Những chặng đường lịch sử tạo nên truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ nhật - 21/06/2020 06:23 1.705 0
       Kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020) nhìn lại quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, phát huy truyền thống của nền báo chí cách mạng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; người viết xin được trao đổi, thông tin về vấn đề: Những chặng đường lịch sử tạo nên truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam. Bài viết tập hợp các nguồn tài liệu, hệ thống và làm rõ nội dung sau: Hồ Chí Minh Người khai sáng nền báo chí cách mạng; Những chặng đường lịch sử, tạo nên truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam.
1. Hồ Chí Minh Người khai sáng nền báo chí cách mạng.
       Hồ Chí Minh một nhà báo cách mạng tài năng, tâm huyết, “Trong cuộc đời làm báo của mình, Hồ Chí Minh đã viết trên 2.000 bài viết với nhiều chủ đề khác nhau. Nhà báo Hồ Chí Minh không những chỉ viết báo bằng tiếng Việt mà còn viết bằng nhiều ngôn ngữ khác. Người là cộng tác viên và đã viết hàng loạt bài cho các báo như: L' Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, La Vie d'Ouvriers (Đời sống thợ thuyền) của Liên đoàn Lao động Pháp, Điện tín Quốc tế của Quốc tế Cộng sản III, Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô... Chỉ riêng báo Nhân dân, nếu tính từ số từ số 1 ngày 11/3/1951 đến số 5526 ngày 01/6/1969, Hồ Chí Minh đã đăng 1.206 bài viết với 23 bút danh khác nhau. Hồ Chí Minh cũng được xem là nhà báo có nhiều bút danh nhất thế giới với gần 200 bút danh khác nhau. Có những bút danh thậm chí được xem là rất kỳ lạ như: X.L., T.L., Một Người An Nam, Một Người Bạn. Bài báo đầu tiên của Bác là bài viết "Vấn đề người bản xứ" đăng trên báo báo L'Humanité ngày 02/8/1919. Bài báo cuối cùng mà Người viết là bài "Thư trả lời Tổng thống Mỹ", đăng báo Nhân Dân số 5684, ngày 07/11/1969 (bài báo này Hồ Chí Minh viết ngày 25/8/1969, tức là trước một tuần ngày Người qua đời). Tuy nhiên, bài báo cuối cùng đăng khi Người còn sống là bài "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng", ký tên TL, đăng báo Nhân Dân số 5526 ra ngày 01/6/1969)” ( nguồn: Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam.Tạp chí Ban tuyên giáo Trung ương số Thứ Tư, 17/7/2019 )
 Hồ Chí Minh không chỉ là nhà báo cách mạng tài năng tâm huyết, Người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ Tịch Hồ Chí Minh) sáng lập xuất bản số đầu tiên vào ngày 21/6/1925 đã đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua 95 năm, báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Các thế hệ người làm báo luôn phát huy vai trò là “vũ khí” sắc bén của Đảng, Nhà nước, cùng xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn.
2. 
Những chặng đường lịch sử, tạo nên truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam
     Trải qua 95 năm, báo chí cách mạng đã  góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, thúc đẩy quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển.
      Nhớ lại những dấu son lịch sử của chặng đường đã qua để tự hào, tri ân các thế hệ nhà báo cách mạng đã hy sinh, gian khổ tạo nên truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam:
           - Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, ra số đầu tiên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động, mở đường cho báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển. Theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 02/5/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ lấy ngày 21/6 hằng năm là "Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam".
           - Ngày 5/8/1930, Tạp chí Cộng sản - tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ban đầu có tên là Tạp chí Đỏ. Qua những chặng đường phát triển, Tạp chí Cộng sản không ngừng trưởng thành, đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận dụng, phát triển, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và góp phần quan trọng vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng.
         - Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập ngày 07/9/1945. Đài Tiếng nói Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, kết nối triệu triệu con tim người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu nước và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay

          - Thông tấn xã Việt Nam thành lập ngày 15/9/1945. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí đầu tiên vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 
        - Ngày 11/3/1951, Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ra số đầu tiên tại Chiến khu Việt Bắc. Thông tin trên Báo Nhân Dân luôn bảo đảm tính thời sự, tính chiến đấu, tính định hướng dư luận xã hội, không để xảy ra sai sót về quan điểm, đường lối của Đảng; tiếp tục dòng chủ lưu phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội, các thế lực thù địch.
          -  Ngày 7/9/1970, Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình đầu tiên, đánh ấu sự ra đời của báo hình ở Việt Nam. Mang đến những chương trình truyền hình chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng phong phú của khán giả trong nước và quốc tế.
            -  Ngày 28/12/1989, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa VIII quyết định thông qua Luật Báo chí, có hiệu lực từ năm 1990. Ngày 12/6/1999, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Sau đó, ngày 5/4/2016, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Báo chí (sửa đổi). Tạo cơ sở pháp lý và các quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, đối tượng thành lập cơ quan báo chí, đặc biệt là các điểm mới liên quan đến liên kết trong hoạt động báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
          -  Ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 362/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, .
      Trải qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hơn 400 nhà báo hy sinh trên khắp các chiến trường. Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
       Những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực; góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền đối ngoại; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống. Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và không ngừng vươn lên, ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
       Bản lĩnh chính trị và tính chuyên nghiệp của đội ngũ người làm báo ngày càng được nâng cao. Phát triển đa dạng, phong phú các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại, gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện… Hôm nay, chúng ta tự hào về đội ngũ trên 41.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, gần 850 cơ quan báo chí, hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 24.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
       Ghi nhận những cống hiến to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng báo chí cách mạng và Hội Nhà báo Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2000), Huân chương Sao Vàng (năm 2010). Hội Nhà báo Việt Nam đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng bức trướng mang dòng chữ: “Báo chí Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (năm 2000) và bức trướng mang dòng chữ: “Báo chí Việt Nam trung thành, sáng tạo, bản lĩnh, đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (2010). (nguồn TTXVN).

 

Tác giả bài viết: Ngô Hoàng Kiệt

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập202
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm200
  • Hôm nay4,014
  • Tháng hiện tại111,034
  • Tổng lượt truy cập9,312,691
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây