Phát huy chữ “Đức” và “Tài” trong nghề giáo.

Thứ năm - 18/11/2021 03:12 2.429 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"(1). Đối với nhà giáo cũng vậy, chữ “Tài” và “Đức”của nhà giáo là cơ sở, tiền đề để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học, đồng thời cũng là một trong những căn cứ để đánh giá, xếp loại, nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có lối sống, cách ứng xử chuẩn mực, là tấm gương cho người học noi theo.
       Từ xa xưa, xã hội luôn luôn dành cho người thầy, người cô nhưng tình cảm tốt đẹp và sự vinh danh xứng đánh nhất, là tấm gương sáng, chuẩn mực cho các thế hệ học trò noi theo. Cứ thế hình ảnh người thầy, người cô đã đi vào những câu ca dao, tục ngữ, thấm sâu vào tâm khảm của mỗi thế hệ học trò. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn  đề cao vai trò và vị trí của người thầy đối với xã hội: ‘Bây giờ đang xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để dần dần đến chủ nghĩa xã hội. Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Điều đó vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề dạy học, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên đôi vai nhà giáo.
        Trong triết gia Hy Lạp cổ đại Platon cho rằng: Người thợ giày tồi thì quốc gia không quá lo lắm, dân chúng sẽ phải xỏ những đôi giày xấu. Nhưng người thầy mà dốt nát, vô luân thì đất nước sẽ xuất hiện những người kém cỏi xấu xa. Nghề dạy học lấy con người làm đối tượng để tác động, làm biến đổi và phát triển nhận thức, tư tưởng, tình cảm của người học. Các giá trị văn hóa của nhân loại qua bàn tay của người thầy được kết tinh và truyền thụ cho các thế hệ kế tiếp để đào tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Thành quả của quá trình lao động sư phạm là đào tạo ra những con người mới với nhân cách hoàn chỉnh về tài năng và đạo đức. Đạt được mục tiêu đó, vai trò của nhà giáo rất quan trọng, phải là người thiết kế, vừa là người thi công trong quá trình dạy học. Đạo đức và tài năng của thầy giáo, cô giáo là tấm gương sống để người học noi theo.
         Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”(2). Chính vì vậy, các thầy giáo, cô giáo có nhiệm vụ nặng về và vẻ vang làm người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo, phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội.
           Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn nhiều hạn chế và khuyết điểm cần phải khắc phục. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuột đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước"(3).
         Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: "Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; còn cá biệt phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng" (4). Đó là biểu hiện của việc không chụi rèn luyện chữ "Đức", bồi dưỡng chữ "Tài" của một số cán bộ, đảng viên.
          Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn trăn trở, yêu cầu, dặn dò và kỳ vọng to lớn đối với việc xây dựng đội ngũ thầy giáo, cô giáo phải vừa hồng vừa chuyên, toàn diện cả đức lẫn tài để gánh vác trách nhiệm đào tạo những thế hệ công dân, cán bộ có tài, có đức cho xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức và tài là một thể thống nhất không thể tách rời. Vì vậy, không thể chỉ có đức mà không cần tài, càng không thể coi trọng tài mà xem nhẹ đức, chúng phải tương hỗ cùng nhau, thống nhất hữu cơ với nhau mới giúp cho con người, nhất là người thầy giáo, cô giáo hoàn thành nhiệm vụ cách mạng cũng như hoàn thiện nhân cách bản thân. Trong mối quan hệ biện chứng đó, đức là nền tảng của tài, định hướng cho tài năng phát triển và phát triển đúng hướng, tức là phục vụ nhân dân và cách mạng. Ngược lại, tài là thành tố góp phần tạo nên đức, phát huy tác đụng của đức, hoàn thiện đức.
       Về khía cạnh của những giảng viên trường chính trị là những thầy giáo, cô giáo đặc biệt hơn trong các thầy giáo, cô giáo giảng dạy ở các trường học khác. Bởi công việc giảng dạy của những người thầy giáo, người cô giáo ở trường chính trị là tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh và tương đương và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiến thức ở một số lĩnh vực.
        Mỗi giảng viên chính trị luôn nhận thấy được vai trò và trách nhiệm của bản thân phải bồi dưỡng chữ “Tài” và rèn luyện chữ ‘Đức”, đó là yêu cầu không thể thiếu, nhất là đối với giảng viên Trường Chính trị. Chữ “Tài” ở đây thể hiện là tài năng trí tuệ và khả năng nghiệp vụ sư phạm, thể hiện ở chỗ mỗi giảng viên cần nắm vững và nhuần nguyễn nội dung hệ thống các kiến thức cơ bản, khả năng phát hiện và bổ sung những quan điểm mới của Đảng và Nhà nước vào bài giảng, vận dụng chữ tài vào trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cũng như xử lý các công việc có liên quan, còn chữ “Đức” là tấm gương về nhân cách đạo đức trong sáng, kiên quyết đấu tranh chống lại những cái xấu, cái sai trong xã hội; phải luôn rèn luyện mình để trở thành hình mẫu về đạo đức, lối sống trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường để làm gương cho người khác.
      Ngày 7/9/1959 tại buổi khai mạc lớp học lý luận khóa I của Trường Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản” (5), là nơi góp phần nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên giúp cho họ hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng của mình.
        Ghi nhớ lời dạy đó của Người, cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Bình Phước luôn nổ lực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo những chiến sĩ tiên tiến. Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước đã không ngừng nổ lực tham mưu cho Tỉnh ủy trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đường lối quan điểm, những vấn đề về xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng cho đội ngũ cán bộ tỉnh Bình Phước. Đội ngũ giảng viên nhà trường được nâng cao cả về chất lượng và số lượng trong năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
         Nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021), tập thể cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Phước quyết tâm ra sức học tập, nổ lực và phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tiếp tục phát huy tài năng và rèn luyện đạo đức nhà giáo, rèn luyện đạo đức cách mạng: cần , kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa có đức, vừa có tài, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay./.
--------------------------------------
(1)    Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.292.
(2)    Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2011, tr.77 - 78.
(3)    Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.185.
(4)     Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 2, tr. 168.
(5)    Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb.CTQG, H.2000,tr. 496-497.

Tác giả bài viết: Phạm Minh Triều

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại184,831
  • Tổng lượt truy cập9,147,193
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây