VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG BÀI BÁO DÂN VẬN NHẰM XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ DÂN VẬN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Nguyễn Minh Huệ
2023-11-05T22:18:16-05:00
2023-11-05T22:18:16-05:00
https://truongchinhtri.edu.vn/home/hoc-tap-va-lam-theo-loi-bac/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-trong-bai-bao-dan-van-nham-xay-dung-doi-ngu-can-bo-dan-van-dap-ung-yeu-cau-trong-giai-doan-hien-nay-2037.html
/home/themes/egov/images/no_image.gif
Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
https://truongchinhtri.edu.vn/home/uploads/lg.png
Công tác dân vận có vai trò rất quan trọng, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, là một nội dung không thể thiếu trong công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1] . Lời dạy của Bác về dân vận, đặc biệt trong bài báo Dân vận, yêu cầu Đảng ta, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, cán bộ làm công tác dân vận luôn ghi nhớ, thấm nhuần và hoàn thành tốt chủ trương dân dận khéo.
Đảng ta luôn nhận thức và đề cao vai trò của công tác dân vận, rất chú trọng, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Vì vậy, việc nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong bài báo Dân vận là quan trọng và cấn thiết nhất đối với cán bộ làm công tác dân vận.
Dân vận là bài báo được đăng trên báo Sự Thật, số 120 ngày 15 tháng 10 năm 1949 với bút danh X.Y.Z với dung lượng ít, chỉ với 610 từ nhưng đã khái quát đầy đủ cả những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của Nhân dân và công tác vận động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong tác phẩm, Người đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác dân vận “Vấn đề Dân vận đã nói nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Đồng thời, Người khẳng định dân là gốc của nước, dân là chủ thể.
Người viết “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ” nhằm khẳng định bản chất của chế độ Nhà nước ta, là một nước dân chủ. Nhân dân là chủ, là chủ thể, với lợi ích cốt lõi của dân chủ là lợi ích và quyền hạn của dân.
Người nêu lên khái niệm công tác dân vận: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”… xác định chủ thể công tác dân vận là cả hệ thống chính trị. Đồng thời, Người nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền làm công tác dân vận, điều đó có ý nghĩa là cán bộ chính quyền đều phải làm công tác dân vận. Đối tượng công tác dân vận là tất cả Nhân dân.
Về nội dung công tác dân vận: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 4 việc chính khi làm dân vận:
Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tính, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.
Trước hết phải tìm mọi cách để giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng, những việc đó là có lợi ích cho Nhân dân, chỉ ra nhiệm vụ của Nhân dân và phải hăng hái làm cho kỳ được.
Thứ hai, bất cứ việc gì cũng phải hỏi dân, bàn bạc, lấy kinh nghiệm từ Nhân dân và cùng Nhân dân đặt ra kế hoạch và thi hành.
Thứ ba, trong lúc thi hành phải có sự đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích dân.
Thứ tư, khi xong phải kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
Về phương pháp công tác dân vận: Người yêu cầu phải khắc phục tư tưởng coi nhẹ công tác dân vận: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”. Những lời dạy Bác rất có ý nghĩa đối với cán bộ dân vận phải luôn coi trọng, có trách nhiệm với công tác dân vận, không được xem nhẹ công tác dân vận.
Đồng thời phải luôn sâu sát, nói đi đôi với làm, chống bệnh quan liêu: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Đối với cán bộ dân vận luôn vận dụng, ghi nhớ phương pháp dân vận trong quá trình làm công tác dân vận, linh hoạt sử dụng các giác quan. Cán bộ làm công tác dân vận phải khéo. Nghĩa là cán bộ dân vận vừa có phương pháp, vừa có nghệ thuật khi làm công tác dân vận.
Kết thúc bài báo Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vai trò của dân, của công tác dân vận: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Người khẳng định chân lý của công tác dân vận, do đó cả hệ thống chính trị cần ghi nhớ và thấm nhuần lời dạy của Bác, đặc biệt đối với cán bộ dân vận. Cụ thể cán bộ dân vận phải có “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; thực hiện dân vận khéo.
Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế sâu rộng; yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng; phát triển triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… Vì vậy, cán bộ dân vận cần phải học tập, rèn luyện, là người vừa hồng, vừa chuyên, là một cán bộ dân vận khéo. Để làm tốt nhiệm vụ trên, cán bộ dân vận cần thực hiện tốt một số công việc sau:
Một là, cán bộ dân vận cần nhận thức về vai trò của công tác dân vận, vai trò của cán bộ dân vận và có trách nhiệm trong thực hiện công tác dân vận. Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ làm công tác dân vận cấp ủy các cấp cần đưa nội dung, quy định về công tác dân vận trong sinh hoạt chi bộ để quán triệt đến toàn thể đảng viên. Đồng thời, cấp ủy các cấp tổ chức quán triệt có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, quy định, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; quy định rõ trách nhiệm của đảng viên trong việc thực hiện công tác dân vận.
Hai là, người cán bộ dân vận phải luôn đặt “óc nghĩ” lên hàng đầu, luôn nhìn cho kỹ mọi việc để làm công tác dân vận đạt hiệu quả cao nhất. Dân vận vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật, vừa phải dùng các phương pháp, vừa phải sử dụng nghệ thuật tuyên truyền, vận động. Vì vậy, người cán bộ dân vận phải suy nghĩ thấu đáo, tư duy lôgic, phải học hỏi, lắng nghe những ý kiến của Nhân dân thì mới giải quyết công việc, thực hiện tốt công tác dân vận.
Ba là, rèn luyện nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị
Cán bộ dân vận không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, nắm chắc và vận dụng đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, vận động Nhân dân. Yêu cầu cán bộ dân vận phải nhanh nhạy, gần dân, thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Từ đó, cán bộ dân vận có những hình thức, phương pháp vận động phù hợp với từng đối tượng.
Bốn là, cán bộ dân vận có kỹ năng lắng nghe, giao tiếp, tuyên truyền, thuyết phục, thấu hiểu Nhân dân
Với nhiệm vụ là tuyên truyền, vận động, thuyết phục, người cán bộ dân vận cần lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đồng thời phản ánh với tổ chức có thẩm quyền về ý kiến của Nhân dân. Cán bộ dân vận phải có thái độ tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân.
Đồng thời, khi tuyên truyền phải luôn ghi nhớ là làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Phải bảo đảm tính đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật, có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn… Bảo đảm tính khoa học, tính trung thực, nội dung tuyên truyền phải gắn với cuộc sống thực tiễn của Nhân dân, gần gũi với cách nghĩ, cách nói, tư duy của Nhân dân.
Năm là, cán bọ dân vận luôn gương mẫu, thực hiện nói đi đôi với làm
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bằng hoạt động nêu gương của cán bộ dân vận sẽ làm cho dân tin tưởng đối với Đảng, với chính quyền, với cán bộ. Mọi hoạt động tuyên truyền, vận động được Nhân dân tin theo, làm theo, từ đó mọi công việc, các phong trào phát động Nhân dân đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, như vậy sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Hoạt động nêu gương của cán bộ dân vận trong mọi hành động, mọi công việc thực hiện lời nói đi đôi với làm, nêu gương về mặt đạo đức, lối sống, gương mẫu trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ghi nhớ lời dạy của Bác trong bài báo Dân vận, tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước luôn thực hiện tốt công tác dân vận. Mỗi đảng viên, giảng viên làm tốt công tác dân vận, thể hiện tuyên truyền, quán triệt, phổ biên đến Nhân dân, người lao động, học viên về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua các bài giảng trong chương trình trung cấp lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng, đặc biệt các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Thông qua các lớp trung cấp lý luận chính trị đi nghiên cứu thực tế tại các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới để nắm bắt, tình hình ở địa phương, thấu hiểu đời sống Nhân dân. Học viên đã vận dụng kiến thức được trang bị vào trong quá trình thực tiễn công tác, cụ thể có phương pháp, kỹ năng trong vận động, tuyên truyền, thực sự là người phục vụ Nhân dân, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận có phẩm chất, năng lực, uy tín, cán bộ dân vận phải “khéo” là một nội dung quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng công tác dân vận. Vì vậy, mỗi cán bộ dân vận cần hiểu, ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận. Cần rèn luyện, xứng đáng là cán bộ dân vận trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân. Từ đó, góp phần quan trọng tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, tăng thêm sức mạnh của Đảng.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.234
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.232.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.232.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.234
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.233-234
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.234.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.284.
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Huệ