Học tập và làm theo tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực.

Thứ ba - 04/08/2020 23:18 3.569 0
          Tư tưởng nhân văn là trào lưu tư tưởng bàn tới con người. Mỗi thời đại, mỗi giai cấp có sự nhìn nhận khác nhau về con người. Khác với một số quan niệm chưa đúng đắn về nhân dân lao động, về con người tôn giáo,vv…Hồ Chí Minh đề cập con người cụ thể, lịch sử; không có con người chung chung, trừu tượng phi nguồn gốc lịch sử.
         Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói tới con Lạc cháu Hồng, Người đã có sự cảm nhận thiêng liêng về hai tiếng “ đồng bào”. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và qua hoạt thộng thực tiễn, Hồ Chí Minh đã sử dụng khái niệm “người bản xử bị bóc lột”, “người mất nước”, “người da đen”, “người cùng khổ”, “người vô sản”. Từ thập kỷ bốn mươi của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh bàn đến chữ “ Người” với nhiều nghĩa và phạm vi khác nhau. Nghĩa hẹp: gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng: đồng bào cả nước, cả loài người.
         Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh con người ở đây là đồng bào đồng chí, là người Việt Nam yêu nước, là trẻ, già, gái, trai, miền xuôi, miền ngược… Hồ Chí Minh yêu thương những người nô lệ mất nước, những người cùng khổ, giai cấp vô sản bị bóc lột, những thanh niên chết vô ích ở Việt Nam dù họ là da trắng, da đen, người Pháp hay người Mỹ. Bởi vì “ máu nào cũng là máu; người nào cũng là người”. Những dòng máu đỏ đều quý như nhau.
        Tấm lòng yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh khác lòng từ bi của Phật, lòng nhân ái của Chúa Giêsu cả về đối tượng và cơ sở khoa học. Về đối tượng, Hồ Chí Minh thương yêu con người đang sống thực ở trên trần gian này. Về cơ sở khoa học, Người đã chỉ ra được nguồn gốc mọi sự đau khổ của những con người nô lệ, mất nước, của những người lao động làm thuê, đó là chủ nghĩa thực dân, đế quốc tàn bạo; là ách áp bức bốc lột giai cấp công nhân, giai cấp nông dân phải chịu đựng. Từ đó, Hồ Chí Minh chỉ ra con đường cách mạng, con người giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
         Luôn thương yêu con người, nên Hồ Chí Minh luôn khao khát hòa bình, một nền hòa bình thật sự, trong độc lập, tự do, vì tiến bộ của nhân loại. Người luôn coi sinh mạng con người là thứ quý giá nhất. Người quý trọng sức dân, của dân, trọng người tài, đức, trân trọng “người tốt, việc tốt”  dù rất nhỏ. Người trân trọng từng ý kiến của dân, lắng nghe dân, học hỏi dân, bàn bạc với dân, tự phê bình trước dân, trả lời ý kiến của dân, tôn trọng và chấp hành nghiêm minh pháp luật.
         Lòng thương yêu con người ở Hồ Chí Minh theo tinh thần làm cho nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân hoàn toàn tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, chữa bệnh….Đó là triết lý nhân văn hàng động ở đời và làm người thì phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, áp bức và đấu tranh nhằm đem lại hạnh phúc, tự do cho con người.
        Xây dựng một xã hội nhân văn theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải đảm bảo công bằng xã hội, trong đó quan tâm tới lợi ích của cá nhân, tập thể và cộng đồng; bảo đảm bình đẳng của các thành phần kinh tế trên cơ sở khẳng định vị trí chủ đạo của nền kinh tế nhà nước. Muốn vậy, tất cả đều phải được thể chế hóa bằng pháp luật và công bằng xã hội được bảo đảm bằng pháp luật. Tư tưởng nhân văn cách mạng, xét đến cùng, là phấn đấu cho độc lập, tự do, hạnh phúc, công bằng, dân chủ của con người, dân tộc và nhân loại. Nói cách khác, tất cả vì con người, do con người.
           Vận dụng tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh Covid -19 diễn biến ngày càng phức tạp, bùng phát mạnh ở nhiều nước, khu vực trên thế giới, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đời sống của nhân dân ở nhiều quốc gia. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn dân trong phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid -19; các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, chiến sĩ lực lượng vũ trang từ Trung ương tới địa phương…đã thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch được truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ, đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh những thông tin sai sự thật. Nhân dân ta đã thể hiện sự bình tĩnh, chủ động cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn.
        Trước khó khăn, thách thức của đại dịch Covid -19 nhiều nước trên thế giới đã bộc lộ rõ những hạn chế trong cách thức quản lý cũng như khống chế dịch bệnh, nhiều nước phát triển cũng gặp phải khủng hoảng sâu rộng trong đại dịch này. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta các tiềm lực về kinh tế, y tế, khoa học công nghệ… còn chưa phát triển so với các nước khác nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh lại thực hiện rất tốt, chúng ta không có sự phân biệt đối xử và không có ai bị bỏ lại phía sau. Điều này được thể hiện rõ nét, đó là những chuyến bay xuyên qua vùng dịch để đưa những người dân Việt Nam đang lao động, học tập ở nước ngoài trở về quê hương để tránh dịch bệnh.
        Với các chính sách đúng đắn, đầy nhân văn của Đảng, Nhà nước vừa qua trong phòng, chống dịch Covid-19 nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng khắp của người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ… đã tự nguyện đóng góp, ủng hộ, trao tặng hàng trăm tỷ đồng, nhiều thiết bị y tế phục vụ điều trị, cách ly phòng, chống dịch, chăm sóc y tế cho cộng đồng.
      Tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch chính là đội ngũ y bác sĩ, những "thiên thần áo trắng" trong bộ đồ bảo hộ “kín mít”, nhìn và đối thoại với đồng nghiệp qua ánh mắt, cử chỉ, hành động; tạm gác lại tình thân và những giây phút quây quần bên gia đình để “trực chiến”, tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Các cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị trong toàn quân không chỉ sẵn sàng nhường nhà, nhường giường để nhân dân có chỗ ở trong thời gian cách ly theo quy định, mà còn thức khuya, dậy sớm lo từng suất ăn; theo dõi chặt chẽ, kỹ lưỡng tình hình sức khỏe. Trong suốt nhiều ngày qua đã có biết bao tin, bài, ảnh được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi về phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Chính từ những tấm gương sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ bằng những việc làm, hành động bình dị đã lan tỏa tình yêu Tổ quốc, làm lay động hàng chục triệu trái tim…, dù sẽ còn phải chịu nhiều gian khó, vất vả vì điều kiện sinh hoạt, công tác bất thường của thời tiết, song cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất: Tất cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân!
       Cùng với đó là những công dân tình nguyện đã tham gia phòng, chống đại dịch, đi đầu là những cán bộ, nhân viên ngành y tế, sinh viên, học sinh các trường y, kể cả người trong ngành y đã nghỉ hưu trên cả nước. Ngoài ra, còn biết bao người, những tấm gương ở mọi giới, người già, người trẻ trên khắp mọi miền của đất nước đã và đang thầm lặng tham gia hỗ trợ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, địa phương và các ban, ngành cùng phòng, chống dịch bệnh... Tấm lòng “máu chảy ruột mềm”, nghĩa cử “đồng bào”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” đang cuồn cuộn chảy trong “dòng máu Lạc Hồng”. Tính nhân văn của con người Việt Nam còn được thể hiện rõ qua truyền thống “ lá lành đùm lá rách”, “ một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những cây ATM gạo, các siêu thị o đồng, những hình thức phát quà từ thiện xuất hiện trên khắp các tỉnh, thành của cả nước, mọi người đều chung tay, chung sức, đồng lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn để cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
       Cùng với tinh thần yêu nước, đoàn kết, người Việt Nam còn thể hiện cách ứng xử nhân văn, nhân ái, đầy tình người với bạn bè và du khách quốc tế. Bạn bè và du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch, công tác bị mắc Covid -19 đều được đội ngũ y, bác sĩ, chuyên gia y tế điều trị tận tình, chu đáo. Các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 mà Việt Nam đã, đang thực hiện được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, có lẽ không chỉ ở hiệu quả mà còn ở cách ứng xử thân thiện, văn minh, hết mình với công dân các quốc gia khác. Người nước ngoài đến từ vùng có dịch, tiếp xúc, có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc dương tính với Covid -19 được chăm sóc, ứng xử như công dân Việt Nam dù dịch bệnh đã tác động không nhỏ tới kinh tế - xã hội của nước ta. Tại các địa phương, du khách nước ngoài được vận động đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch rửa tay khô, thậm chí được phát khẩu trang miễn phí...
      Trên cơ sở tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người dân Việt Nam đang được Đảng, Nhà nước định hướng, khơi dậy, lan tỏa và phát huy lòng yêu thương con người, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Chỉ có con người Việt Nam mới có tính ưu việt, mang đậm giá trị nhân văn cao cả và có sức mạnh to lớn đến như vậy. Đây là minh chứng thuyết phục nhất bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam và bác bỏ luận điệu “ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam” ./.
Tài liệu tham khảo:
  1. GS,TS. Lê Hữu Nghĩa. Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản lao động Hà Nội- 2000
  2. Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (dùng trong các trường đại học, cao đẳng). Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội – 2005.

Tác giả bài viết: Trần Thị Quỳnh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay7,851
  • Tháng hiện tại184,431
  • Tổng lượt truy cập7,360,398
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây