Từ “Chính phủ kiến thiết” trong tư tưởng của Hồ Chí Minh đến Chính phủ kiến tạo và liêm chính

Thứ sáu - 08/05/2020 19:57 1.725 0
Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã để lại những tư tưởng vĩ đại cho nhân dân ta, trong đó có tư tưởng về Chính phủ kiến thiết.
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung xây dựng Chính phủ kiến thiết với các kế sách diệt giặc đói, giặc dốt, thiết lập cơ quan lập pháp, thực hiện tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết...; xây dựng chính phủ đoàn kết và quy tụ nhân tài, nỗ lực làm việc, một lòng vì nước vì dân, gương mẫu, nói đi đôi với làm; kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh; phát huy đầy đủ trí tuệ, sức mạnh, trách nhiệm của nhân dân. Những quan điểm của Người đã đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính hiện nay.
Thứ nhất, đó là Chính phủ phục vụ nhân dân

Ngay khi thành lập Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng một chính phủ phục vụ nhân dân. Người khẳng định: “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh” [1]. 
Triết lý về xây dựng một chính phủ phục vụ nhân dân thể hiện rõ ràng, đầy đủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” [2]. Đồng thời, nhân dân có nghĩa vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển nhà nước, đảm bảo về mọi mặt để Chính phủ phát huy hiệu lực, hiệu quả của mình. Người viết: “Nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ, theo đúng kỷ luật của Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho”. [3]
Thứ hai, đó là Chính phủ giữ vai trò định hướng, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội 
Chính phủ kiến thiết là một Chính phủ hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế chiến lược phát triển đất nước với đường lối “kiến quốc” trên tất cả các mặt; chủ động đối phó với những diễn biến hết sức phức tạp, bất lợi khi thù trong, giặc ngoài quyết liệt phá hoại thành quả của cách mạng. Hồ Chí Minh là người mở đường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho giới công thương và các giới khác. Với tư cách là Chủ tịch nước, ngày 13/10/1945, Người gửi thư cho các giới công thương Việt Nam khẳng định Chính phủ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh và người dân làm ăn thuận lợi trong công cuộc ích nước, lợi dân: "Giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”. [4]
Theo triết lý đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương Chính phủ cần tạo môi trường cho doanh nghiệp và người dân khởi nghiệp để công tư đều lợi, kinh tế quốc gia phát triển mạnh. Trong cuốn “Thường thức chính trị” xuất bản năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị. Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân” [6]
Ba là, đó là Chính phủ liêm khiết
Điều đặc biệt nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến Chính phủ liêm khiết. Thể hiện tại phiên họp ngày 31/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội: “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết. Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà” [7].
Và chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thấy khó khăn trong việc xây dựng một chính phủ liêm khiết,  Đó là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ bằng nhiều hình thức phong phú gắn với những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ… dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến… Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. [8].
Tư tưởng của  Chủ tịch Hồ Chí Minh về Chính phủ kiến thiết nói trên là một di sản vô giá mà đã Người để lại. Xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính tức là chính phủ vừa phải kiến thiết và tạo dựng môi trường bình đẳng, tôn trọng, ổn định, hướng tới sáng tạo, phát triển và đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và toàn xã hội vừa phải liêm chính, chính trực, trong sạch, không tham nhũng, tham ô, quan liêu, lãng phí, không tham quyền, cố vị, tự trọng minh bạch… Do đó, Chính phủ kiến tạo, liêm chính có cơ cấu, tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh, trong sạch, có đạo đức, có phẩm chất, có năng lực và đặc biệt kiên quyết đấu tranh chống lại tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Ngoài ra, để xây dựng được Chính phủ kiến tạo, liêm chính cần sự đồng lòng và quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị.
 
 
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2011, tr.21,
[2], [3]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Sđd, tr.382, tr.90
 [4], [7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.53, tr.478.
[5] Hồ Chí Minh, Về kinh tế và quản lý kinh tế, Nxb Thông tin lý luận, H.1990, tr.14.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.267
 [8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.357-358.

 

Tác giả bài viết: Hạnh Dung

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay4,879
  • Tháng hiện tại227,270
  • Tổng lượt truy cập9,189,632
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây