Trường Chính trị tỉnh Bình Phướchttps://truongchinhtri.edu.vn/home/uploads/lg.png
Thứ ba - 15/11/2022 21:1831.5950
Trong các nhà lãnh đạo cách mạng trên thế giới, có thể nói, Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, những lãnh tụ cách mạng quan tâm nhiều đến vấn đề đạo đức và có nhiều cống hiến về tư tưởng đạo đức cách mạng. Không những thế, bản thân Người còn là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thống kê trong di sản Hồ Chí Minh để lại có tới gần 50 bài và tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức. Có thể nói đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Bác trong sự nghiệp cách mạng.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo đạo đức cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin; là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại cả phương Đông lẫn phương Tây mà Người đã tiếp cận được trong quá trình hoạt động cách mạng đầy gian lao, thử thách vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức cách mạng là cái gốc, là nền tảng của người cách mạng. Bắt nguồn từ chức năng điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của con người, đạo đức cách mạng tạo ra động cơ hành động đúng đắn, tạo ra ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của con người. Người nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1]. Vai trò nền tảng của đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang; có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước, khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, mới lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Nhấn mạnh đạo đức là gốc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không coi nhẹ tài năng, Người luôn đánh giá cao cả hai mặt đức và tài ở mỗi con người. Trong mối quan hệ giữa đạo đức và tài năng, Người khẳng định đạo đức là gốc, nó quyết định sức mạnh tinh thần to lớn của con người, sức mạnh của đoàn kết dân tộc. Nhờ đó mà đạo đức góp phần to lớn vào việc quyết định sự thành bại của cách mạng nước ta. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cho con người, đặc biệt là cho cán bộ, đảng viên. Từ những quan niệm nêu trên, cho thấy quan niệm chung của Chủ tich Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng Việt Nam gồm những điểm cơ bản sau đây: Một là, trung với nước, hiếu với dân. Theo Hồ Chí Minh, đây là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất và chi phối các phẩm chất khác. Từ quan niệm cũ “trung với vua, hiếu với cha mẹ” trong đạo đức truyền thống của xã hội phong kiến phương Đông, Hồ Chí Minh đưa vào đó một nội dung mới, cao rộng hơn là “trung với nước, hiếu với dân”. Người khẳng định: “Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[2]. Câu nói của Bác vừa là lời kêu gọi hành động, vừa là định hướng chính trị, đạo đức cho mỗi người Việt Nam, không phải chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn lâu dài mãi về sau. Hai là, yêu thương con người. Quan niệm này cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về lòng yêu thương con người rất toàn diện và độc đáo. Bởi vậy, Hồ Chí Minh đã xác định tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất. Người luôn luôn dành tình yêu thương rộng lớn cho những người cùng khổ, những người lao động bị áp bức bóc lột. Bác đã viết: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[3]. Ở Hồ Chí Minh, tình yêu thương đồng bào, đồng chí của Người rất bao la, rộng lớn và toàn diện, không phân biệt vùng, miền, trẻ, già, trai, gái...hễ là người Việt Nam yêu nước thì đều có chỗ trong tấm lòng nhân ái của Người. Tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện tấm lòng bao dung cao cả của một người Cha, đặc biệt, đối với những người phạm sai lầm, khuyết điểm. Người căn dặn: mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng, ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Chính vì vậy, trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người căn dặn Đảng: phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, mỗi cán bộ, đảng viên luôn luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người. Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khổng Tử đã từng nêu lên những khái niệm về cần, kiệm, liêm, chính, ông cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính do “thiên phú”. Tuy nhiên, khi vận dụng những khái niệm này của đạo đức cũ Người lại cho rằng cần, kiệm, liêm, chính không phải do thiên phú mà do sự rèn luyện bền bỉ mà nên, Người đã khằng định: đạo đức cách mạng không phải tự trên trời sa xuống mà do sự rèn luyện bền bỉ mà nên. Theo Người, cần, kiệm, lêm, chính là tứ đức không thể thiếu được đối với mỗi con người giống như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính Thiếu một mùa, thì không thành trời Thiếu một phương, thì không thành đất Thiếu một đức, thì không thành người[4] Theo Hồ Chí Minh thì: Cần tức là lao động cần cù, siêng năng, có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao, với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm; Kiệm tức là tiết kệm sức lao động, thì giờ, tiền của của dân, của nước, của bản thân mình, phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương hình thức, không liên hoan chè chén lu bù; Liêm tức là luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc nào của Nhà nước, của nhân dân, phải trong sạch, không tham lam, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình, vì vậy mà quang minh, chính đại, không bao giờ hủ hóa; Chính nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn, đối với mình thì không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình, đối với người thì không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà; Chí công vô tư là đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc, khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, phải “lo cho thiên hạ trước, vui sau thiên hạ”. Bốn là, tinh thần quốc tế trong sáng. Đó là tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản mà Hồ Chí Minh đã nêu lên bằng một mệnh đề “bốn phương vô sản đều là anh em”, là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước mà Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp bằng hoạt động cách mạng thực tiễn của bản thân mình và bằng sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc, là tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam với tất cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội, vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và chủ ngĩa xã hội, là tinh thần hợp tác và hữu nghị. Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục cổ động phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, dấy lên phong trào “người tốt, việc tốt”, nêu ngương sáng đạo đức cách mạng để mọi người tôn vinh và noi theo. Để học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải ra sức hưởng ứng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người bằng cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng ta đã phát động là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt, càng cần thiết và quan trọng hơn đối với những người đảng viên, viên chức của Trường đảng. Để giáo dục, xây dựng, rèn luyện những phẩm chất đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh có hiệu quả thiết thực, cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi đảng viên, viên chức Trường Chính trị cần phải không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện, thực hiện có trách nhiệm một số nội dung sau: Một là, cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên, viên chức Nhà trường phải thường xuyên nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng và yêu cầu của giáo dục đạo đức cách mạng; làm cho đội ngũ viên chức Nhà trường thấu suốt tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về công tác xây dựng Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW; Quy định 08-Qđi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… Hai là, nói đi đôi với làm. Đây là hành động cơ bản thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh khẳng định: nói phải đi đôi với làm và cao hơn là làm rồi mới nói, làm nhiều nói ít và thậm chí làm hết lòng, làm tận tụy mà không nói, không tự phô trương. Những người nói mà không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo là những kẻ đạo đức giả. Người cho rằng những kẻ đó làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Người cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo,quản lý muốn thu phục quần chúng, muốn quần chúng tin theo phải thực sự mẫu mực về phương pháp, tác phong làm việc, lời nói gắn với việc làm; giữ nghiêm nguyên tắc và kỷ luật, cẩn trọng và tỉ mỉ trong mọi công việc.Việc gì có lợi cho Đảng, cho dân kể cả những việc khó khăn, nguy hiểm người cán bộ, đảng viên phải xông pha đi đầu và phải làm cho bằng được, việc gì có hại cho Đảng, cho dân phải hết sức tránh, tuyên truyền cho quần chúng tránh xa. Ba là, xây đi đôi với chống. Xây dựng đạo đức mới, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, nhất định phải chống những biểu hiện phi đạo đức, sai trái, xấu xa. Đó là chủ nghĩa cá nhân. Xây dựng đạo đức cách mạng, trước hết là tuyên truyền giáo dục phẩm chất chuẩn mực đạo đức cho mỗi người, trong từng gia đình, trong từng tập thể, cộng đồng. Xây dựng đạo đức bằng việc khơi dậy ý thức tự nguyện vươn lên của con người tới chân, thiện, mỹ, từ đó tạo ra năng lực tự trau dồi đạo đức trong mỗi con người, loại bỏ cái ác, cái xấu, cái vô đạo đức. Cùng với xây, nhiệm vụ chống có vị trí vô cùng quan trọng, xây phải gắn liền với chống, trong xây có chống và ngược lại. Theo đó, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở cơ quan, đơn vị phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục với biện pháp hành chính, xử lý kỷ luật nghiêm minh, tăng cường đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây đi đôi với chống, yêu cầu mỗi đảng viên, viên chức cần phải thường xuyên tự soi mình, tự sửa, tự đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân và tìm biện pháp khắc phục, sửa chữa. Coi đó là công việc như “rửa mặt hàng ngày” để gột rửa, làm sạch những hạn chế, thiếu sót, chủ động rèn luyện đạo đức của người đảng viên, viên chức trường đảng. Bốn là, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời. Đây là yêu cầu cốt lõi trong rèn luyện đạo đức bởi theo Hồ Chí Minh: đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[5]. Việc giáo dục đạo đức cách mạng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Người cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải tích cực, liên tục học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Khi gặp việc thuận lợi không tự cao, tự đại, khi gặp việc khổ, việc khó thì không chùn bước, dám nghĩ, dám làm. Thực tiễn cho thấy, có nhiều cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cấp cao trong lúc gian khổ thì không sợ nguy hiểm, cực khổ, có công với cách mạng song đến khi có quyền hạn trong tay lại nảy sinh kiêu ngạo, xa xỉ, quan liêu, trở thành người có tội với cách mạng. Bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông và những tinh hoa đạo đức của nhân loại, cùng với tư duy độc lập và sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, thực hiện việc kế thừa có chọn lọc, thâu tóm những giá trị đạo đức của quá khứ, đề xuất những tư tưởng, đạo đức mới, phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, tư tưởng của Người về rèn luyện đạo đức cách mạng luôn là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác xây dựng đảng trong mỗi thời kỳ cách mạng của dân tộc./.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tr 252, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tr 350, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tr 187, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tr 117, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tr 253, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011