Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh vũ trang trong cách mạng Việt Nam

Thứ ba - 19/07/2022 22:08 19.233 0
Tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh vũ trang trong cách mạng Việt Nam và vận dụng xây dựng lực lượng trong giai đoạn hiện nay.
         Tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng cách mạng của Người. Đó là kết quả hoạt động tư duy và thực tiễn trong những điều kiện lịch sử nhất định, là sự tiếp thu vận dụng sáng tạo di sản tư tưởng quân sự của dân tộc và tinh hoa quân sự nhân loại, đặc biệt là lý luận quân sự Mác - Lênin. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển trong quá trình giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng. Xuất phát từ đặc điểm nổi bật của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Đứng trước kẻ thù là thực dân đế quốc Người khẳng định: không có con đường nào khác là phải sử dụng bạo lực cách mạng để giải phóng giai cấp, để giải phóng dân tộc. Vì vậy khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng là con đường duy nhất đúng đắn để giành thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
          Tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh có nội dung đa dạng và phong phú bao trùm nhiều lĩnh vực hoạt động quân sự và đấu tranh vũ trang. Trước hết đó là quan điểm bạo lực cách mạng. Theo Hồ Chí Minh đối với các dân tộc bị áp bức thì việc sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng để giành và giữ chính quyền là một tất yếu lịch sử. Bởi vì, “chế độ thực dân tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu” [1, 96]. Trong tư tưởng của Người, bạo lực cách mạng là bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân trong đó đấu tranh vũ trang giữ vai trò quan trọng.
          Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, lực lượng để tiến hành cách mạng bạo lực không phải chỉ là lực lượng vũ trang, phương thức tiến hành bạo lực không phải chỉ là đấu tranh quân sự. Người chỉ rõ, cách mạng bạo lực bao giờ cũng phải dựa vào hai lực lượng: lực lượng chính trị của toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó lực lượng chính trị là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh vũ trang phải kết hợp với đấu tranh chính trị.
          Theo Người, đấu tranh vũ trang là hình thức chủ yếu nhất của chiến tranh. Bởi vì cuối cùng bao giờ cũng phải thắng địch bằng quân sự, phải đập tan những đội quân xâm lược nhà nghề của kẻ thù. Trên tiền tuyến cũng như sau lưng địch, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn nhằm tiêu hao, tiêu diệt thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Phải vừa đánh vừa xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang làm nòng cốt, xây dựng bộ đội chủ lực để quyết định chiến trường.
          Đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cơ bản của chiến tranh nhân dân. Cần phải tập hợp, mở rộng, xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, tổ chức và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị để phối hợp với đấu tranh quân sự chống địch ở khắp nơi. Phối hợp những cuộc tiến công chính trị của quần chúng với binh, địch vận đánh vào tinh thần làm suy yếu hàng ngũ địch, xây dựng cơ sở quần chúng tạo điều kiện cho đấu tranh vũ trang phát triển.
          Người khẳng định trong một cuộc chiến tranh “quân sự là việc làm chủ chốt trong kháng chiến”, để thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của kháng chiến. Thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi cho chính trị và ngược lại thắng lợi chính trị sẽ làm cho thắng lợi quân sự to lớn hơn.
          Để phối hợp với đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị thì đấu tranh ngoại giao cũng là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược. Phải coi trọng công tác tuyên truyền đối ngoại, vạch rõ tính chất phi nghĩa, phản động của cuộc chiến tranh xâm lược của địch, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước, của các lược lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ toàn thế giới. Phải kết hợp “vừa đánh vừa đàm”, trong đó “đánh là chủ yếu đàm là hỗ trợ”.
          Để tiến hành đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang cần phải chú trọng công tác xây dựng lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó xây dựng lực lượng chính trị là mỗi quan tâm hàng đầu của Người, bởi vì: sự đồng tâm của đồng bào đúc nên bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Theo tư tưởng của Người, lực lượng chính trị của quần chúng là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang, là cơ sở để đấu tranh vũ trang, đó là lực lượng tiến công trực tiếp đánh địch, đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Người nói: “muốn có đội quân vũ trang, phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện cầm súng thì mới thắng được” [2, 120].
          Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong đó bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành quân đội nhân dân Việt Nam. Tư tưởng về lực lượng vũ trang ba thứ quân đã từng bước được hình thành và phát triển hoàn chỉnh, từ xây dựng các đội du kích, đội tự vệ, đến xây dựng bộ đội chủ lực, từ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thống nhất lực lượng vũ trang trong cả nước, đến Vệ quốc đoàn, đến Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại. Người đặc biệt quan tâm xây dựng bộ độ chủ lực. Người nói: “Dù đánh chớp nhoáng, dù đánh lâu dài, dù giữ thế công hay thế thủ, bao giờ cũng cần đến lục quân. Vì vậy quốc phòng không thể không tổ chức lục quân được. Trong lục quân người ta thường chia ra bộ binh, kỵ binh, công binh, chí trọng binh” [3, 290].
          Người đặc biệt chăm lo ý thức chính trị, xây dựng bản chất cách mạng cho các lực lượng vũ trang nhân dân. Người khẳng định: quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng mà lại có hại.
          Trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Người đã nêu ra quan điểm hết sức quan trọng đó là quan điểm “người trước, súng sau”. Con người và vũ khí là cần thiết, là không thể thiếu trong xây dựng lực lượng vũ trang, nhưng điều quyết định là con người cầm vũ khí. Vì vậy Người thường xuyên chăm lo, giáo dục bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị, có tri thức quân sự, có trình độ văn hóa, có sức khỏe, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vì nhân dân phục vụ.
          Đánh giá cao vai trò của người cầm vũ khí, nhưng Người không coi nhẹ vai trò của vũ khí, kỹ thuật. Người đã sớm chọn cán bộ kỹ thuật để xây dựng ngành quân giới, quan tâm xây dựng các binh chủng hiện đại: pháo binh, công binh, thông tin, phòng không không quân, hải quân…
          Người luôn quan tâm đến đời sống vật chất của của bộ đội, với tinh thần “thực túc binh cường”. Người khẳng định việc bảo đảm hậu cần vật chất kỹ thuật cho bộ đội, cho tiền tuyến là hết sức quan trọng quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến. Người cũng đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự vì “cán bộ là cái cái gốc của mọi công việc”, tướng là kẻ giúp nước. Tướng giỏi thì nước mạnh, tướng xoàng thì nước hèn.
          Xuất phát từ quan điểm “nhân dân là cha mẹ của bộ đội”, “vũ trang quần chúng đi đôi với xây dựng quân đội nhân dân”, vì nhân dân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Bản chất của lực lượng vũ trang là bản chất của giai cấp công nhân.
          Tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới “Bộ đội cụ Hồ” là tư tưởng độc đáo của Người, đã đưa đến sự ra đời, lớn mạnh và chiến thắng vẻ vang của ba thứ quân trong các lực lượng vũ trang anh hùng.
          Hồ Chí Minh nhà chiến lược quân sự thiên tài, là người thầy đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ quân sự đầu tiên cho Đảng, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Dưới ánh sáng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối quân sự của Đảng, quân đội ta đã được xây dựng ngày càng lớn mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh vệ quốc.  
          Thấm nhuần, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng của Người, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao; triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả Đề án tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, phù hợp với nghệ thuật quân sự, vũ khí, trang bị và thế trận phòng thủ trên các vùng, miền của đất nước. Trong đó, ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị đóng quân ở vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh, nơi biên giới, biển, đảo; các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại.
 Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, nhất là trình độ, khả năng tham mưu, tổ chức xây dựng nền quốc phòng toàn dân; năng lực nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình để kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước đối sách chiến lược xử trí đúng đắn, linh hoạt các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Toàn quân tập trung đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ khai thác, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí mới, hiện đại phù hợp với tổ chức, biên chế, trang bị của lực lượng vũ trang, cách đánh truyền thống, nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tổ chức chặt chẽ các cuộc diễn tập ở các quy mô, hình thức khác nhau, nhất là diễn tập hiệp đồng quân chủng, binh chủng và phối hợp tác chiến với các lực lượng trong khu vực phòng thủ; diễn tập tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, v.v.
             Phát huy truyền thống của ngành quân giới anh hùng, ngành công nghiệp quốc phòng được Đảng, Nhà nước, Quân đội đầu tư phát triển mạnh mẽ, toàn diện, trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia. Với sự đầu tư đồng bộ cả về con người, công nghệ và trang bị, đến nay, ngành công nghiệp quốc phòng đã sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược có trong trang bị của sư đoàn bộ binh đủ quân; đạn pháo cho lục quân, phòng không và hải quân; ra đa cảnh giới, máy thông tin, phương tiện tác chiến điện tử; một số trang bị khí tài cho các quân chủng, binh chủng; đóng tàu pháo, tàu tên lửa và các loại tàu bổ trợ khác. Đặc biệt, ngành công nghiệp quốc phòng đã tự chủ, bảo đảm được các loại thuốc phóng, thuốc nổ, vật tư kim loại cho sản xuất đạn dược,… góp phần tích cực đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
          Đối với Trường Chính trị tỉnh Bình Phước vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh vũ trang trong thời gian qua, Nhà trường đã từng bước xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của cơ quan ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Lực lượng dân quân tự vệ nhà trường đã được trang bị quân phục, dụng cụ và tham gia các lớp Bồi dưỡng, tập huấn để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ nhà trường ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao góp phần bảo vệ Trường Chính trị nói riêng và quê hương Bình Phước ngày càng vững mạnh và phát triển /.                                        


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, Nxb. CT, Hà Nội, 1995.
[2]. Vũ Anh, Hồi ký Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1960.
[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995.
 

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Phương Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay7,334
  • Tháng hiện tại46,257
  • Tổng lượt truy cập8,573,321
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây