Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự học góp phần nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu cho học viên trong học tập lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Thứ tư - 03/08/2022 05:04 2.203 0
Trong tác phẩm “Về cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhà nghiên cứu Vasiliep đã viết rằng: “Hiếm có một chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”. Đây không phải là sự suy tôn thái quá mà qua các tư liệu lịch sử đã cho thấy, Người đã miệt mài học tập cả đời, nói đúng hơn là không ngừng tự học. Tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người. Việc tìm hiểu, nghiên cứu và học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học và vận dụng vào việc nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu của học viên trong học tập lý luận chính trị là một vấn đề hết sức quan trọng.
 
images2289036 6
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một tấm gương suốt đời học tập
       Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tự học có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người đã đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi bằng sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Vận dụng chính là quá trình tự học, tự thích nghi, tự tìm tòi thâm nhập thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm, phát huy yếu tố chủ quan, yếu tố nội lực để vận dụng vào điều kiện của mình; sâu xa hơn đó là quá trình tự học, tự nghiên cứu, tự giáo dục để làm cho nhân cách của mình phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, công việc.
       Phải ham học, học suốt đời, học mọi nơi, lấy tự học làm cốt. Ham học nghĩa là phải có sự say mê, có khát vọng hiểu biết. Muốn vậy mỗi cá nhân phải tự nhận thấy và đánh giá được mức độ hiểu biết của mình, không tự cao, tự đại, không thể bằng lòng với cái hiện tại, có ước mơ và hoài bão vươn lên. Người là một tấm gương sáng ngời, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn đến mấy, Người vẫn tích cực học, học suốt đời.
       Người rất coi trọng trách nhiệm tự học của chính người học, tự học thêm để làm chủ được tri thức, để biến hạt hiểu biết cơ bản được gieo xuống ban đầu trong đầu ốc mình nảy nở thành cây tri thức vững chải. Theo Người, tự học là tự mình quản lý việc học tập, lĩnh hội tri thức của bản thân. Người học tự vạch ra kế hoạch học tập cho chính mình, kiên trì và nhẫn nại thực hiện kế hoạch đó một cách bài bản, sau đó người học tự kiểm tra đánh giá kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Người xác định mục đích của học tập dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là: “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà” (1). Tự học để phục vụ sự nghiệp cách mạng.
       Thông qua quá trình tự học, tầm hiểu biết cũng như năng lực của mỗi cá nhân ngày càng được nâng cao. Chính vì vậy mà Người đưa ra tôn chỉ: “còn sống còn phải học”. Nói chuyện với lớp huấn luyện đảng viên mới ngày 14-5-1966, Chủ tịch Hồ Chủ tịch tâm sự: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải đã già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(2).
       Thực tế Người không có nhiều thời gian học chính quy về chính trị nhưng bản thân Người là một nhà chính trị kiệt xuất, chưa từng học ở trường dạy viết báo nhưng người là một nhà báo thiên tài. Để đạt được trình độ như vậy, Người đều nhờ vào quá trình tự học, thông qua quá trình rèn luyện kỹ năng, năng lực của cá nhân ngày càng hoàn thiện. Người luôn khuyên mọi người phải “tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”(3).
       Trong bài nói chuyện tại Đại hội Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam lần thứ III, ngày 25-3-1961, Người nhắc nhở: “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội còn hạn chế mà số đông thanh niên công nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày. Cần phải học kinh nghiệm tốt của các đoàn thanh niên bạn. Học đi đôi với hành” (4).
       Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc học lý luận chính trị và công tác giáo dục lý luận chính trị, Người ví lý luận như bó đuốc soi đường, không có lý luận thì như người mù đi trong đêm tối, lần mãi không thấy đường ra. Người cho rằng: “Không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là mù chính trị, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”(5).
       Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996 đã chỉ rõ “Lười học tập, lười suy nghĩa, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, cũng là biểu hiện của sự thoái hóa”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã tiếp tục khẳng định: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” là một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị.
       Theo quy định số 09-QĐ/TW ngày 13/11/2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức một số lĩnh vực khác.
       Thực hiện chức năng trên, trong thời gian qua Trường Chính trị tỉnh Bình Phước đã tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, trực tiếp thực hiện công tác giáo dục lý luận chính trị. Kết quả là nhiều cán bộ, đảng viên - học viên đã được học tập, nâng cao kiến thức về lý luận chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý xã hội.
       Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn đâu đó một số học viên tại các lớp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị như không quan tâm đến nội dung học, không chủ động ghi chép bài, không tự tìm tòi hay nghiên cứu tài liệu thêm. Đặc biệt, phổ biến nhất hiện nay là tình trạng học viên đang trong giờ học, giảng viên đang giảng bài nhưng vẫn lén lút hoặc công khai sử dụng điện thoại với mục đích cá nhân như giải quyết công việc riêng hoặc đọc báo, lướt facebook, zalo, tiktok…Thậm chí một số học viên còn tỏ thái độ thờ ơ không quan tâm đến nội dung bài giảng, đi học để điểm danh, đảm bảo đủ điều kiện thi hết học phần, điểm danh xong lại đi ra ngoài nói chuyện điện thoại, hoặc vắng mặt luôn dẫn đến việc hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa cao; nhiều học viên chưa nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học lý luận chính trị, xem nhẹ, lười học chính trị, không chủ động tìm tòi nghiên cứu. Đó là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp học viên khi tiếp xúc với các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, thiếu lý lẽ để đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phản động, nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng. 
       Vấn đề tự học, tự nghiên cứu vừa thể hiện xu hướng cơ bản của nhà trường hiện đại vừa quán triệt tư tưởng đổi mới cách dạy, cách học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”(6). Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phải “Khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”(7). 
       Việc vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự học vào việc nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu cho học viên trong học tập lý luận chính trị có ý nghĩa quan trọng. Để thực hiện và phát huy tốt tinh thần tự học, tự nghiên cứu cho học viên đang học tập lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
       Một là, lãnh đạo, cấp ủy cơ quan, tổ chức nơi cử học viên đi học cần tạo điều kiện tối đa về thời gian cho học viên được cử đi học đào tạo lý luận chính trị, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, để tránh tình trạng học viên đi học lý luận chính trị nhưng bị đè nặng bởi áp lực công việc tại cơ quan đang làm việc, dẫn đến việc học viên không tập trung vào việc học, vừa học vừa giải quyết công việc, không mang lại hiểu quả trong học tập. Đồng thời, cơ quan cũng cần giữ mối liên hệ thường xuyên với nhà trường bằng các hình thức khác nhau để nắm bắt tình hình học tập của cán bộ được cử đi học trong suốt quá trình học. Căn cứ vào ý thức, trách nhiệm và kết quả học tập lý luận chính trị để đánh giá, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng tại cơ quan, đơn vị.
       Hai là, học viên là những cán bộ đảng viên công tác trong các sở, ban, ngành của tỉnh vì vậy cần phải làm gương, nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học. Theo Người, việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị không chỉ dừng lại ở phạm vi trường lớp mà phải nêu cao tinh thần tự học ở mọi nơi, mọi lúc như; học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân. Học viên cần phải thường xuyên học hỏi, trau dồi các tri thức về chính trị, đặc biệt là cập nhật các nội dung về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài việc tiếp nhận thông tin, kiến thức của giảng viên trên lớp, cũng như tự nghiên cứu qua sách, báo của thư viện tại Trường, thì học viên cần phải tích cực tham gia mạng xã hội, khai thác không gian mạng như một công cụ hữu ích giúp cho việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị….Đối với những học viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong học tập lý luận chính trị, nói và làm phải theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, phải gắn việc tự học, tự nghiên cứu với tích cực chủ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thì địch để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là đấu tranh trên mặt trận tư tưởng hiện nay.
       Ba là, cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường với các trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố trong quản lý học viên. Cần chú ý tới sự công bằng, chính xác giữa học viên nghỉ học và đi học, nghỉ học có lý do và không có lý do, nghỉ học theo tiết khi có công việc đột xuất. Chủ nhiệm ở trung tâm và chủ nhiệm ở trường cần phối hợp để theo dõi tinh thần, thái độ học tập của học viên. Trên cơ sở đó, nhà trường có thể thông báo tình hình, ý thức học tập của học viên về cơ quan, đơn vị như có thể gửi văn bản, phiếu nhận xét theo tháng, theo quý hoặc theo môn học, việc theo dõi học viên công bằng trong lớp học sẽ góp phần tăng tính chủ động, tự học tập, tự nghiên cứu cho học viên.
       Bốn là, trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng lý luận phải gắn với thực tiễn. Tăng cường sử dụng phương pháp tích cực tạo sự hứng thú cho người học. Thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết của học tập lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay để học viên nhận thức rõ đi học là nhiệm vụ chính trị, từ đó sắp xếp thời gian, công việc để tập trung trong quá trình học; có ý thức tự học tập, tự nghiên cứu, tự trau dồi, tăng quá trình làm việc nhóm, thảo luận tập thể theo chủ đề dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của giảng viên. Đồng thời, cần đề cao và tăng cường phương pháp hướng dẫn thực hành cho học viên, vì lý luận phải song hành thực tế, phải dùng thực tế để kiểm nghiệm, đánh giá tính chính xác. Mặt khác cần chú trọng phương pháp nêu gương vì đây là biện pháp hữu hiệu nhất trong giáo dục lý luận chính trị, thể hiện sự nhất quán giữa nói và làm theo phương châm “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
       Con đường tự học, tinh thần học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại bài học lịch sử mà còn là niềm cảm hứng cho bao thế hệ chúng ta. Việc nghiên cứu và học tập theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự học sẽ giúp cho học viên phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu trong học tập lý luận chính trị qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác cái quan điểm sai trái của các thế lực thù địch hiện nay. Bởi vì, nếu không nâng cao ý thức học tập, tự học, tự rèn luyện về lý luận chính trị thì không thể tài giỏi và trở thành những người có ích cho đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển./
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.9, tr.178-189
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.133
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.98
(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.13, tr.90
(5). Hồ Chí Minh : Toàn tập,  tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.273
(6). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021. tr.232, 233.
(7). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.236.

Tác giả bài viết: Phạm Minh Triều

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay8,088
  • Tháng hiện tại173,429
  • Tổng lượt truy cập7,551,178
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây