Từ lúc sinh ra và lớn lên Người đã sống trong cảnh nước mất nhà tan, và chứng kiến nỗi nhục mất nước của đồng bào ta và những phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân ta đều bị đàn áp đẫm máu, từ đó Người đã sớm có ý chí đuổi thực dân, đánh phong kiến giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Với ý chí và quyết tâm mãnh liệt đó, vào ngày 05/6/1911 với tên gọi Nguyễn Văn Ba, Người đã ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Latusơ Tơrêvin rời bến Nhà Rồng đến nước Pháp.
Từ năm 1912 - 1917, dưới cái tên Nguyễn Tất Thành, Người đã đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hoà mình với nhân dân lao động. Qua thực tiễn, Người cảm thông sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Người sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới và tích cực hoạt động nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người đã gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới.
Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Tua, bằng quyết định sáng suốt về mặt tổ chức là bỏ phiếu ủng hộ Quốc tế cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Sự kiện đó đánh dấu sự chuyển biến sâu sắc trong tư tưởng của Người từ chủ nghĩa yêu nước trở thành chủ nghĩa cộng sản, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1.
Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các dân tộc thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Tháng 4/1922, Hội xuất bản báo “Người cùng khổ” (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã được đưa vào tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản tại Paris năm 1925. Đây là một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, góp phần thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng dân tộc.
Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Tháng 10/1923, tại Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân và là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng. Tiếp đó tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Tại các đại hội, Nguyễn Ái Quốc kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc.
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng, ra tuần báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện được tập hợp in thành sách “Đường Kách mệnh” - một văn kiện lý luận quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.
Như vậy, giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam đang bế tắc về đường lối và tổ chức lãnh đạo, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cách mạng vô sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/02/1930). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước liên minh công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Vào ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập và trịnh trọng tuyên bố trước đồng bào quốc dân và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước
Việt Nam dân chủ cộng hòa. (nguồn tuyengiao.vn)
Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của ta đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng xây dựng đường lối “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, lãnh đạo nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước, khí phách anh hùng, đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, ánh sáng chân lý của thời đại, tấm lòng của Người luôn hướng về nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng, cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường, trong sáng, suốt đời chiến đấu cho hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc và tiến bộ xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mãi với non sông đất nước, để lại cho các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Thời đại Hồ Chí Minh và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những Tư tưởng của Người được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.9, tr.314, 581.
2. Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2016.
3. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005.