Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “đời sống mới” trong xây dựng văn hóa công sở tại Trường Chính trị Bình Phước

Chủ nhật - 04/04/2021 05:03 3.119 0
Ngày 20-3-1947, để đẩy mạnh phong trào đời sống mới phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới. Dưới hình thức hỏi - đáp, cuốn sách trình bày một cách dễ hiểu, vắn tắt rõ ràng, đầy đủ, thiết thực những nội dung của đời sống mới và yêu cầu cụ thể đối với mỗi người, mỗi gia đình, từng giới và từng ngành trong việc thực hiện đời sống mới. Việc xây dựng đời sống mới theo Bác là công việc của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, của các trường học, đơn vị bộ đội, các xưởng máy, các công sở… Vậy đời sống mới trong các công sở nên thế nào?
            1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng “đời sống mới” trong công sở
           Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Hồ Chí Minh chỉ rõ lý do tại sao cán bộ, công chức, viên chức trong các công sở phải thực hành đời sống mới, bởi vì  họ “là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy” (1) . Do đặc điểm vị trí công tác, người làm việc trong các công sở đều có ít nhiều quyền hành cho nên họ phải là người gương mẫu trong thực hiện đời sống mới.
        Đời sống mới trong công sở trước hết phải “CẦN”, nghĩa là “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai” (2) . Đời sống mới trong công sở là phải “KIỆM”, bởi vì “Giấy bút, vật liệu, đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm” (3) . Các công sở tiết kiệm, thì sẽ làm lợi cho dân rất nhiều. Đời sống mới trong công sở là phải lấy chữ “LIÊM” làm đầu. Và đời sống mới  trong công sở nhất định phải coi trọng “CHÍNH”, theo đó: “Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kẻo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh” (4) .
        Trong Lời tựa của tác phẩm “Đời sống mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Trong lúc kháng chiến cứu quốc, chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc" (5) . Không chỉ cần thiết trong thời kỳ kháng chiến, kiến quốc, mà trong giai đoạn hiện nay, thực hiện đời sống mới nói chung, đời sống mới trong công sở nói riêng vẫn luôn là vấn đề thời sự.
          2. Xây dựng văn hóa công sở Trường Chính trị Bình Phước theo tư tưởng Hồ Chí Minh 
        Trong giai đoạn hiện nay, với việc xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế bền vững” , Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống của nhân dân. Trong đó phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” được phát động và triển khai thực hiện rộng khắp, góp phần to lớn trong việc nâng cao đời sống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.
         Nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019), 71 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, ngày 19 tháng 5 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Mục đích của phong trào là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác; (ii) Bảo đảm tính liên tục và hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì Nhân dân phục vụ.
        Để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" do Thủ tướng Chính phủ phát động, thực hiện Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 09/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về việc tổ chức triển khai thực hiện Phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao văn hóa công sở, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, ngày 07/8/2019 Trường Chính trị tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 28- KH/TCT về việc Phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
          Căn cứ vào Kế hoạch 28- KH/TCT, thực hiện văn hóa công sở tại cơ quan Trường chính trị Bình Phước có 5 tiêu chuẩn: một là, thực hiện chấp hành nghiêm túc, kỷ cương, kỷ luật của Đảng, Nhà nước; Hai là, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; Ba là, tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm; Bốn là, Thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử và năm là, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực đạo đức, lối sống. 
         Soi rọi vào những quy định cụ thể về thực hiện văn hóa công sở tại Trường Chính trị Bình Phước, chúng ta có thể thấy rất rõ tinh thần “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
        Các tiêu chuẩn “Thực hiện nghiêm các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc” hay “Thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”…chính là “CẦN”. 
        Thực hiện các tiêu chuẩn: “Có ý thức tổ chức kỷ luật, sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học và hiệu quả”, “gương mẫu, tránh phô trương, lãng phí, trục lợi trong việc tổ chức liên hoan, cưới hỏi, tang lễ, mừng thọ, sinh nhật, tân gia”…chính là “KIỆM”.
        Thái độ “Nghiêm túc nhận lỗi, nhận khuyết điểm, thực hiện tốt nội dung tự phê bình và phê bình, rút kinh nghiệm, có biện pháp và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khi để xảy ra sai sót trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao”, hay “cầu thị, lắng nghe, tận tụy, gương mẫu, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc; sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công, không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó”…chính là “LIÊM”.
        Các tiêu chuẩn: “Có tinh thần đấu tranh với những việc làm sai trái, tránh trường hợp làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả” , “Cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý” hay “ Đối với cấp lãnh đạo phải phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên, không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ, mục đích không trong sáng”… là “CHÍNH”.
         Trên cơ sở của chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa công sở, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, việc thực hiện văn hóa công sở tại Trường Chính trị tỉnh đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Nhà trường đã xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Công sở được bài trí theo hướng trang trọng, lịch sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và học viên. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên cơ bản có thái độ nghiêm túc, tích cực rèn luyện và thực hiện 05 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Trường Chính trị: Bản lĩnh chính trị vững vàng; đạo đức trong sáng, tâm huyết, giữ gìn danh dự, nhân cách nhà giáo; Giảng dạy dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, gắn lý luận với thực tiễn; Tư duy nghiên cứu khoa học độc lập, tự chủ, sáng tạo; Tham mưu trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; Làm việc siêng năng, ứng xử văn hóa, tinh tế, thân thiện, hợp tác (6). 
          Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, viên chức, người lao động vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về thực hiện văn hóa công sở, có những biểu hiện lệch chuẩn trong ứng xử làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cán bộ trường Đảng. Một số cán bộ vẫn chưa thực hiện  nghiêm văn hóa công sở hoặc còn mang tính hình thức, làm việc với chất lượng chưa cao, kỹ năng giao tiếp và ứng xử chưa chuẩn mực; vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa triệt để…
           Trong thời gian tới, để thực hiện tốt văn hóa công sở tại Trường chính trị tỉnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường, cần chú ý một vấn đề sau:
          Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường về thực hiện văn hóa công sở gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng của Người về “Đời sống mới”.
       Hai là, đẩy mạnh việc tuyên truyền về văn hóa công sở cho đội ngũ cán bộ,viên chức, người lao động trong toàn cơ quan nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho cán bộ, viên chức, người lao động về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống… nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp.
        Ba là, tiếp tục thực hiện tốt Quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp (ban hành kèm theo Quyết định số 65/QĐ-TCT ngày 23/02/2018); Quy định ứng xử văn hóa của Trường Chính trị tỉnh Bình Phước (ban hành kèm theo Quyết định số 78/QĐ-TCT ngày 01/3/2018); Quy định số 01-QĐ/TCT  ngày 11/6/2020 về đánh giá, xếp loại thi đua đối với cá nhân. Gắn thực hiện văn hóa công sở với họat động đánh giá, xếp loại thi đua hàng quý, năm và đánh giá viên chức, đảng viên hằng năm.
         Bốn là, ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa các giải pháp công nghệ thông tin trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, học tập… nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo hướng tới việc trở thành đơn vị đi tiên phong trong xây dựng trường học thông minh trong hệ thống trường Đảng cả nước. 
         Năm là, thực hiện nghiêm chế độ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công sở theo chương trình, kế hoạch hằng năm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, viên chức, người lao động gương mẫu, xuất sắc trong thực hiện văn hóa công sở.
          Đã trải qua 74 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đời sống mới” nhưng những giá trị, ý nghĩa của tác phẩm vẫn còn nguyên vẹn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Tư tưởng của Bác về xây dựng đời sống mới nói chung và đời sống mới trong công sở nói riêng đã đưa ra những chỉ dẫn vô cùng khoa học, cụ thể để chúng ta tổ chức thực hiện thành công việc xây dựng văn hóa công sở hiện nay./.
----------------------------------------------------
(1), (2), (3), (4), (5): Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, tr. 112, 113, 122, 123, Nxb. CTQG, H.2011
(6): Quy định ứng xử văn hóa của Trường Chính trị tỉnh Bình Phước (ban hành kèm theo Quyết định số 78/QĐ-TCT ngày 01/3/2018)

 

Tác giả bài viết: Lương Thị Hồng Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm69
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại185,727
  • Tổng lượt truy cập9,148,089
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây