Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Thứ năm - 23/06/2022 02:19 1.865 0
       Cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước cho dân hiểu và thực hiện. Đồng thời là người phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cho Đảng, cho Nhà nước để đề ra chính sách phù hợp. Vì vậy, Hồ Chí Minh khẳng định “cán bộ là gốc của mọi công việc,  huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” [1]. Vận dụng các nguyên lý của Hồ Chí Minh về giáo dục vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trường chính trị tỉnh Bình Phước là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường.
       Về mục tiêu giáo dục: Dạy và  học là nhằm mở mang dân trí, nâng cao kiến thức; bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho con người, đào tạo con người có ích cho xã hội.
Hồ Chí Minh quan tâm “trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, Người dạy rằng: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ” [2]. Chính vì “học để làm người” và để “làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” là một nhiệm vụ vinh quang nhưng không dễ dàng, đồng thời để tiến kịp thế giới và đáp ứng sự tiến bộ nhanh chóng của nhân dân, nên “việc học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ càng thấy mình cần phải học thêm”. Đối với người huấn luyện, Người chỉ rõ: “Người huấn luyện nào tự cho mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất” [3]. Tư tưởng “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời” của Hồ Chí Minh phù hợp với những luận điểm của Lênin: “Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Kế thừa, phát triển quan niệm này của Người, ngày nay chúng ta đã và đang xây dựng “ xã hội học tập” ; công dân phải học tập thường xuyên, học tập suôt đời.
        Về nội dung giáo dục: Phải phù hợp với thực tiễn. Giáo dục toàn diện là một quan điểm lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất. Trong văn hóa, mỗi con người cần có những hiểu biết nhất định về lịch sử, văn hóa và địa dư nước nhà, tức là phải thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại. Đồng thời mọi người phải học tiếng nước ngoài, để trang bị những kiến thức nhất định về văn hóa nhân loại rồi từng bước vươn lên làm chủ về khoa học, kỹ thuật. Trong nội dung giáo dục, Hồ Chí Minh đã đặt đạo đức lên hàng đầu. Ở các nước phương Đông, nhất là ở Việt Nam, đạo đức vốn là một sức mạnh to lớn. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay trường học đang trở về phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn” theo một tinh thần mới và một nội dung mới cao hơn để phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ cách mạng. Nhiều lần, Người đề cập tới việc dạy “đạo đức công dân”, một nội dung không phải là xa lạ, cao siêu khó thực hiện, mà nó nằm ngay bên trong và là nền tảng của đời sống hằng ngày. Đó là lòng yêu nước và những tình cảm tốt đẹp, trước hết là tình thương yêu người ruột thịt, thầy, cô giáo, bạn bè, đồng chí, yêu đồng bào, yêu Tổ quốc.
        Về phương châm giáo dục: Học phải đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn học nhiều, nhưng không học chỉ để biết, mà là vận dụng tri thức vào thực tiễn phong phú, đầy biến động của dân tộc và thời đại. Học là để làm cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc và làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Học là để cải tạo thế giới. “Tri để hành”. “Biết lý luận mà không thực hành cũng vô ích”. “Suốt đời phải gắn lý luận với công tác thực tế”. Hồ Chí Minh dạy rằng trăm bài tuyên truyền không bằng một việc làm cụ thể. Vấn đề là hiệu quả cuối cùng thông qua hành động và việc làm cụ thể. Hồ Chí Minh phê phán việc huấn luyện còn hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực chu đáo. Cái “thực” trong giáo dục mà Người mong muốn chính là “Học để sửa chữa tư tưởng; Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; Học để tin tưởng, Học để hành” [4] Những điều “thực” đó nằm trong tầm tư tưởng lớn và xuyên suốt của Người.
         Phương pháp giáo dục: Phải phù hợp với mục tiêu, cách dạy phải phù hợp với trình độ người học, phù hợp với lứa tuổi, dạy từ dễ đến khó, phải kết hợp các hình thức và phương pháp giáo dục phù hợp.
