Thực hành dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ hai - 21/09/2020 10:07 6.039 0
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Dân chủ” nói một cách đơn giản là dân làm chủ nước nhà. Đây là cách nhìn rất thấu đáo, dân là chủ và nhân dân làm chủ, cả về cá nhân lẫn tập thể.
Đây là quan niệm chính thức, ngắn gọn nhất phản ánh đúng nội dung, bản chất của dân chủ. Theo Bác, dân chủ vừa là mục đích, vừa là động lực, chìa khoá của sự phát triển, là “của báu” vì đó là lý tưởng, là ước vọng của toàn thể nhân dân ta về một xã hội tốt đẹp trong tương lai. Thực hành dân chủ sẽ huy động và sử dụng được tối đa quyền hạn, lực lượng của toàn dân để thực hiện những nhiệm vụ cách mạng vì lợi ích của nhân dân.
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao niêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1]
Trong bản “tuyên ngôn Độc lập” được chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 02/9/1945 tại quảng trường Ba Đình đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm đô hộ Việt Nam trước sự chứng kiến của hàng trăm nghìn người. Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án chế độ thực dân: Tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Cách nhìn về dân chủ của chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự ảnh hưởng của các lý tưởng gắn liền với hai cuộc cách mạng tư sản Pháp và Mỹ, như đã được phản ánh qua sự trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ trong bản tuyên ngôn của Việt Nam.
Quan điểm về dân chủ trong tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh không hoàn toàn như khái niệm tự do, dân chủ của phương Tây. Quan điểm căn bản về dân chủ của chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp của nhiều hệ thống chính trị, theo triết lý “Lấy dân làm gốc” và chủ nghĩa nhân văn đạo đức, được áp dụng một cách phù hợp với bối cảnh cụ thể ở Việt Nam.
Để đem lại các quyền dân chủ cho nhân dân thì việc quan trọng trước hết là phải giành lại độc lập dân tộc và thành lập một chính phủ đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết
Thực hành dân chủ phải đi đôi với chống lại những yếu tố phi dân chủ, chống lại thói cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo và những tệ nạn như tham ô, quan liêu, lãng phí, đó là kẻ thù của nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: "chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ" và để chữa căn bệnh đó, phương thuốc không gì khác hơn là thực hành dân chủ. Mặt khác, để thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phải loại trừ ngay những kẻ quan liêu hoá, thoái hóa, những kẻ "miệng nói dân chủ nhưng làm việc theo lối chủ quan". Người nói: "pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì"[2].
Nhưng dân chủ cũng phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật. Kỷ luật chính là phương tiện để bảo vệ nền dân chủ, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Xã hội dân chủ là một xã hội có trật tự, kỷ cương, không phải là tự do muốn làm gì thì làm, không phải là vô chính phủ. Hồ Chí Minh khẳng định: phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Theo Người, không có sự thoả hiệp, lơi lỏng kỷ luật, kỷ cương dưới bất cứ danh nghĩa dân chủ nào. 
Trong thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải có sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho quá trình thực hiện dân chủ được đúng hướng nhưng cũng phải loại bỏ tình trạng độc đoán chuyên quyền hoặc vì "sợ" mất dân chủ mà theo đuôi quần chúng, hoặc dân chủ quá trớn. Hồ Chí Minh nói: việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với quần chúng nhưng cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được theo đuôi quần chúng vì "dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu", không phải dân chúng nói gì ta cũng nhắm mắt nghe theo mà nên chọn ý kiến đúng. Do đó, dân chủ phải có tập trung, phải có lãnh đạo và đó là quá trình điều chỉnh tất yếu làm cho việc thực hành dân chủ được đúng hướng.
Quan điểm và chỉ đạo thực tiễn trên của Hồ Chí Minh cho thấy, Người không chỉ phát huy tác dụng của thực hành dân chủ mà còn làm cho nó trở thành phong trào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; sử dụng quyền hành, lực lượng và phát huy trí tuệ của đảng viên, nhân dân để đạt được mục tiêu ai cũng được hưởng quyền tự do, dân chủ. Nhờ thực hành dân chủ mà việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng được tổ chức thành phong trào nhân dân rộng rãi, đưa cán bộ, đảng viên và Nhân dân trở thành chủ thể tự giác tham gia vào các hoạt động của Đảng.
Kế thừa, tiếp nối tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ đó nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”[3] . Việc thực hành dân chủ đã và đang tạo động lực thúc đẩy, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thu hút Nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà nước, của các cấp chính quyền; khắc phục tệ nạn quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, xa rời quần chúng nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đóng góp tích cực vào việc cải cách hành chính; góp phần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mất thiết giữa Đảng và Nhân dân; đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đánh giá, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy tốt hơn trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, tôn trọng các ý kiến khác nhau của Nhân dân.
Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng, trong thời gian tới, cấp ủy các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về yêu cầu, bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục kiểm điểm nghiêm túc việc thực hiện nguyên tắc này một cách toàn diện, sâu sắc theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, góp phần thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên, phải là tấm gương về thực hành dân chủ trong xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng nói chung, nghị quyết, chương trình hành động, cơ quan đơn vị. Kiên quyết xử lý đúng pháp luật, kịp thời công khai những đơn vị, cá nhân tham nhũng đồng thời bảo vệ những người dân đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực, thường xuyên lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên nơi cư trú. Có như vậy thì mới thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng một nước Việt Nam: Độc lập dân tộc, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
 
[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000,  tr. 698.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 416.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t36, tr.232.
 

Tác giả bài viết: Phạm Xuân Quyền

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay5,214
  • Tháng hiện tại72,864
  • Tổng lượt truy cập8,599,928
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây