Đọc tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sách chủ nghĩa cá nhân” nghĩ về nhiệm vụ xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay

Thứ năm - 04/03/2021 09:21 2.509 0
Nhân kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1969) với bút danh T.L., Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam và sự cần thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên nói chung, thế hệ trẻ nói riêng, chỉ ra những biểu hiện, tác hại của chủ nghĩa cá nhân và nêu lên một số giải pháp chống chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967). Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967). Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN.
     1. Vấn đề đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”
     Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò xung kích cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ. Người nhấn mạnh trong Đảng ta đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên, thanh niên “đã vì Đảng, vì dân mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”[1]. 
     Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ thanh niên và công tác giáo dục đạo đức cho đoàn viên, thanh niên. Người nêu rõ yêu cầu về mặt đạo đức, đề ra những phẩm chất đạo đức cơ bản cũng như phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. 
     Người chỉ rõ: “Đảng ta đào tạo ra một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dung cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”[2].
     Thấm nhuần và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức, nhiều thế hệ cách mạng trong đó có thanh niên đã trưởng thành; đã và đang tích cực xây dựng đất nước ta tươi đẹp hơn, đoàng hoàng hơn như mong ước của Người. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhìn thấy: “Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy còn một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức và phẩm chất còn thấp kém”[3]; làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm sút nềm tin của nhân dân đối với Đảng. Người chỉ ra khuyết điểm nặng nhất là họ “mang nặng chủ nghĩa cá nhân”[4]; đồng thời chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng, xuống dốc thì đễ dàng hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”[5].
      Để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết yêu cầu: Đảng phải tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho thế hệ trẻ, thế hệ trẻ phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tinh thần tập thể, tổ chức kỷ luật, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.
      2. Xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh
     Tuổi trẻ Việt Nam hiện nay được kế thừa từ các thế hệ thanh niên ông cha mình những truyền thống tốt đẹp, những giá trị tinh hoa, ưu tú.  Mặt khác, thanh niên Việt Nam hiện nay còn là “sản phẩm”, là “con đẻ” của sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập. Từ trong thực tiễn đổi mới, thế hệ trẻ được tôi luyện để trưởng thành, mang một diện mạo nhân cách xứng đáng của “thế hệ đổi mới”. Với chất lượng nhân cách xứng đáng của thanh niên, nguồn nhân lực trẻ Việt Nam đang trở thành động lực thúc đẩy đổi mới phát triển, hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, bàng quan với những vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời với truyền thống văn hóa dân tộc…
      Để đáp ứng yêu cầu mới về chất lượng nguồn nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khắc phục những hạn chế của thanh niên nước ta hiện nay; Đảng và Nhà nước đã và đang tiến hành trên nhiều mặt công tác; trong đó việc định hướng giá trị đạo đức cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Để xây dựng, rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
     Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên trong toàn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong toàn xã hội ý thức chăm lo giáo dục thanh niên, làm cho toàn dân thấy được thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, đóng vai trò quyết định của sự nghiệp cách mạng, là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước, để có sự quan tâm đến thanh niên, đầu tư cho công tác giáo dục đạo đức thanh niên, cùng với Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội làm tốt công tác giáo dục đạo đức thanh niên. Bên cạnh đó, không ngừng giáo dục cho thanh niên nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của mình trong đời sống xã hội, trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ thanh niên; đề cao ý thức tự tôn dân tộc hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ; có ý thức lập thân lập nghiệp vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
     Hai là, “phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”[6] cho thanh niên. Đây là giải pháp cơ bản nhằm xây dựng, hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa cho thanh niên, vì đạo đức là “gốc của người cách mạng”; cần tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng của thanh niên mà tiêu biểu là phong trào: “Thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, “Chiến dịch mùa hè xanh”, “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”... Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên, hình thành phẩm chất cao đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa. Gia đình cần nâng cao trách nhiệm trong giáo dục đạo đức, nếp sống cho con cái, xây dựng gia đình thành tổ ấm thực sự, nơi nuôi dưỡng và bồi đắp những nhân cách cao đẹp. Các cơ sở giáo dục, đào tạo cần tạo một môi trường nhân văn, kỷ cương trong học tập và giảng dạy; cán bộ, giảng viên phải trở thành tấm gương về đạo đức, về cách ứng xử, về việc thực hiện kỷ cương, nề nếp trong dạy và học. Trong phạm vi toàn xã hội, cần kiên quyết thiết lập kỷ cương trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội từ giao thông vận tải đến quản lý đất đai, quản lý y tế, văn hóa, giáo dục, quản lý chặt chẽ việc sử dụng internet của thanh niên... 
      Ba là, giáo dục,vận động, tạo điều kiện để phát huy vai trò tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của thanh niên theo yêu cầu và nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ”[7]. Thanh niên là lớp người trẻ, khỏe, có nhiệt tình cách mạng, nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ. Phát huy vai trò của thanh niên trong tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức lối sống là biện pháp quan trọng giúp họ nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành. Trước hết phải hình thành cho thanh niên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để thanh niên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên. Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của thanh niên về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để thanh niên rèn luyện đạo đức, lối sống. Mỗi thanh niên phải xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Bản thân mỗi người tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, biết vượt qua những cám dỗ và tiêu cực xã hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, lợi mình hại người. Thanh niên cần phải tự tin vào chính mình, giữ vững niềm tin trong cuộc sống, vào các giá trị chân, thiện, mỹ; vượt qua mọi khó khăn gian khổ như Bác Hồ đã dạy: “gian nan rèn luyện mới thành công”.
     Bốn là, thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức Đoàn, bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao tính tích cực xã hội của thanh niên; phát huy vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa cho đoàn viên, thanh niên. Thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục của Đoàn, các phong trào cách mạng, qua thực tiễn cuộc sống kiểm nghiệm mà thanh niên củng cố niềm tin vào lẽ phải, vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, hình thành cho thanh niên lối sống nhân văn, chia sẻ, trách nhiệm và bản lĩnh cách mạng.
       Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng về đạo đức càng cho thấy ý nghĩa to lớn của tác phẩm “ Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đây là một “cuốn cẩm nang” quý báu về công tác xây dựng Đảng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong đó có đội ngũ cán bộ trẻ nhằm thực hiện di nguyện của Bác trước lúc đi xa, đào tạo nhưng lớp người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, xứng đáng kế tục sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha ông ./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.11, tr.602.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.15, tr.546
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.15, tr.546.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.15, tr.546.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.15, tr.547.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.15, tr.547
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.15, tr.547

Tác giả bài viết: Dư Thị Oanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay8,741
  • Tháng hiện tại165,225
  • Tổng lượt truy cập7,341,192
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây