Học tập và làm theo phong cách “nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ sáu - 07/08/2020 12:14 6.128 0
Theo Hồ Chí Minh, về bản chất, “nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, là lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người.
        1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm
        Tư tưởng Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm có thể khái quát ở 3 nội dung cơ bản sau:
       Một là, khi nói thì phải nói đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối không được xuyên tạc, nói sai. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm theo cho đúng. Bên cạnh đó, phải rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng để có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, cho dù trải qua những khó khăn phức tạp, trước những cám dỗ của đồng tiền, danh vọng nhưng vẫn một lòng, một dạ trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng xã hội tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
         Hai là, nói đi đôi với làm nghĩa là không được “nói một đàng làm một nẻo”. Theo Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với việc làm sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu, do vậy, khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, không nói suông. Cán bộ phải nói đi đôi với làm, nghĩa là nói thế nào thì làm thế ấy, không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Sẽ không thể có hiệu quả, nếu chính mình tham ô, lãng phí mà bảo người khác phải liêm khiết, tiết kiệm. Nếu nói rằng phải cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, mà bản thân lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và nhân dân; sống xa hoa, lãng phí trong khi cuộc sống của đại đa số nhân dân còn nhiều thiếu thốn,... thì những lời nói đó sẽ trở nên vô nghĩa.
        Ba là, nói đi đôi với làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh nghĩa là không được hứa mà không làm. Hồ Chí Minh cho rằng, với trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao, không phải những gì cán bộ nói là quần chúng sẽ tin và làm theo mà họ chỉ tin khi thấy việc cán bộ làm. “Làm” ở đây chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện; đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”[1]. Cán bộ, đảng viên là phải “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Cán bộ, đảng viên phải xem lời hứa trước dân là danh dự, nhân cách, phẩm chất của mình. Vì vậy, tuyệt đối không được nói suông, hứa suông nhưng không thực hiện, để rồi làm mất lòng tin của nhân dân đối với mình và đối với Đảng.
           2. Cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị học tập và làm theo phong cách “nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
          Tích cực học tập và làm theo phong cách “nói đi đôi với làm” của Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị phải nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị, nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, học viên phải chủ động nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ những nội dung cơ bản, cốt lõi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ khi đã nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì mới có thể truyền đạt lại cho học viên một cách đúng nhất nội dung, tinh thần; không nói sai, không xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật ấy. Và khi ấy, mỗi học viên sẽ là những người cán bộ thực sự là đày tớ của nhân dân khi hiểu đúng, làm đúng, tuyên truyền đúng cho nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và tăng cường khối đoàn kết, thống nhất, gắn bó giữa Đảng với nhân dân.
                Bên cạnh đó, để chống việc nói một đàng làm một nẻo, mỗi cán bộ, đảng viên, học viên cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình; mỗi tập thể khoa, phòng phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân. Khi lãnh đạo khoa, phòng giao nhiệm vụ cần thật cụ thể, chi tiết, không chung chung, đại khái, ai hiểu thế nào cũng được, như vậy rất khó thực hiện hoặc thực hiện nhưng kết quả không đạt yêu cầu. Mỗi công việc đều phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, lộ trình, tiến độ, khối lượng và chất lượng. Mỗi cá nhân đều phải xây dựng phương pháp làm việc khoa học, có kế hoạch rõ ràng để thực hiện đạt hiệu quả công việc được giao. Khi giao việc cho chuyên viên, giảng viên, nhân viên, lãnh đạo khoa, phòng phải làm gương trước; muốn cấp dưới nghe theo, làm theo thì bản thân mình phải làm trước. Đồng thời, với việc giao nhiệm vụ, cần phải đi sâu đi sát, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, động viên, khích lệ cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tránh tư tưởng, lối làm việc quan liêu, giao việc xong để mặc cho cấp dưới thực hiện.
              Mỗi cán bộ, đảng viên, học viên khi viết bản kiểm điểm cuối năm đều chỉ ra những ưu điểm để phát huy, những hạn chế và nguyên nhân rồi tìm cách khắc phục để năm sau tốt hơn, tránh mắc những lỗi, những hạn chế. Đây được xem là những lời hứa của cán bộ, đảng viên, học viên trước chi bộ, tổ chức và với lòng mình. Song, không phải cán bộ, đảng viên, học viên nào cũng có thể thực hiện đầy đủ và có hiệu quả lời hứa ấy. Để tránh việc hứa mà không làm, mỗi cán bộ lãnh đạo phải làm gương cho nhân viên, chuyên viên, giảng viên; cấp trên làm gương cho cấp dưới; cán bộ, đảng viên làm gương cho quần chúng trong việc thực hiện lời hứa; mỗi thầy, cô giáo làm gương cho học viên; học viên giữ vai trò là cấp ủy chi bộ, ban cán sự lớp làm gương cho học viên trong lớp. Mỗi phòng, khoa, ban cán sự lớp cần xây dựng quy chế giám sát việc thực hiện lời hứa, có thể là cấp dưới giám sát cấp trên; nhân viên, chuyên viên, giảng viên giám sát lãnh đạo; quần chúng giám sát đảng viên; học viên trong tổ, trong lớp giám sát lẫn nhau. Việc thực hiện lời hứa có thể được xem là một trong những tiêu chí để đề xuất cộng điểm cho cá nhân trong bình xét thi đua, xét điểm rèn luyện trong học tập của học viên và là thước đo về sự tiến bộ của mỗi cá nhân.
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, H. 2011, tr. 233-234.

Tác giả bài viết: Nguyễn Khuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay7,479
  • Tháng hiện tại83,123
  • Tổng lượt truy cập8,610,187
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây