Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong phòng chống dịch covid -19 hiện nay

Thứ năm - 17/06/2021 17:52 29.465 0
Đại đoàn kết là tư tưởng có ý nghĩa chiến lược cơ bản, nhất quán và xuyên suốt, là vấn đề sống còn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công
       Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết là một hệ thống quan điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng nhằm đoàn kết rộng rãi các giai tầng trong xã hội, phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc của quốc tế, đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Trong hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong tiến trình lãnh đạo cách mạng và được thể hiện ở các nội dung sau:
       Thứ nhất, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề mang tính chiến lược sống còn, bảo đảm thành công của cách mạng.
       Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình[1]. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh, thời kỳ nào mà nhân dân ta đoàn kết "trên dưới một lòng" thì hưng thịnh, còn ở thời kỳ nào mà lòng dân ly tán, chia rẽ thì cũng là lúc thù trong, giặc ngoài xâm lấn, dân tộc có nguy cơ mất nước. Hồ Chí Minh nhận thấy, các cuộc đấu tranh cứu nước của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX bị thất bại nguyên nhân cội nguồn là cả nước đã không đoàn kết được thành một khối thống nhất.
       Theo Người, muốn đưa cách mạng đến thành công phải có lực lượng cách mạng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng thành công xã hội mới; muốn có lực lượng cách mạng mạnh phải thực hiện đại đoàn kết dân tộc, quy tụ mọi lực lượng cách mạng thành một khối vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[2]. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”[3]
        Ở mỗi thời kỳ cách mạng, chính sách và phương pháp tập hợp lực lượng cần phải điều chỉnh để phù hợp với các nhóm đối tượng cho phù hợp, song đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc luôn được Người xác định là chiến lược sống còn, là yêu cầu khách quan của cách mạng, là chân lý của thời đại. Người dạy rằng, “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh[4]. Đó chính là con đường đưa dân ta tới độc lập, tự do. Nhờ đoàn kết tạo nên sức mạnh, là nhân tố then chốt bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng. Hồ Chí Minh khắng định: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết -Thành công, thành công, đại thành công. Người chỉ rõ đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề sống còn quyết định sự thành công của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng ta ở mọi thời kỳ cách mạng.
        Thứ hai, đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng
      Trong Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3-3-1951, Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng tuyên bố tr­ước toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc[5]. Đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình, cũng như khẳng định dân là gốc, nên Hồ Chí Minh xác định vấn đề đại đoàn kết dân tộc để tạo ra sức mạnh là vấn đề cơ bản của cách mạng. Đại đoàn kết dân tộc chính là nhiệm vụ của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, biến những đòi hỏi khách quan, tự phát của nhân dân thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Do vậy theo Người: Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc.
       Thứ ba, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân
       Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc…”.
      “Dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là chỉ mọi công dân đất Việt, con rồng cháu tiên, không phân biệt già trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, không phân biệt tôn giáo, đảng phái… Trong khi vấn đề đại đoàn kết dân tộc lại là phải tập hợp mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu tranh chung. Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta: Muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, đại độ với con người. Người nói: Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn, dài đều hợp nhau lại ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang. Nhiều lần Người đã nói rõ: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”[6].

       Người còn nhấn mạnh: Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố. Nền có vững, nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi. Trong chính sách đoàn kết phải chống hai khuynh hướng sai lầm: cô độc, hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc.
       Thứ tư, đại đoàn kết dân tộc phải biến thành sức mạnh vật chất có tổ chức là Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng
        Theo Người, đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi chung chung, mà phải trở thành đường lối chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nó phải trở thành sức mạnh vật chất, một lực lượng mạnh có tổ chức. Tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.
       Mặt trận dân tộc thống nhất phải được xây dựng theo những nguyên tắc: Trên nền tảng liên minh công, nông và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người cho rằng: liên minh công - nông- lao động trí óc làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân, nền tảng được củng cố vững chắc thì khối đại đoàn kết dân tộc càng được mở rộng, không e ngại bất cứ thế lực nào có thể làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc; Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương, dân chủ lấy việc thống nhất lợi ích của tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng; Đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, đoàn kết thực sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
       Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đưa đất nước ta cùng đi lên chủ nghĩa hội, bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
       Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, với ý chí quyết tâm sắt đá: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân ta đã giành thắng lợi sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
       Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với khát vọng cháy bỏng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được vận dụng một cách sáng tạo, phát huy tới đỉnh cao với nhiều hình thức phong phú trong điều kiện lịch sử mới.
       Với nguồn sức mạnh nội lực của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình của nhân dân ta, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo quân dân cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
       Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, dù đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh kéo dài nhưng tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam hơn lúc nào hết lại hừng hực trong mỗi người dân với quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn to đẹp hơn” như Bác Hồ từng mong muốn. Và tinh thần đoàn kết dân tộc còn được phát huy mạnh mẽ trong việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, và đại hội các cấp. Tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đã lựa chọn những đại biểu tiêu biểu đủ đức, tài xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân.
       Hiện nay, thiên tai, dịch bệnh kéo dài, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sẻ chia “lá lành đùm lá rách” “một miếng khi đói bằng một gói khi no” lại trỗi dậy trong mỗi người dân Việt Nam.
Hơn một năm qua, kể từ khi đại dịch covid -19 bùng phát đầu năm 2020, chưa bao giờ từ tinh thần “Đoàn kết” của dân tộc lại được nhắc đến nhiều như vậy và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam được phát huy bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
       Từ Trung ương tới địa phương với các Bộ, Ngành ở các cấp, cùng đoàn thể và toàn dân ta chung tay, góp sức đối phó với một thứ giặc mới đang hằng ngày, hằng giờ đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Các tầng lớp nhân dân biểu hiện lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực, hiệu quả; nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động cho công tác phòng chống dịch.
       Thật xúc động và biết ơn khi chúng ta chứng kiến nhiều cụ ông, cụ bà tuổi cao, các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh, chị, em nhỏ… mang tiền, quà gom góp để ủng hộ những người đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Các doanh nghiệp đã thể hiện rõ vai trò trụ cột của nền kinh tế, có nhiều doanh nghiệp đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng phục vụ cho công tác chống dịch, tiêu biểu: Tập đoàn Vingtoup trao tặng Bộ Y tế 4 triệu liều vắc - xin phòng chống covid - 19; Tập đoàn Điện lực quốc gia ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống covid-19 với số tiền 400 tỷ; Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ủng hộ 10 tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng chống covid-19...
       Trên tuyến đầu là hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm “xung vào” những vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân tiêu biểu: hơn 200 cán bộ y tế tỉnh Quảng Ninh lên đường giúp Bắc Giang chống dịch; Bộ y tế đã cử hơn 400 nhân lực y tế khác để hỗ trợ Bắc Giang triển khai tiêm chủng và lấy mẫu xét nghiệm.…, các lực lượng luôn  túc trực 24/7 tại vị trí phân công. Ở cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch.
anh qn 01        Đoàn thầy thuốc tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong phòng chống dịch covid - 19 (nguồn tcnn.vn)
       Hàng nghìn sinh viên các trường y tình nguyện tham gia chống dịch như: 60 sinh viên trường Đại học y Hà Nội, 1000 y khoa thành phố Hồ Chí Minh, 36 Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam; 500 sinh viên trường cao đẳng y tế Bạch Mai; cán bộ y tế Quảng Ninh lên hỗ trợ Bắc Giang trong phòng, chống covid -19 … hàng nghìn y sĩ, bác sĩ đã nghỉ hưu đăng ký, sẵn sàng tham gia cùng đồng đội trên tuyến đầu chống dịch; hàng trăm khách sạn, resort tự nguyện trở thành khu cách ly...
       Điều đặc biệt là, tất cả, họ không cần lời kêu gọi chi viện, mà chính bằng sự tự nguyện, tấm lòng yêu nước, có trách nhiệm với vận mệnh đất nước, vận mệnh nhân dân. Tinh thần đoàn kết, thái độ chia sẻ và trách nhiệm với xã hội ấy đã giúp lực lượng phòng chống dịch thêm vững tâm, tin tưởng rằng, mình không đơn độc trong công cuộc phòng chống đại dịch, đã nhân lên sức mạnh của chúng ta trong cuộc chiến chống dịch covid-19 đầy gian nan, thử thách. Và trong những ngày chống dịch căng thẳng, Tổ quốc ta giang rộng vòng tay đón hàng vạn công dân từ nước ngoài trở về quê hương để chữa bệnh…để “không ai bị bỏ lại phía sau” thể hiện tình “đồng bào” cao cả của truyền thống con cháu Lạc Hồng được ca ngợi lâu đời.
       Những tấm lòng cao cả đó không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất để chúng ta có thêm nguồn lực chống dịch, mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, đem đến cho chúng ta thêm sức mạnh và niềm tin tất thắng, là nhân tố quan trọng, góp phần vào “cuộc chiến” chống đại dịch của đất nước. Và tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã lan tỏa trong toàn xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, những giá trị tốt đẹp nhất của từng con người, từng cộng đồng, từng dân tộc đang được nhân lên.
       Với tinh thần ấy, sự đồng lòng ấy, cùng với quyết tâm và phương pháp chống đại dịch của Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng không có trở ngại nào không thể vượt qua, cuộc chiến đấu chống dịch covid -19 lần này cũng sẽ đạt kết quả cao; công cuộc phòng chống dịch sẽ đi vào chiều sâu, giải quyết được cái gốc của vấn đề: đó là tinh thần, ý thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong phòng chống dịch và “mỗi người dân đều được tiêm vắc-xin” như chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.   HÌNH 10 binhphuocw
        Thành Đoàn Đồng Xoài tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lộc Thiện huyện Lộc Ninh (nguồn Baodantoc.vn)
      Để phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong bối cảnh hiện nay mỗi cán bộ, đảng viên nói ch
ung và nhân dân tỉnh Bình Phước nói riêng cần phải nêu cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong phòng chống dịch như: thực hiện tốt thông điệp 9K của Bộ y tế khuyến cáo (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập đông người, Khai báo y tế đầy đủ, Kiểm soát biên giới, Khu cách ly an toàn, Không ra khỏi nhà khi không cần thiết, Không đăng tài thông tin sai sự thật). Và tích cực đóng góp, ủng hộ bằng tấm lòng của mình để cuộc chiến chống dịch – covid 19 giành thắng lợi. Trong thời gian qua, nhân dân tỉnh Bình Phước cũng đã có những đóng góp thiết thực vào công tác phòng, chống dịch với số tiền: 19.656.983.054 (Mười chín tỷ, sáu trăm năm mươi sáu triệu, chín trăm tám mươi ba ngàn, không trăm năm mươi tư đồng) cùng với nhiều hiện vật như: khẩu trang y tế, mì tôm, nước tăng lực, trứng gà và đồ bảo hộ lao động…
       Có thể thấy rằng tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam không phải ngẫu nhiên mà có được. Tinh thần ấy được hun đúc và rèn luyện trong suốt lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta mà người thắp nên ngọn lửa đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Với truyền thống đại đoàn kết dân tộc ngày càng được phát huy, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch này và xây dựng một đất nước ngày càng phát triển thịnh vượng./.
       
 
[1] Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 15, tr. 611.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 8, tr.276.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 12, tr.215
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 3, tr 229
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, t.6, tr.183.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t.7, tr.438.
 

Tác giả bài viết: Trần Thị Quỳnh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay5,834
  • Tháng hiện tại163,958
  • Tổng lượt truy cập8,936,005
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây