Quyết tâm đánh và thắng của quân dân Bình Phước sau Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ năm - 29/04/2021 05:04 1.707 0
Ngày 17-7-1966, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát ra lời kêu gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”!(1)
          Sau khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đã bị thất bại. Chúng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam. Tỉnh Bình Phước ngày nay (gồm 02 tỉnh Bình Long và Phước Long do ngụy quyền chia tách) nằm trong khu chiến thuật 32 của chúng. Tại đây chúng bố trí Sư đoàn 5 chủ lực cơ động với nhiệm vụ phối hợp với quân Mỹ mở các cuộc hành quân càn quét, đánh phá căn cứ cách mạng, cùng với quân địa phương đẩy mạnh bình định, gom dân lập ấp chiến lược. Bên cạnh đó, các lực lượng quân Mỹ như  Sư đoan 1 bộ binh “Anh cả đỏ”, Sư đoàn 1 “Kỵ binh bay”, Sư đoàn dù 101, các Lữ đoàn 173, 196, 199 chuyên hoạt động vùng rừng núi để phối hợp trong các cuộc càn “tìm diệt”… Từ cuối năm 1965 đến đầu năm 1966, Mỹ - ngụy tiến hành cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất, lấy địa bàn Đông Nam bộ làm chủ yếu, trong đó Bình Long và Phước Long là một trong những mục tiêu càn quét “bình định” của chúng. Mặc dù đã tung ra hầu hết các đơn vị sừng sỏ của Mỹ có mặt trên chiến trường cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, trong đó có máy bay B52, chất độc hóa học…nhưng đều bị quân và dân Bình Phước đánh bại.
           Bị thất bại trong cuộc phản công chiến lựơc lần thứ nhất, đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh ở miền Nam. Chúng mở rộng chiến tranh bằng không quân, hải quân ra miền Bắc, ào ạt đưa gần 40 vạn quân Mỹ và quân chư hầu vào miền Nam cùng với gần 60 vạn quân ngụy, tăng cường phương tiện chiến tranh để chuẩn bị mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai mùa khô năm 1966-1967, hướng chính là chiến trường Đông Nam bộ (trong đó có Bình Long và Phước Long).
          Trước tình hình đó, ngày 17/7/966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước quyết tâm chống giặc Mỹ. Bác vạch trần âm mưu, tội ác của đế quốc Mỹ: “Chúng ồ ạt mang gần 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta. Chúng nuôi dưỡng ngụy quyền ngụy quân làm công cụ hại dân phản nước. Chúng dùng những phương tiện chiến tranh cực kỳ man rợ, như chất độc hoá học, bom napan, v.v.. Chúng dùng chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Bằng những tội ác ấy, chúng hòng khuất phục đồng bào miền Nam ta”(2) . Đồng thời Người khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân ta trước bè lũ bán nước và cướp nước: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng”(3) . 
           Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác đã thắp cháy lên tinh thần yêu nước, căm thù giặc Mỹ sâu sắc, làm kiên định thêm quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng đất nước, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc của đồng bào cả nước. Tại tỉnh Bình Phước, “lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Long – Phước Long, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã tiếp tục đẩy mạnh thế tiến công, sẵn sàng cùng quân dân miền Nam vượt qua mọi hy sinh, gian khổ và ác liệc, quyết tâm đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ - ngụy”(4) . 
          Khi địch bắt đầu cuộc phản công mùa khô lần thứ hai, mở cuộc càn quét mang tên “Phượng hoàng bay” sâu vào vùng căn cứ kháng chiến ở Đắk Nhau, Bom Bo và khu vực Đường 309 đi Bù Gia Mập, Tỉnh ủy chủ trương sử dụng bộ đội tập trung tỉnh, du kích xã Đắk Ơ phối hợp với một bộ phận Sư đoàn 7 chủ lực Miền, tổ chức tập kích cụm quân địch ở Đắk Ơ. Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực Miền, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Long, Phước Long, quân dân địa phương liên tục tác chiến và phục vụ tác chiến, hình thành sự phối hợp nhịp nhàng ba thứ quân. Kết thúc chiến dịch, ba thứ quân đã tác chiến 60 trận, loại khỏi vòng chiến 5.420 tên địch (có 3.000 Mỹ), phá hủy 103 xe cơ giới, 63 khẩu pháo, 4 kho đạn và xăng dầu, tiêu diệt 1 chi khu, bắt sống 617 tên ngụy, thu 172 súng(5). Ngày 7-11-1967, Bộ chỉ huy Miền gửi thư biểu dương, khen ngợi quân, dân mặt trận Lộc Ninh . Cũng trong thời gian này, quân và dân Bình Phước kiên quyết bám trụ địa bàn, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đánh địch phản kích, đồng thời tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng. 