         Có thể nói, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, vào trình độ phát triền của nền giáo dục thế giới, cũng như sự trưởng thành của con người Việt Nam trong quá trình tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã đề xuất và thực thi một chương trình giáo dục, đào tạo mà nội dung của nó được thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Nội dung giáo dục này luôn  phải được điều chỉnh, bổ sung, mở rộng,  và ngày càng được nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn lực con người, phục vụ cho sự phát triển không ngừng của cách mạng Việt Nam.
       Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà trường cần chú ý những vấn đề sau.
        Một là, phải đổi mới chương trình, nội dung giáo dục vừa phù hợp với xu hướng tiến bộ của thời đại và đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
      Xuất phát từ yêu cầu nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.việc đổi mới nội dung chương trình phải luôn được cập nhật, mang tính thiết thực và hữu ích, phù hợp với mục tiêu đào tạo và yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội
Tính thực tiễn của nội dung giáo dục phải được tăng cường thường xuyên, làm cho kiến thức tiếp thu được ở trong nhà trường luôn luôn gắn liền với cuộc sống.
 Nội dung giáo dục cần chú ý thực hiện tốt giáo dục một cách toàn diện, song phải coi trọng hơn nữa về giáo dục mọi người thấm nhuần lý tưởng, đạo đức cách mạng, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nưóc….; kỹ năng lãnh đạo quản lý.
(Chương trình đào tạo hệ Trung cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần thường xuyên cập nhật các nội dung mới ..)
        Hai là, phải đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục lối truyền thụ một chiều, gợi mở tinh thần chủ động, rèn luyện nếp tư duy sáng tạo.
       Đổi mới phương pháp dạy học thực chất là khắc phục những hình thức dạy học một chiều, áp đặt. Vì vậy, trong quá trình dạy học giảng viên nêu vấn đề, phát huy tính tích cực, chủ động của người học để họ tự tìm tòi khám phá chiếm lĩnh tri thức. có thể sử dụng kết hợp các phương pháp dạy học truyền thống  và phương pháp dạy học hiện đại (thảo luận, đối thoại, làm việc nhóm…) chú ý phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Khắc phục khuynh hướng giáo dục thiên về truyền thụ và lĩnh hội thụ động những kiến thức, coi nhẹ phương pháp tư duy khoa học, trao dồi các kỹ năng vận dụng,  thực hành sáng tạo.
        Ba là, phải xây dựng đội ngũ giáng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ  trong giai đoạn hiện nay.
       Giáng viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục. Do đó nhà trường cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ . Đối với giảng viên phải thường xuyên rèn luyện, học tập nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, đặc biệt là kiến thức lý luận chuyên ngành, những thành tựu mới của tri thức nhân loại, để vận dụng vào bài giảng một cách thuyết phục. Hơn nữa, trình độ nhận thức và học thức của học viên ngày càng được nâng cao. Do vậy, nếu giảng viên không thường xuyên tự mình rèn luyện, tự học, cập nhật những kiến thức mới thì sẽ bị lạc hậu.
       Bên cạnh tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn thì đội ngũ giảng viên của nhà trường cần  phải tinh thông nghiệp vụ sư phạm, thật sự yêu nghề và tâm huyết với nghề, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học. Để có nghiệp vụ sư phạm với những kỹ năng nói trên ngoài việc phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định, mỗi giảng viên cần thường xuyên tham gia dự giờ của các giảng viên khác để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm…  
       Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản trên, góp phần quan trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cở sở cho tỉnh nhà./.
 



TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]X.Y.Z. Sửa đổi lối làm việc ( 2008), Nhà xuất bản trẻ, tr. 63
[2] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 5, (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.684
[3] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 6, (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội , tr. 46
 [4] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 6, (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội , tr. 50


 

Tác giả bài viết: Ths. Phan Anh Trà

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm67
  • Hôm nay3,705
  • Tháng hiện tại108,650
  • Tổng lượt truy cập9,310,307
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây