Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu thực tế của giảng viên ở Trường Chính trị tỉnh, thành phố.

Thứ hai - 13/06/2022 08:58 653 0
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên báo Cứu quốc số 968, ngày 24/6/1948
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu thực tế của giảng viên ở Trường Chính trị tỉnh, thành phố.
     
        Thứ nhất, sơ lược sự ra đời và giá trị của lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh 
       Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc đó là độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta được đổi đời từ thân phận nô lệ lên thân phận làm chủ xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Tuy nhiên thực dân Pháp cho dù bị thua trận nhưng vẫn nuôi ý đồ xâm lược nước ta một lần nữa. 
Trong hoàn cảnh vừa giành lại nền độc lập dân tộc, chính quyền cách mạng nước ta còn hết sức non trẻ, cùng một lúc cách mạng nước ta phải đối mặt với ba loại giặc là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, 20 vạn quân Tưởng, 16 vạn quân Pháp và trên 16 vạn quân Anh hoành hành, trên 50% ruộng đất bị bỏ hoang, 02 triệu đồng bào bị chết đói, ngân khố quốc gia hầu như trống rỗng với mấy trăm ngàn đồng trong đó có mấy chục đồng rách. Lúc này vận mệnh nước ta đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ cội nguồn sức mạnh của dân tộc và ý thức về sự khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết trên cơ sở động viên, cổ vũ, công tác dân vận phải được tiến hành để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách của cách mạng nước ta; để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, chống lại ba loại giặc và cải thiện đời sống nhân dân.
    Từ sau chiến thắng Việt Bắc 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, công việc bộn bề, khó khăn, gian khổ chồng chất vừa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở giai đoạn quyết liệt, vừa xây dựng, củng cố chính quyền, để động viên đồng bào, chiến sỹ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn, tự quyết dân tộc nhằm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, mà trước mắt là chiến thắng giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: "mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công".
     Tiếp theo ngày 1.5.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc thi đua yêu nước, toàn văn như sau:
"Cùng toàn thể đồng bào yêu quý, nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn độc lập, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất. Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công".
Để triển khai một cách sâu rộng Chỉ thị của Trung ương Đảng về phong trào thi đua ái quốc và chuẩn bị ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên báo Cứu quốc số 968, ngày 24/6/1948 như sau:
"Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân. Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho nhiều.
Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, thực hiện một khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Trong thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
     Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là: Toàn dân đủ ăn đủ mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. 
Thế là chúng ta thực hiện: Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra. Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin: Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, đồng bào công nông thi đua sản xuất, đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,
nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân, bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
    Như vậy, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi. Hỡi toàn thể đồng bào, hỡi toàn thể chiến sỹ, tiến lên!" [1] 
    Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút, tập hợp, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn, tự quyết, vượt qua mọi trở lực, thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng nước ta trong thời điểm phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ, thử thách và hy sinh. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến thành sức mạnh vô địch đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa thời đại. Kế thừa và phát huy giá trị cao đẹp và sức mạnh dân tộc từ lời kêu thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng, như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 19/CT-TW, ngày 22/12/2007, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23/01/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg Về việc “ lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước”[ 2]. Hiện nay, nước ta đang thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế,  nước ta đang chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế và xã hội số, đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh quyết định sự phát triển của một quốc gia. Trước những yêu cầu mới của đất nước, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn cần vận dụng sáng tạo trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân.
     Thứ hai, vận dụng tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác giảng dạy, nghiên cứu thực tế của giảng viên trường chính trị.
     Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước là một trong những biện pháp của cuộc cách mạng, có ý nghĩa to lớn, thi đua để khơi dậy tiềm năng, sự đóng góp, sức sáng tạo của nhân dân, cải tạo con người trên cơ sở phát huy tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân hướng tới thực hiện cùng một nhu cầu, lợi ích chung đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để cùng hoàn thành những nhiệm vụ chung, thực hiện thắng lợi một mục tiêu, sách lược, chiến lược của cách mạng để vươn tới tự do, ấm no, hạnh phúc. Thi đua để mỗi người làm việc tốt hơn, nhiều hơn và thiết thực hơn. Theo Hồ Chí Minh: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. Thi đua phải gắn liền với khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. 
     * Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vào công tác giảng dạy mỗi giảng viên cần: 
Phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác soạn giảng, đầu tư nhiều thời gian, công sức, cập nhật thông tin, kiến thức, kinh nghiệm và vận dụng công nghệ mới, phương pháp mới  để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy qua từng lớp, từng bài, từng tiết giảng và từng phần giảng, cần liên tục rút kinh nghiệm để lần sau, lớp sau giảng dạy tốt hơn lần trước. Đồng thời tự xây dựng cho mình, rèn luyện mình về hình ảnh, phẩm chất của một giảng viên, gương mẫu, trách nhiệm, yêu nghề, khiêm tốn và không ngừng học hỏi từ sách vở, từ trường lớp, từ nhân dân và trong thực tiễn để nâng cao trình độ hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là các chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến chuyên môn của giảng viên. Để đảm bảo chuyển tải tốt nhất nội dung các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho học viên và nhân dân. Có tinh thần chia sẻ với đồng nghiệp, trao đổi với học viên, giúp đỡ đồng nghiệp và học viên để liên tục duy trì  phong trào thi đua dạy tốt học tốt.
      * Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vào công tác nghiên cứu thực tế giảng viên cần:
 Chủ động theo dõi, bám sát mục địch, nội dung, yêu cầu, thời gian trong Kế hoạch chung của Trường Chính trị về tổ chức các lớp trung cấp chính trị đi nghiên cứu thực tế. Nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm từ cách thức tổ chức đi thực tế ở các lớp đi trước để xây dựng kế hoạch cho lớp học mà giảng viên có trách nhiệm tổ chức, quản lý việc nghiên cứu thực tế. Từ đó, làm báo cáo, đề xuất Phòng quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức đi tiền trạm, chủ động liên hệ và phối hợp liên hệ với lãnh đạo địa phương nơi đến để xây dựng Kế hoạch chi tiết đi thực tế và  trình Ban Giám hiệu phê duyệt, khi được sự đồng ý, có quyết định chính thức, giảng viên cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm giúp đỡ học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu thực tế, thu thập thông tin, lựa chọn chủ đề, hướng dẫn tận tình, chu đáo cách viết một bài thu hoạch. Đồng thời, giảng viên cần có ít nhất một sản phẩm nghiên cứu thực tế trong hành trình chuyến đi  cùng với lớp, có ý kiến đóng góp có giá trị cho địa phương. Đồng thời giảng viên và học viên có thể để lại một công trình mang ý nghĩa thiết thực về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho địa phương, củng cố, tăng cường thêm sự hiểu biết, chia sẻ và lưu lại kỷ niệm đẹp sau chuyến đi thực tế./.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo Cứu quốc số 968, ngày 24/6/1948
2. Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg Về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
 

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay16,120
  • Tháng hiện tại232,407
  • Tổng lượt truy cập7,610,156
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây