Tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân vận - giá trị lý luận và thực tiễn

Thứ hai - 05/10/2020 05:04 7.326 0
       Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động quần chúng, công tác dân vận - là một hệ thống những quan điểm, phương thức dân vận được thấm nhuần trong cả cuộc đời và trong các tác phẩm của Người. Với Hồ Chí Minh, tình thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân là quan điểm bao trùm và là cơ sở để hình thành tư tưởng về công tác dân vận của Người.
       Tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác dân vận được phát triển một cách hoàn chỉnh trong tác phẩm “Dân vận” viết vào ngày 15 -10 -1949 đăng trên báo Sự Thật số 120 (với bút danh X.Y.Z.). Bài báo ra đời trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn vô cùng cam go, quyết liệt, cuộc cách mạng lúc đó đòi hỏi công tác vận động của Đảng ta phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của phục vụ cho cuộc kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta.
       Hơn 70 năm đã trôi qua, đến nay tác phẩm “ Dân vận” vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, trở thành “ cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, tác phẩm được thể hiện sinh động trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong mỗi hoạt động của chính quyền và từng việc làm cụ thể của cán bộ công chức viên chức nhà nước nói chung và trong những người thực hiện công tác Dân vận nói riêng.
        Khái niệm Dân vận theo Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiểu như sau: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho".
       "Dân vận"  được hiểu theo cả chiều rộng và chiều sâu. Theo chiều rộng, "Dân vận" là vận động tất cả mọi người dân, không để sót một người nào, nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng toàn dân, thực hiện những công việc chung, những công việc nên làm. Hiểu theo chiều sâu, "Dân vận" là phải hiểu rõ năng lực, tâm tư, nguyện vọng hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng để có hình thức vận động cho phù hợp.
       Hồ Chí Minh khẳng định: “dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”(1) mà phải bằng hành động cụ thể, thiết thực vì "nói chung thì các dân tộc Phương đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"(2). Do đó, lúc sinh thời, Người rất quan tâm đến việc xây dựng những điển hình tốt, những tấm gương tốt. Người cũng đã trực tiếp viết thư khen ngợi, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu và đề nghị có mục "gương người tốt, việc tốt" trên báo để động viên mọi người noi theo.
       Người luôn quán triệt: Công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác của Đảng, nếu thiếu hoặc làm không tốt, Đảng sẽ không tập hợp được quần chúng làm cách mạng. Theo Người, nếu có quần chúng mà không có Đảng thì mọi phong trào của quần chúng chỉ là phong trào tự phát. Làm cách mạng đòi hỏi phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc bởi "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân"(3). Nếu không làm tốt công tác dân vận, thì không những không phát huy được sức mạnh của toàn dân mà còn bị kẻ thù chống phá, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến lúc ấy dù việc nhỏ đến mấy thì cũng không thành công. Theo Người: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"(4).
       Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", Nguyễn Ái Quốc đã giải thích vì sao phải làm công tác dân vận. Theo Người, "cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”(5).
Người cũng chỉ ra rằng chỉ có làm tốt công tác dân vận thì mới huy động được sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân. Người nói: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"(6); cách mạng muốn thành công, đạt được nhiều thành tựu lớn lao thì phải xây dựng nền tảng từ nhân dân:
                                     "Gốc có vững, cây mới bền,
                                     Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"(7).
       Hồ Chí Minh đã đúc kết, "kinh nghiệm trong nước và các nước khác trên thế giới cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong"(8). Do đó, cần phải nhận thức rõ công tác vận động, giác ngộ quần chúng là công tác quan trọng quyết định sự thành bại của cách mạng.
       Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là một tài sản vô giá. Đó là sự kế thừa tư tưởng "trọng dân", "tin dân", "dựa vào dân" của ông cha ta, những giá trị văn hóa, nhân văn, nhân bản của phương Đông, phương Tây, mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin.
       Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, Đảng ta luôn xác định đúng đắn vị trí, vai trò quan trọng của nhân dân, của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng, coi công tác dân vận là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng. Nhờ đó, Đảng đã tập hợp được đông đảo quần chúng, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, đánh thắng hai đế quốc to lớn là Pháp và Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
       Trong thời kỳ đổi mới, nhờ làm tốt công tác dân vận, Đảng ta đã và đang thực hiện thành công đường lối đổi mới, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Nhân dân ta ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, vào tương lai của công cuộc đổi mới, một lòng một dạ theo Đảng, sẵn sàng mang hết tài năng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
       Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay trong công tác dân vận vẫn còn một số  tồn tại. Đó là vấn đề rèn luyện phẩm chất  đạo đức của một số cán bộ, đảng viên hiện nay chưa thật sự phát huy hết tinh thần trách nhiệm của bản thân.
       Tình trạng quan liêu, tham nhũng và cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
     Một số cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận chưa thật sự sâu sát, chưa thật sự nhiệt tình và hiểu biết chưa sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở chưa được đào tạo bài bản nên ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện nhiệm vụ dân vận.
       Thực trạng đó đặt công tác dân vận trước những khó khăn, thách thức mới. Để thực hiện tốt công tác dân vận trong thời gian tới theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
      Thứ nhất: Để công tác dân vận đạt được những kết quả cao trong thời kỳ mới, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, nhằm tập hợp, xây dựng được khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
      Thứ hai: Tiếp tục thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, bảo đảm nguyên tắc mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đổi mới nội dung và hình thức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
      Thứ ba: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, giảm các thủ tục hành chính dễ gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Tiếp tục rà soát và phân công, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn cao phụ trách công tác dân vận.
      Thứ tư: Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận, đặc biệt là việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác dân vận, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Tăng cường sự phối hợp thường xuyên giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận.
       Thứ năm: Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dân vận.
      Thứ sáu: Hàng năm cần mở các lớp Bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở  thực hiện công tác dân vận nhằm cung cấp, trao đổi những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước để định hướng cho họ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr.698, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
(2) Sách đã dẫn, tập 2, tr.263.
(3) Sđd, tập 10, tr.197.
(4) Sđd, tập 5, tr.700.
(5) Sđd, tập 2, tr.262.
(6) Sđd, tập 8, tr.276.
(7) Sđd, tập 5, tr.410.
(8) Sđd, tập 5, tr.295

Tác giả bài viết: Trần Thị Quỳnh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay9,061
  • Tháng hiện tại155,972
  • Tổng lượt truy cập9,118,334
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây