NÊU CAO Ý THỨC, TRÁCH NHIỆM HỌC TẬP SUỐT ĐỜI ĐỐI VỚI THANH NIÊN

Thứ sáu - 17/06/2022 09:23 3.969 0
Đảng ta khẳng định: “Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”[1]. Hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và toàn xã hội có trách nhiệm trong việc chăm lo, bồi dưỡng giáo dục thanh niên thành lớp người vừa hồng vừa chuyên. Do đó, giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên là rất quan trọng, đặc biệt bồi dưỡng cho thanh niên nêu cao ý thức, trách nhiệm học tập suốt đời là việc làm cần thiết.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục, đặc biệt giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ. Theo Người học là để hành “học để làm việc”muốn hành tốt phải hiểu kỹ. Người yêu cầu “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”[2]. Năm 1949, trên cuốn sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung Ương, Người đã viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, Học để phụng sự Đoàn thể
Học để làm việc,   
             làm người, 
             làm cán bộ.
Học để phụng sự Đoàn thể,
          “     “  giai cấp và nhân dân,
        “     “  Tổ quốc và nhân loại.”[3].
UNESCO đã đề ra mục tiêu của giáo dục được thể hiện ở bốn điểm: Học để biết. Học để làm. Học để chung sống. Học để làm người. Do đó, học tập, tự học, tự hoàn thiện là công việc suốt đời. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến thanh niên, Người luôn đánh giá cao về vai trò của thanh niên, thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh là một phần lớn do thanh niên. Người căn dặn: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất trọng và rất cần thiết”[4]. Vì vậy, việc chăm sóc, bồi dưỡng thế hệ trẻ là việc làm cần thiết, đặc biệt giáo dục thanh niên ý thức, trách nhiệm học tập suốt đời. Giúp thanh niên có nhận thức, trách nhiệm học tập, thấy được ý nghĩa của việc học tập suốt đời, thanh niên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, phải đầy đủ cả hồng và chuyên, là người chủ tương lai của nước nhà.
Để xây dựng xã hội học tập, mỗi công dân phải thấy rõ trách nhiệm học tập của mình, nắm rõ quyền lợi phải thường xuyên học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội để học tập trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. Đối với thanh niên việc học tập suốt đời có ý rất quan trọng, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, giáo dục, hoàn thiện nhân cách, nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho thanh niên, giúp thanh niên trở thành người công dân tốt, công dân số đáp ứng yêu cầu của đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn phát triển kinh tế tri thức, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để bồi dưỡng thanh niên nêu cao ý thức, trách nhiệm học tập suốt đời cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức của thanh niên về ý nghĩa và trách nhiệm của việc học tập suốt đời.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang Website của Đoàn Trường… Đoàn Thanh niên cần nêu gương người tốt, việc tốt trong học tập của thanh niên. Thường xuyên động viên thanh niên tham gia xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác và nhà trường động viên thanh niên học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Tăng cường tuyên truyền, phát động phong trào đọc sách trong các trường học, trong các cơ quan, trong gia đình. Đồng thời, tích cực phát động thanh niên hưởng ứng “tuần lễ học tập suốt đời”.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện các phong trào hành động cách mạng trong thanh niên, các chương trình đồng hành với thanh niên và các phong trào thi đua yêu nước trong thanh niên
Thông qua các phong trào của thanh niên sẽ lôi cuốn được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Đặc biệt thông qua phong trào và chương trình đồng hành sẽ động viên, khích lệ và tạo điều kiện để thanh niên phát huy trí tuệ, sáng tạo của mình, tích cực nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh. Cung cấp thông tin, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Thực hiện các hoạt động hỗ trợ thanh niên học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Đồng thời, thông qua các phong trào thi đua yêu nước giúp thanh niên luôn tự học, nghiên cứu, tích cực lao động, sản xuất.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong học tập cho thanh niên
Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời. Sự phát triển của công nghệ thông tin, các thiết bị công nghệ tạo cơ hội cho thanh niên chủ động tiếp cận kiến thức một cách nhanh chóng, học tập chủ động hơn, học mọi lúc, học mọi nơi, dễ tiếp cận với kho dữ liệu, kho tri thức thông qua các ứng dụng, phần mềm. Từ đó góp phần quan trọng vào xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời của thanh niên.
Bốn là, đẩy mạnh xây dựng gia đình học tập và rèn luyện, nâng cao ý thức tự học của thanh niên
Gia đình học tập giúp thanh niên có động lực trong học tập. Từ việc bố, mẹ, anh, chị, em, người thân tích cực, chủ động học tập, đọc sách, phát động phong trào học tập, khuyến học, khuyến tài. Từ đó tạo môi trường, điều kiện thanh niên học tập và noi gương. Góp thêm sức mạnh cho tinh thần học tập suốt đời.
Ý thức tự học của thanh niên quyết định đến chất lượng học tập. Giáo dục, động viên thanh niên thấy được vai trò của việc học tập, học tập suốt đời. Thanh niên chủ động, tự học để có kiến thức, kỹ năng, rèn luyện phẩm chất đạo đức.
Đối với thanh niên tỉnh Bình Phước cần phát huy tinh thần học tập, có ý chí vươn lên trong học tập, tự tin trong học tập, lao động sáng tạo và khởi nghiệp. Muốn vậy cần giáo dục, bồi dưỡng thanh niên có tinh thần học tập suốt đời. Đối với gia đình cần khuyến khích, quan tâm đến việc học tập của thanh niên, tạo điều kiện cho nghiên cứu, phát minh, sáng chế khoa học kỹ thuật, hướng đến cho thanh niên tự học. Nhà trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng nghiệp cho thanh niên, thầy cô cần giáo dục cho thanh niên thấy được vai trò, ý nghĩa của việc học tập, học tập không chỉ khi trong nhà trường mà còn học tập suốt cả cuộc đời, học tập để có nhận thức, kiến thức phát triển bản thân, phát triển kinh tế gia đình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đồng thời nêu những gương điển hình trong học tập của trường, phát động phong trào thi đua dạy tốt học tốt. Đoàn thanh niên cần tích cực tập hợp thanh niên tham gia tổ chức đoàn, tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động của Đoàn, đặc biệt phong trào Tuổi trẻ sáng tạo, đồng hành thanh niên khởi nghiệp; tích cực tuyên truyền cho thanh niên tự học tập, học tập suốt đời với nhiều hình thức đa dạng.
Đối với thanh niên Trường Chính trị tỉnh Bình Phước cần phát huy sức trẻ, có ý thức, trách nhiệm học tập, nghiên cứu là suốt đời. Thường xuyên tích cực học tâp, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng bài giảng, nâng cao hoạt động chuyên môn, thực hiện nghiêm túc văn hóa ứng xử trường Đảng. Tích cực tự học tập, tự rèn luyện, tự đào tào, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, đồng thời tăng cường nghiên cứu thực tế, đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở để bài giảng gắn lý luận với thực tiễn, làm phong phú, sinh động cho bài giảng.
Tóm lại, bồi dưỡng cho thanh niên nêu cao ý thức, trách nhiệm trong học tập suốt đời có ý nghĩa quan trọng, giúp thanh niên luôn học, học nữa, học mãi.  Nâng cao ý thức rèn luyện, học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, giáo dục nhân cách, nâng cao sức trẻ, sức sáng tạo của thanh niên. Xây dựng hình mẫu thanh niên có “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, là nguồn nhân lực chất lượng cao.
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t.67, tr. 759.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.377.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.208.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật , Hà Nội, 2011, t.15, tr.622.

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm52
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại183,657
  • Tổng lượt truy cập9,146,019
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây