Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào ngày 21/7/1954, Mỹ đã hất cẳng Pháp khỏi chiến trường Đông Dương và thiết lập chế độ thực dân kiểu mới. Ở miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm được sự chống lưng của Mỹ đã phế truất Bảo Đại lập nên chính thể Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 26/10/1955. Những hành động của chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã hiện thực hoá mưu đồ chia cắt Việt Nam lâu dài, biến miền Nam trở thành tiền phương ngăn chặn sự phát triển phong trào cách mạng giải phóng của dân tộc ta, cũng như sự phát triển của phong trào Cộng sản quốc tế.
Bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau, từ viện trợ đô la, vũ khí quân sự hiện đại và cố vấn quân sự để thực hiện các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Thậm chí sử dụng quân đội Mỹ và đồng minh trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (1969 - 1973) hòng giành thắng lợi bằng sức mạnh quân sự trong chiến tranh Việt Nam. Song, Mỹ đã lần lược nhận lấy những thất bại trên chiến trường, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.
Theo Hiệp định Paris, Mỹ và đồng minh rút quân khỏi chiến trường miền Nam trong vòng 2 tháng. Tuy đã rút quân khỏi chiến trường miền Nam nhưng Mỹ vẫn tăng cường viện trợ tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho chính phủ Việt Nam Cộng hoà với hy vọng 1.200.000 nguỵ quân sẽ xoay chuyển tình thế cục diện chiến tranh. Tình hình chống phá Hiệp định Paris của địch ngày càng tăng, chúng điên cuồng đánh phá các căn cứ cách mạng hòng xoá bỏ vùng giải phóng và đẩy lùi lực lượng cách mạng. Hàng vạn tù chính trị vẫn bị giam cầm trong các nhà lao của địch, tiếng súng vẫn nổ ra hàng ngày trên khắp miền Nam.
Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp vào tháng 7/1973, sau khi phân tích các khả năng phát triển của cách mạng miền Nam, cũng như vấn đề then chốt trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội nghị đã thống nhất: trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải xây dựng lực lượng lớn mạnh, đặc biệt là khối chủ lực cho cách mạng miền Nam, sẵn sàng dùng bạo lực cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam nếu kẻ thù không chịu thi hành Hiệp định Paris[1].
Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã định hướng đúng đắn con đường phát triển cách mạng ở miền Nam trong tình hình mới. Công tác chuẩn bị được triển khai đồng bộ trên khắp miền Nam. Nửa cuối năm 1974, chính quyền Việt Nam cộng hoà bước vào thời kỳ khủng hoảng sâu sắc. Nắm bắt thời cơ, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Song song với hoạt động đấu tranh chính trị, quân sự trên chiến trường thì hoạt động ngoại giao cũng giữ một vai trò cực kỳ quan trọng, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế trong việc thi hành Hiệp định Paris. Ngày 28/6/1973, tại diễn đàn 2 bên tại Paris, Chính phủ cách mạng lâm thời đòi chính quyền Sài Gòn thực hiện ngay 3 vấn đề cấp bách: ngừng bắn, trao trả tù binh chính trị, tự do dân chủ. Đây là 3 vấn đề nóng bỏng, đồng thời cũng là chỗ yếu của chế độ Sài Gòn và cũng chính là những điều dư luận quốc tế và trong nước đặc biệt quan tâm[2]. Các hoạt động ngoại giao tích cực của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã làm cho dư luận thế giới và dư luận ngay trong lòng nước Mỹ nhận thấy sự chính nghĩa cuộc kháng chiến của quân dân ta, cũng như thấy được bộ mặt phá hoại Hiệp định Paris, phá hoại hoà bình của chính phủ Việt Nam Cộng hoà.
Với những thắng lợi trên chiến trường, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4/3/1975 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh tổng thống ngụy (nay là Hội trường Thống Nhất) ngày 30-4-1975 Ảnh: Báo Bình Phước
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã mở ra một thời kỳ mới, đánh dấu sự phát triển của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói riêng và phong trào cách mạng cộng sản trên toàn thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.
Thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là kết quả tất yếu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta đã phát huy cao nhất truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Cả nước một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì quyền con người. Sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, trên dưới một lòng, triệu người như một với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Cùng với đó là sự đoàn kết, liên minh chiến đấu của 3 nước Đông Dương với sự giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại được phát huy cao nhất, tạo thành sức mạnh tổng lực chiến thắng đế quốc Mỹ.
Trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc, biết bao đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ trong cả nước đã anh dũng hy sinh, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
------------------------------------------------
[1] Lê Hải Triều, Phạm Văn Dũng, Giang Tuyết Minh (2013), Lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước đến nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb, Chính trị - Hành chính, tr. 406.
[2] Hà Minh Hồng, Trần Nam Tiến (2010), Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960-1977), Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.182.