           Đầu năm 1972, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-72 của Thường vụ Trung ương Cục lần thứ 11, Chiến dịch Nguyễn Huệ trên chiến trường miền Đông Nam bộ, hướng chủ yếu của chiến dịch là Đường 13 - Lộc Ninh, Bình Long được khởi đầu. Đúng 5 giờ 30 phút, ngày 5-4-1972, quân và dân Bình Phước cùng với các đơn vị chủ lực đồng loạt nổ súng, đánh chiếm các mục tiêu nhỏ lẻ của địch ở ngoại vi thị xã, bảo vệ hành lang và lần lượt thọc sâu tiến công vào nội thị, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch. Ngày 7-4-1972, Lộc Ninh - huyện đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Sau khi được giải phóng, Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vùng giải phóng được mở rộng là một thuận lợi lớn cho việc xây dựng căn cứ. Để phù hợp với tình hình mới có lợi cho cách mạng miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền đã dời từ huyện Dương Minh Châu về căn cứ Tà Thiết.  Đây là căn cứ cuối cùng của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền - một căn cứ dự trữ hậu cần chiến lược và là căn cứ cơ bản của Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
          Sáng 1-1-1975, ta bắt đầu nổ súng tiến công vào thị xã Phước Long, tiêu diệt từng mục tiêu của địch. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt đến trưa ngày 6-1-1975 thì lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng Phước Long. Phước Long hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long có ý nghĩa cả về mặt chiến thuật, chiến dịch và chiến lược; tạo thế và xây dựng lực lượng ở chiến trường B2; là một thực tiễn lớn để đánh giá khả năng phản ứng của ngụy và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, góp phần hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thắng lợi này càng củng cố quyết tâm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng kết thúc chiến tranh sớm trong năm 1975. Ngày 23-3-1975, Bình Long được giải phóng. Ta tiếp tục tổ chức lực lượng, bao vây phía nam, nghi binh để cầm chân địch. Chiều 2-4-1975 Chơn Thành được giải phóng, cũng là ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Phước.
          Tỉnh Bình Phước được giải phóng góp phần quan trọng vào việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975). Thắng lợi của quân và dân tỉnh Bình Phước được tạo nên từ nhiều yếu tố, trong đó có động lực tinh thần mạnh mẽ từ lời kêu gọi chống Mỹ của Bác luôn vang vọng: “đồng tâm nhất trí, vượt mọi gian khổ hy sinh, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”(6) . Ta chiến thắng bởi lẽ “Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, và nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng!”(7). 
         Đã 46 năm trôi qua, những hoang tàn, đổ nát, những vết thương chiến tranh do Mỹ gây ra trên mảnh đất Bình Phước anh hùng đã được thay bằng thành phố, làng mạc, trang trại, nương rẫy trù phú, tốt tươi. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Bình Phước ngày càng được cải thiện, nâng cao. Cùng với sự lớn mạnh, vững vàng của đất nước, tỉnh Bình Phước ngày nay đang trên con đường phát triển như khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi: “ Bình Phước sẽ trở thành một nơi hội tụ và thu hút các nguồn lực cho phát triển; phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước được đặt trong bối cảnh phát triển của đất nước và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hướng đến phát triển bền vững bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với các chính sách an sinh xã hội theo nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau; chuyển từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực tăng trưởng”(8)./.
-------------------------------------------------------
(1), (2), (3), (6), (7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr. 131, Nxb. CTQG, H. 2011
(4) Đảng bộ tỉnh Bình Phước, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bìnhh Phước, sơ thảo, 1930-1975
(5) Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước, Lịch sử Bình Phước kháng chiến (1945-1975), tr.337, Nxb. CTQG, H. 2002
(8) https://dangcongsan.vn/kinh-te/binh-phuoc-truoc-co-hoi-but-pha-vuon-len-568972.html

Tác giả bài viết: Lương Thị Hồng Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại184,858
  • Tổng lượt truy cập9,147,220
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây