Tìm hiểu những điểm mới của Luật Viên chức sửa đổi

Chủ nhật - 08/03/2020 21:39 3.909 0
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và sẽ có hiệu lực ngày 01/7/2020 đã bổ sung thêm nhiều điểm mới về hợp đồng làm việc, đánh giá viên chức, xử lý kỷ luật….

1. Về hợp đồng làm việc
Một là, hợp đồng không xác định thời hạn chỉ được áp dụng trong 3 trường hợp 
Tại khoản 2, Điều 2 sửa đổi, bổ sung Điều 25, Luật Viên chức hiện hành, việc thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp:
+ Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; 
+ Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; 
+ Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Có thể thấy quy định này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như đồng bộ với những văn bản khác về công tác cán bộ hiện nay…
Đồng thời, tại khoản 10 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức năm 2019 đã bổ sung thêm quy định về hướng giải quyết với những viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nhưng chưa ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Theo đó, những đối tượng này sẽ được tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết. Sau khi hết thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được ký hợp đồng không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định.
Hai là, bỏ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng từ 01/7/2020 và kéo dài thời hạn hợp đồng làm việc từ 36 tháng lên 60 tháng
Luật sửa đổi lần này chính thức bỏ hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là “chế độ biên chế suốt đời” với các đối tượng được tuyển dụng mới từ ngày 01/7/2020. Do đó, với những người được tuyển dụng mới từ 01/7/2020, sau khi hợp đồng xác định thời hạn hết hạn, nếu đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhu cầu sử dụng viên chức sẽ phải ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn mà không được chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn như hiện nay.
Ngoài ra, tăng thời hạn ký kết đối với hợp đồng xác định thời hạn, nếu trước đây, thời hạn thực hiện hợp đồng làm việc là từ 12 tháng đến 36 tháng thì tại khoản 2 Điều 2 Luật này cũng sửa đổi, bổ sung thời hạn thực hiện hợp đồng. Theo đó, Luật sửa đổi sẽ nâng thời hạn thực hiện hợp đồng xác định thời hạn của viên chức từ 36 tháng như quy định hiện nay lên 60 tháng. Việc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng làm việc tạo nhiều thuận lợi cho viên chức trong việc làm quen và phát huy được khả năng của mình trong công việc với vị trí được tuyển dụng. Đặc biệt: Trước khi hết hạn 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng với viên chức. Trong đó, nếu viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và đơn vị còn nhu cầu thì bắt buộc phải ký tiếp hợp đồng. Ngược lại, nếu từ chối thì phải có văn bản nêu rõ lý do vì sao.
Như vậy, quy định mới đã tạo sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
2. Về nội dung đánh giá viên chức 
Nội dung đánh giá viên chức cũng được sửa đổi, bổ sung trong Luật Viên chức. Nếu như trước đây, Tại Điều 41, Luật Viên chức nêu rõ, việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… thì nay đã được quy định rõ: Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Quy định này tạo sự rõ ràng, thuận lợi hơp và phù hợp với mỗi ngành nghề khác nhau với các tiêu chuẩn, nội dung khác nhau khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ.
 3. Về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
Điều 29 Luật hiện hành quy định có 05 trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức: Có 02 năm liên tiếp bị đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; Bị buộc thôi việc; Bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục (làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn); Bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục (làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn); Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng buộc đơn vị sự nghiệp công lập phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm của viên chức không còn; Đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức đã bổ sung thêm 01 trường hợp (tại điểm e khoản 1 Điều 29) là khi viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự sẽ là một trong những trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Như vậy, từ 01/7/2020 sẽ có 06 trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với viên chức. Tóm lại, viên chức sẽ bị hủy kết quả tập sự nếu thuộc trường hợp sau: Không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự; Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Do đó, việc bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý, vừa phù hợp với yêu cầu thực tiễn vừa thống nhất các quy định của pháp luật và giúp cho việc vận dụng pháp luật dễ dàng hơn.
 4. Về thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật 
Thứ nhất, viên chức vẫn được xem xét nghỉ hưu khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử và có thể sẽ được xem xét bổ nhiệm lại hoặc bố trí vào vị trí thấp hơn nếu bị kỷ luật.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Viên chức 2010, về việc viên chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Và trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được giải quyết nghỉ hưu.
Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung đã nới lỏng hơn về điều này. Cụ thể:
- Nếu bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì “không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn”. Đồng nghĩa với việc bắt đầu từ 2020, nếu bị kỷ luật có thể sẽ được xem xét bổ nhiệm lại hoặc bố trí vào vị trí thấp hơn.
- Đang trong thời hạn xử lý kỷ luật chỉ không bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc mà không còn quy định không giải quyết chế độ nghỉ hưu. Như vậy, khi trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức vẫn được xem xét cho nghỉ hưu.
Thứ hai, thay đổi về trường hợp áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật, thời hạn xử lý kỷ luật
Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó viên chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật. Theo đó, việc xử lý kỷ luật viên chức sắp tới sẽ được quy định cụ thể theo mức độ vi phạm kể từ thời điểm có hành vi vi phạm như hiện nay:
- 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
- 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
 - Đối với hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không thuộc các trường hợp không áp dụng thời hiệu gồm:
+ Viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
+ Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
+ Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung kéo dài thêm 30 ngày, theo quy định tại khoản 3 Điều 53: Thời hạn xử lý kỷ luật không quá không quá 90 ngày (trước đây là 02 tháng); trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày. (trước đây là 04 tháng).
Như vậy, có thể thấy, việc kéo dài thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật đảm bảo sự thống nhất với các quy định khác và đảm bảo đúng tính chất của vụ việc. Mặt khác, kỷ luật viên chức được siết chặt hơn rất nhiều so với bây giờ, không chỉ kéo dài thời hiệu kỷ luật đến 5 năm mà còn bổ sung thêm hành vi viên chức vi phạm sẽ bị lỷ luật bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, quy định mới về thời hiệu, thời hạn tạo nên tính công khai, minh bạch trong xử lý kỷ luật viên chức. Qua đó, tránh hiện tượng cào bằng mức độ vi phạm như hiện nay.
Tóm lại, việc sửa đổi, bổ sung quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ biên chế suốt đời với viên chức. Việc này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn nhằm tránh tình trạng tham nhũng, giữ ghế… trong bộ phận viên chức hiện nay. Ngoài ra, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay như về nội dung đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; bổ sung trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật…

Tác giả bài viết: Hạnh Dung

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay7,419
  • Tháng hiện tại145,243
  • Tổng lượt truy cập8,917,290
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây