XÂY DỰNG “THẾ TRẬN LÒNG DÂN” TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY Ở NƯỚC TA TẠO “SỨC ĐỀ KHÁNG” ĐỂ CHỐNG LẠI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG

Thứ năm - 04/05/2023 04:41 1.867 0
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam nhân luôn quan tâm “dân vi bản”, xây dựng “thế trận lòng dân” với mục tiêu cao cả giữ vững giang sơn, đất nước. Kế thừa truyền thống của ông cha, trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng “thế trận lòng dân”, coi đó là cơ sở để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới góp phần bảo vệ độc lập dân tộc và quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch đã và đang sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau nhằm xuyên tạc, chống phá khối đại đoàn kết dân tộc. Việc nhận diện và chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch về nội dung này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay, tạo cơ sở bảo đảm sự bền vững của chế độ.
https://dangbodanang.vn/
https://dangbodanang.vn/
   
   Nhận diện một số luận điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động:                             
   Các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách để chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Chúng tuyên truyền, kích động, chuyển hóa những xung đột xã hội thành mâu thuẫn giữa chính quyền, lực lượng vũ trang với Nhân dân.  Chúng cố tình khoét sâu những khuyết điểm, lợi dụng các phần tử bất mãn, phản động đội lốt tôn giáo, dân tộc để kích động đồng bào tư tưởng kỳ thị, hiềm khích, ích kỷ, hẹp hòi, cái gọi là “hận thù dân tộc”, nhằm gây bất ổn trong Nhân dân, âm mưu bạo động, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta từ bên trong.
   Những luận điểm sai trái trên đã bộc lộ mưu đồ đen tối, rắp tâm xuyên tạc đường lối, chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Mục đích của các thế lực thù địch là gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm hướng đến sự kỳ thị, chia rẽ giữa các dân tộc trong nước, lỏng lẻo trong hệ thống chính trị, nội bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và nghi kỵ lẫn nhau. Thực tế những lý lẽ và hành động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch đã và đang gây ra những sự hoài nghi về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm lung lay ý chí, niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Trước thực tế đó, việc xây dựng "thế trận lòng dân" vững mạnh, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
   Luận cứ, cơ sở lý luận và thực tiễn phê phán, đấu tranh chống lại những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động:
   Thứ nhất, Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng để xây dựng “thế trận lòng dân”
   Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử và quyết định sự phát triển của lịch sử. Vận dụng sáng tạo quan điểm này, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của “thế trận lòng dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Theo Người: “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc” [8; tr.151]. Người khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc” [7; tr. 89]. Thực tế đã chứng minh, Đảng là chủ thể đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo cách mạng, nhưng người hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đề ra chính nhân dân. “Thế trận lòng dân” được phát huy và minh chứng hùng hồn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiên chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
  “Thế trận lòng dân” ra đời dựa trên nền tảng vững chắc là tinh thần đoàn kết của nhân dân, tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc với vai trò định hướng, lãnh đạo của Đảng được hội tụ, kết tinh, nhân lên tạo thành đường lối chính trị đúng đắn, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Trong lịch sử dân tộc  “thế trận lòng dân” đã được khẳng định và chứng minh, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay cần biết phát huy, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh của dân tộc và nhân dân. Muốn vậy, cần những giải pháp tổng thể của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên luôn “lấy dân làm gốc”, biết đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.
   Thứ hai, xây dựng “thế trận lòng dân” là sự nghiệp cách mạng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị
   Chủ trương của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân” lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX). Tại Hội nghị này, Đảng ta xác định: “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân mà mấu chốt là thế trận lòng dân” [5]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Giữ vững an ninh nội địa; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc” [1; tr.109]. Đến Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc” [2; tr. 234]. Trên cơ sở kế thừa tư duy của Đảng qua các kỳ Đại hội trước, Đại hội XII của Đảng xác định: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân” [3; tr. 149] . Trong Đại hội XIII, “thế trận lòng dân” được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Điều này thể hiện sự bổ sung, có bước phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân” [4; tr.157]. Đây là chủ trương đúng đắn, nhất quán và xuyên sốt của Đảng ta. Để xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung xây dựng và phát huy những nhân tố sau đây:
   Cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Dân là gốc” là một trong những nội dung phản ánh quan điểm của Đảng ta về mục tiêu, động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cần thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đảng và Nhà nước ta cần đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chống tham nhũng, cải cách thế chế và cải cách nền hành chính nhà nước, qua đó tạo điều kiện để nâng cao đời sống nhân dân, góp phần nâng cao niềm tin của người dân với Đảng, với chế độ.
   Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên góp phần củng cố “thế trận lòng dân”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “cán bộ  là  cái  gốc của  mọi công việc” [8; tr. 309], “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” [8; tr. 280]. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nhiệm vụ công tác cũng đồng nghĩa với việc cán bộ phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng và toàn dân, làm cho dân tin, dân yêu và dân theo. Cán bộ, đảng viên cần phát huy hơn nữa tinh thần nêu gương, lắng nghe ý kiến nhân dân, trọng dân, gần dân. Bác Hồ đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn cả trăm bài diễn  văn  tuyên  truyền” [6; tr. 284]. Lắng nghe ý kiến nhân dân, gần dân để củng cố “thế trận lòng dân”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” [9; tr. 80].
   Tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…Đẩy mạnh phát triển các nguồn lực trong nước, phát trển các thành phần kinh tế, thu hút các nguồn vốn FDI  nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước, đồng thời phát huy được tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Phát triển các nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực trên cơ sở tập trung vào 5 thành tố trọng tâm gồm: thành tố về Đảng, thành tố về Dân tộc, thành tố về Công cuộc đổi mới, thành tố về Bảo vệ Tổ quốc và thành tố về Mục tiêu phát triển đất nước trong chủ đề đại hội lần thứ XIII của Đảng.
   Trong quá trình phát triển đất nước, Nhà nước cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế gắn với hạ tầng xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh và an toàn cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời có những giải pháp hữu hiệu bảo vệ tài nguyên và môi trường, qua đó góp phần bảo đảm sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Xây dựng, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” phải gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, đặt trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.
   Để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong điều kiện mới, cần phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc. Tích cực, chủ động tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân nắm vững, hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; chú trọng giáo dục cho nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ thấy rõ các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cách mạng nước ta, từ đó có những biện pháp phòng tránh hữu hiệu đồng thời tăng “sức đề kháng” trong nhân dân.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Tập 1, 2021.
[5]  Nông Đức Mạnh. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước. Tạp chí Cộng sản số 21, tháng 7/2003
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[9] Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2019.
 

Tác giả bài viết: TS. Hoàng Thị Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay6,013
  • Tháng hiện tại113,033
  • Tổng lượt truy cập9,314,690
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây