HỌC TẬP PHONG CÁCH TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG CỦA HỒ CHÍ MINH

Thứ hai - 05/10/2020 21:58 6.603 0
       Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc và đề cao vai trò của quần chúng nhân dân.
       Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc vận động quần chúng nhân dân, tập hợp họ, hướng dẫn họ ra đấu tranh cách mạng không những là mục đích mà còn là nhiệm vụ cốt yếu hàng đầu, giữ vai trò quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Với lý do này, trong tác phẩm Dân vận, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 15-10-1949 dưới bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949, Người khẳng định “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” và hơn thế nữa, Người còn là tấm gương tuyệt vời về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.
       Trong điều kiện dân tộc chịu sự thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, người dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đại đa số là mù chữ. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc quần chúng nhân dân là người sáng tạo nên các giá trị văn hóa truyền thống nên đối với Người việc vận dụng kho tàng này là một công cụ, một phương pháp vô cùng quan trọng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân.
       Từ đây, với sự thấm đẫm những giá trị tinh hoa của văn hóa văn hóa Việt Nam. Hồ Chí Minh đã luôn sử dụng nhuần nhuyễn kho tàng ca dao, tục ngữ và các tác phẩm văn học lớn của dân tộc khi truyền đạt những những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ. Cụ thể như, Người đã rất khéo sử dụng Truyện Kiều, một kiệt tác trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Trong thực tế, với Truyện Kiều, các cung bậc tình cảm của tâm hồn Việt đã được Nguyễn Du chuyển tải hết sức tài tình. Hồ Chí Minh đã vận dụng Truyện Kiêu khi viết văn, làm thơ, khi nói chuyện với quần chúng nhân dân. Điều này làm cho các tác phẩm Người đã trong sáng, dễ hiểu, càng mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam và do đó càng có sức lôi cuốn, sức cảm hóa mạnh mẽ. Ví dụ, như câu “Trên vì nước, dưới vì nhà. Một là đắc hiếu, hai là đắc trung” của Truyện Kiều thì khi giới thiệu 10 chính sách của Việt Minh năm 1941 Người viết: “Có mười chính sách bày ra. Một là ích nước, hai là lợi dân”…
       Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên vận dụng kho tàng, ngôn ngữ, ca dao, tục ngữ của dân tộc trong các bài viết và bài nói. Đó là các bài thơ vận động cách mạng những năm 40 của thế kỷ trước như Lịch sử Việt Nam, Bài ca sợi chỉ, Con cáo và tổ ong …
       Người cũng sử dụng, đưa vào trong bài viết, bài nói của mình tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng đã được cải biên theo những nội dung mới của cách mạng Việt Nam. Đó là việc Người khen tặng Quân đội nhân dân dân Việt Nam “Trung với Đảng, Trung với nước, Hiếu với Dân...” mà lời khen tặng này lại có gốc từ khái niệm Trung – Hiếu của Nho giáo nhưng nội dung đã có sự thay đổi về chất. Hoặc đó là việc Người lấy những thành tựu của Cách mạng Tư sản Pháp, cách mạng Tư sản Mỹ để làm câu mở đầu cho bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 02/9/1945 khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.
       Hồ Chí Minh đã sử dụng rất nhiều ngôn ngữ, thể loại báo chí, văn học để truyền bá tư tưởng cách mạng và đấu tranh chống đế quốc, thực dân phong kiến. Tuy nhiên, tùy đối tượng, thể loại Bác đều có cách viết và nói phù hợp: đanh thép, lý luận thâm thúy, giản dị, phổ thông,... Khi viết, nói chuyện với quần chúng nhân dân, Bác luôn sử dụng từ ngữ thông dụng và lời nói mộc mạc, trung thực, gần gũi, dễ hiểu, đặt đúng nơi, đúng chỗ nên có sức thuyết phục cao, đi vào lòng người. Bác căn dặn: “Làm sao cho được 50 người hiểu rõ còn hơn là được 500 người chỉ hiểu lờ mờ[1].
       Chính phong cách tuyên truyền, vận động, giáo dục gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu của Bác đã góp phần quan trọng trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng cuộc sống; vận động, tập hợp, tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố cơ bản để giành thắng lợi trong đấu tranh giải phóng dân tộc. 
        Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, một lần nữa vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta nhấn mạnh, coi đó nhân tố cơ bản quyết định sức mạnh để đất nước tranh thủ thời cơ, vượt qua nguy cơ, thách thức. Trước đòi hỏi đó, công tác vận động quần chúng đang đứng trước những yêu cầu mới hết sức nặng nề.
          Học tập phong cách tuyên truyền, vận động quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn hiện nay:
       Thứ nhất, mỗi đảng viên cần nghiêm túc học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng của Người, đặc biệt là phong cách tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng nhân dân. Đồng thời cụ thể hóa gắn với công việc chuyên môn của mình.
        Thứ hai, người thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục phải xác định rõ mục đích và đối tượng vận động.
       Mục đích của công tác vận động quần chúng là nhằm biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những tri thức khoa học thành niềm tin, thành hành động cụ thể, xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, làm cho cuộc sống mỗi người ngày càng tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, người thực hiện công tác tuyên truyền phải nắm vững tâm lý của đối tượng được tuyên truyền. Tức là, người tuyên truyền phải xác định rõ đối tượng mình muốn truyên truyền, giáo dục là ai?, họ có nhu cầu gì?, tâm tư, nguyện vọng của họ như thế nào?, đời sống vật chất, tinh thần của họ hiện tại ra sao?….
       Thứ ba, người thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục phải lựa chọn hình thức, phương pháp và cách thức tuyên truyền, tác động đến đối tượng phải thật hấp dẫn, dễ tiếp nhận.
Nội dung dù phong phú, sâu sắc đến mấy, nhưng người nghe không thể hiểu, không thể nhớ, không thể áp dụng được, không tạo được dấu ấn thì không thể nói nội dung tuyên truyền đó là hay và có chất lượng.
      Người tuyên truyền, vận động, giáo dục phải hoạch định cụ thể nội dung, lựa chọn thời gian, địa điểm và cách thức, phương tiện tuyên truyền cho phù hợp với nhận thức, điều kiện của người được tuyên truyền, để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo.
        Phong cách vận động quần chúng nhân dân của Hồ Chí Minh không hàn lâm mà luôn gần gũi, giản dị, sâu sắc, thấm đẫm văn hóa truyền thống. Điều này chỉ có thể xuất phát từ việc hiểu dân, tin dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì lợi ích của nhân dân, để từ đó mà vận động, mà giúp đỡ quần chúng nhân dân nhận thức, hăng hái hơn trong việc thực thi các nhiệm vụ gian khổ, vẻ vang được cách mạng giao phó./.
 
 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 2000, t. 4, 64.

Tác giả bài viết: Vũ Minh Thanh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay2,364
  • Tháng hiện tại100,004
  • Tổng lượt truy cập8,403,731
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây