Ra đi tìm đường cứu nước - quyết định bản lĩnh, sáng tạo và độc đáo của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành

Thứ tư - 04/03/2020 20:57 6.433 0
Vào giữa năm 1911 đã diễn ra một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại đối với dân tộc Việt Nam: Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Hơn một trăm năm qua, khi nói về cuộc ra đi của Người, hàng triệu trái tim người Việt Nam lại bồi hồi, xúc động. Tại sao? Như thế nào? Hiểu rõ về cuộc ra đi của Người khiến chúng ta thêm tự hào về sự vĩ đại của một tấm lòng yêu nước, thương dân, qua đó cũng để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc một cách lạc lõng về mục đích của cuộc ra đi lịch sử của Người.
Ngày 05/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mới vừa tròn 21 tuổi, nhưng với lòng yêu thương dân tộc sâu sắc, ý chí tìm đường cứu nước mãnh liệt, đã lên chiếc tàu mang tên Đô đốc Latouche Tréville, của hãng Nǎm Sao, rời Sài Gòn đi Marseille Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Tại sao Người lại chọn sang phương Tây? Mục đích của cuộc ra đi là gì? Có rõ ràng hay là vô định? Hay chỉ “đơn thuần vì cuộc mưu sinh”, “vì mục đích kinh tế” như lập luận của một số phần tử âm mưu xuyên tạc, đòi “viết lại lịch sử” với những mưu đồ xấu xa, đen tối?
Trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỉ XX, dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, nhân dân ta chịu nhiều lầm than, cực khổ, bị chà đạp, áp bức, bóc lột tàn bạo, đã có rất nhiều phong trào yêu nước của các văn thân sĩ phu yêu nước nổ ra nhưng tất cả đều thất bại. Trước bối cảnh ấy, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra: đất nước đi về đâu? Dân tộc đi về đâu? Ai sẽ là người đứng ra giải phóng dân tộc? 
Thời bấy giờ, sau khi cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám kết thúc trong sự thất bại, không ít chí sĩ yêu nước chuyển dần sang một hướng mới mà nhiều người kỳ vọng. Đó là phong trào Đông du hướng sang nước Nhật Bản, tiêu biểu là nhà cách mạng Phan Bội Châu. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rất ngưỡng mộ lòng yêu nước của các bậc tiền bối nhưng không đồng tình với con đường cứu nước của họ. Anh đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc và không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Theo Anh con đường cứu nước của Hoàng Hoa Thám còn “mang nặng cốt cách phong kiến” đã không thể dẫn tới thắng lợi, con đường cầu viện Nhật Bản của Phan Bội Châu chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, còn con đường cải lương của Phan Châu Trinh chẳng khác gì đến “xin giặc rủ lòng thương”. Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự trăn trở về vận mệnh dân tộc, bằng sự hiểu biết của bản thân, Nguyễn Tất Thành sớm nhận ra con đường do những người đi trước lựa chọn sẽ không giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Nguyễn Tất Thành đã chọn một hướng đi mới: sang phương Tây, nơi có những cuộc cách mạng tư sản điển hình, có nền khoa học kỹ thuật phát triển, học tập họ để mưu cầu về “cởi ách” cho dân tộc Việt Nam. 
Tại sao Hồ Chí Minh lại chọn phương Tây trong hành trình đầu tiên tìm đường cứu nước? Câu trả lời được tìm thấy ngay trong lời kể của Người: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái … Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau ba chữ ấy”(1) . Vì thế, Người sang Pháp với mong muốn đến tận hang ổ của kẻ xâm lược để xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào. 
Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, đưa dân tộc đi đến được với độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn nhiều lần. Nói về quyết định sang Pháp tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ viết: “Đây là sự vượt qua những lối mòn cũ kỹ để tìm cho được con đường mà dân tộc cần đi. Đấy là sự khẳng định một bản lĩnh, một khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo mà dân tộc đang đòi hỏi”(2) .
Trước lúc ra đi tìm đường cứu nước Nguyễn Tất Thành cũng có những suy nghĩ lo âu, muốn có người bên cạnh để bầu bạn, giúp đỡ nhau trong hành trình dài. Vì vậy, Người đã rủ một người bạn đi cùng. Nhưng khi người bạn hỏi “chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?" Nguyễn Tất Thành đã trả lời : "Đây, tiền đây" - Anh bạn của tôi vừa nói vừa giơ hai bàn tay - "Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ?"(3) , người thanh niên kia đã không đủ can đảm, dũng khí để sang Pháp cùng Nguyễn Tất Thành. Người một mình, tay trắng vẫn quyết định lên tàu, ra đi tìm đường cứu nước. Nếu không có lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước và hoài bão to lớn thì Người có quyết định ra đi hay không? Vì vậy quyết định sang sang Pháp của Người đã vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa. Việc chọn hướng đi đúng là điểm mới rất quan trọng thể hiện bản lĩnh độc lập và tư duy sáng tạo, đã mở ra thành công trên con đường cách mạng của Người và mở ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam.
Mục đích sang phương Tây của Hồ Chí Minh cũng khác và thể hiện tầm nhìn vượt trội so với những nhà cách mạng tiền bối. Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh nhiều năm sống ở Pari (Pháp) nhưng không phát hiện được bản chất của chủ nghĩa thực dân, mà còn đặt niềm tin vào con đường “ỷ Pháp cầu tiến”. Còn Nguyễn Tất Thành sang phương Tây là để khảo sát, nghiên cứu, “xem người ta làm thế nào”, chứ không phải đi cầu ngoại viện. Vì vậy, Người đã hiểu rất sâu sắc bản chất của chủ nghĩa thực dân và đồng cảm, xúc động rút ra những nhận xét sâu sắc: xã hội thì đâu đâu cũng có cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Người đau nỗi đau chung của nhân loại và nỗi đau riêng của người dân Việt Nam bị áp bức, bị mất quyền tự do, độc lập. Đây là điểm khác biệt lớn của Hồ Chí Minh so với những nhà yêu nước Việt Nam tiền bối trong việc tìm con đường giải phóng dân tộc.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Người rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc, chúng ta càng thấy tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của sự kiện này. Sự kiện đó đã chứng tỏ bản lĩnh của Người. Quyết định sang Pháp là sự lựa chọn hướng đi đúng, hướng đi khác so với những nhà cách mạng tiền bối, thể hiện sự nhạy cảm và sáng tạo độc đáo trong suy nghĩ và hành động của Nguyễn Tất Thành. Lịch sử đã khẳng định, sau nhiều năm tháng hoạt động, người thanh niên đó từ Nguyễn Tất Thành trở thành Nguyễn Ái Quốc, từ một người đi tìm đường cứu nước trở thành người dẫn đường cho cả dân tộc./.
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập10, tr.5.
(2),(3) Đặng Xuân Kỳ, Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí minh. NXB Thông tin lý luận.  Hà Nội,1990, Tr. 11; Tr. 9
 

Tác giả bài viết: Phạm Xuân Quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay7,577
  • Tháng hiện tại145,401
  • Tổng lượt truy cập8,917,448
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây