rệt và kinh tế, giao thoa về văn hóa giữa các quốc gia cũng tác động mạnh mẽ đến cấu trúc gia đình truyền thống, mang lại nhiều thách thức: Từ phong cách ứng xử, tới tình trạng tăng tỷ lệ ly hôn, giảm tỷ lệ kết hôn, nhu cầu về kinh tế dẫn tới việc con cái thiếu được sự nâng đỡ về mặt tình cảm của người cha, người mẹ hoặc cả hai..
        Đặc biệt, phụ nữ ngày càng tỏ ra là lao động chính trong nhiều gia đình, làm đảo lộn các quan hệ bền vững hàng ngàn năm. Xuất hiện tình trạng làm “mẹ đơn thân”  tình trạng đó do nhiều nguyên nhân ngại kết hôn, không thích ràng buộc, không thích sống chung với mẹ chồng…,Truyền thông đa phương tiện  không thế thiếu trong thế giới ngày nay, cung cấp nhiều lợi ích cho từng cá nhân (học tập, công việc, các mối quan hệ rộng rãi..), nhưng giảm tương tác giữa các thành viên trong một nhà,  mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo.
       Trước tình trạng đó, Ngày gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã trở thành dịp để mỗi thành viên trong gia đình dành nhiều thời gian bên nhau, mỗi người nhận thức được tầm quan trọng của gia đình,  nhằm đánh thức lương tâm, lương tri của mỗi cá nhân luôn hướng về cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Dù có đi đâu, làm gì, ở cương vị nào đi chăng nữa, cũng luôn hướng về gia đình, nhớ đến gia đình với những gì tốt đẹp nhất. Bởi đây, là chiếc nôi sinh ra và nuôi dưỡng ta trở thành người có ích cho xã hội.
       Ngoài ra, đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau chung tay chống lại bạo lực gia đình, bất bình đẳng trong hôn nhân, lên án xâm hại trẻ em và đề cao những hành động tốt đẹp của các thành viên trong gia đình. Động viên các thành viên trong gia đình để cố gắng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và tiến bộ.
      Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn,vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn được duy trì và  là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tài liệu tham khảo:
  1. Tìm hiểu môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội năm 2008.

Tác giả bài viết: Trần Thị Quỳnh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay8,159
  • Tháng hiện tại96,233
  • Tổng lượt truy cập9,058,595
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây