Để thi vấn đáp không còn là “gánh nặng” đối với học viên học tập lý luận chính trị tại Trường Chính trị Bình Phước

Thứ ba - 10/03/2020 05:09 1.941 0
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, hiện nay Trường Chính trị tỉnh Bình Phước đang áp dụng đa dạng các hình thức đánh giá kết quả học tập như tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp…Tuy nhiên, hầu hết học viên hiện nay vẫn đang xem thi vấn đáp là một “gánh nặng”. Cần làm gì để giải tỏa tâm lý trên?
    Với đặc thù đối tượng học viên học tập các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường là cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, là những người có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm công tác, khi áp dụng hình thức thi vấn đáp để đánh giá kết quả học tập sẽ có nhiều điểm tích cực đối với cả học viên lẫn giảng viên. 
       Đối với học viên, thi vấn đáp là dịp để học viên trực tiếp thể hiện những kiến thức mình đã thu nhận được trong quá trình học tập, hiểu rõ bản chất của vấn đề qua liên hệ thực tiễn công tác của bản thân; rèn luyện khả năng trình bày bằng ngôn ngữ nói, tránh tình trạng lúng túng khi phải trình bày một vấn đề nào đó trước đông người; khi trả lời câu hỏi, những kiến thức còn thiếu, chưa chính xác, chưa đúng yêu cầu… giảng viên có thể gợi ý, hướng dẫn học viên thay đổi cách tư duy, tập trung vào nội dung cơ bản của vấn đề cần trình bày, qua đó góp phần củng cố kiến thức cho học viên…
       Đối với giảng viên, với vai trò là giám khảo thi vấn đáp, giảng viên có cơ hội trực tiếp kiểm tra mức độ đáp ứng của học viên với những nội dung của các câu hỏi, qua đó có thể trực tiếp đánh giá kết quả giảng dạy và có những điều chỉnh nếu cần thiết. Đồng thời, giảng viên có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của học viên, thu nhận những kiến thức, kinh nghiệm thực tế tại đơn vị, địa phương của học viên, từ đó làm giàu thêm kiến thức, kỹ năng, nhất là kiến thức thực tế của giảng viên.
        Tuy nhiên, quá trình thực hiện đánh giá kết quả bằng hình thức thi vấn đáp tại nhiều lớp học ở Trường Chính trị tỉnh gặp phải một rào cản khá lớn đó chính là tâm lý e ngại của học viên trước mỗi kỳ thi vấn đáp. Có rất nhiều lý do học viên đưa ra để lý giải cho tình trạng này: Do học viên hầu hết là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, cán bộ cấp cơ sở phải vừa học vừa làm, thời gian tự học hạn chế nên không tự tin đảm bảo nắm bắt tất cả kiến thức; áp lực tâm lý khi phải trình bày trước giám khảo khá nặng nề; kỹ năng thuyết trình còn hạn chế…
        Để thực hiện tốt hình thức đánh giá kết quả học tập này, đặc biệt là giải tỏa áp lực tâm lý nặng nề của học viên khi thi vấn đáp, xin đưa ra một số lưu ý:
        Về phía giảng viên các khoa chuyên môn: (1) Để thực hiện hình thức thi vấn đáp hiệu quả, nên bắt đầu từ khâu giảng dạy, học tập. Giảng viên cần sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của học viên, tăng cường hỏi đáp, phỏng vấn nhanh, phỏng vấn sâu, một mặt giúp học viên lĩnh hội tốt hơn các nội dung kiến thức, mặt khác tạo cơ hội để học viên mạnh dạn hơn trong phát biểu ý kiến trước tập thể. (2) Bên cạnh đó, cần chú ý đến việc xây dựng bộ câu hỏi thi vấn đáp. Các câu hỏi phải căn cứ vào đối tượng học (là học viên cấp cơ sở hay cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, huyện, thành phố), từ đó, giảng viên có thể xác định dung lượng kiến thức trong mỗi câu hỏi nhiều hay ít; khó hay dễ. Các câu hỏi có thể theo hướng giảm các yêu cầu học thuộc, tăng yêu cầu lập luận, phân tích, đánh giá, nhận xét, tức là kiểm tra việc học viên hiểu như thế nào đối với một vấn đề. Mặt khác, giảng viên cần chuẩn bị tốt các câu hỏi phụ gắn với thực tiễn công tác của mỗi học viên để hỗ trợ, gợi ý học viên khi hỏi. (3) Giảng viên cần chuẩn bị tốt tâm lý khi hỏi thi, cần có thái độ hòa nhã, sẵn sàng chia sẻ đối với học viên khi hỏi thi, tránh gây áp lực nặng nề cho học viên; cần chuẩn bị tốt kiến thức để có thể gợi ý làm rõ các vấn đề còn vướng mắc cho học viên khi hỏi thi.
        Về phía học viên: (1) Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất để thực hiện tốt một bài thi vấn đáp là học viên phải thoải mái về mặt tâm lý. Hãy luôn tin tưởng rằng giám khảo hỏi thi vấn đáp là người “đồng hành”, “giúp đỡ” học viên thực hiện tốt bài thi thông qua việc động viên tinh thần học viên, gợi ý các vấn đề học viên đang gặp khó khăn…(2) Khi chuẩn bị và trả lời các câu hỏi vấn đáp, học viên nên trình bày cách hiểu của mình đối với nội dung học tập chứ không nhất thiết phải thuộc từng câu, từ; đặc biệt cần vận dụng tốt kiến thức đã học vào thực tế địa phương, đơn vị; (3) Để khắc phục tình trạng mất tự tin, học viên cần tập dượt trước bằng cách nhờ một ai đó đóng vai người hỏi và mình là người trả lời. Đừng ngại khi phải thừa nhận kỹ năng giao tiếp, thuyết trình của mình không tốt; (4) Học viên cần có thái độ nghiêm túc khi thi vấn đáp, tránh suy nghĩ học qua loa, học tủ, ôn tập tốt và luôn luôn tự tin khi trả lời câu hỏi, nói rõ ràng, nói theo cách hiểu và nghĩ của mình. Khi trình bày, học viên nên nhìn vào người đối diện, không nên cúi mặt hay nhìn đi chỗ khác, cần thể hiện sự tôn trọng của mình đối với giảng viên và tập trung vào việc trả lời câu hỏi với thái độ nghiêm túc.
        Thi vấn đáp là một hình thức đánh giá kết quả học tập có nhiều ưu điểm trong học tập lý luận chính trị. Nếu cả giảng viên và học viên đều có sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý lẫn kiến thức thì mỗi kỳ thi vấn đáp sẽ không còn những căng thẳng, e ngại. Khi đó, thi vấn đáp thật sự sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước./.

Tác giả bài viết: Lương Thị Hồng Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay7,632
  • Tháng hiện tại145,456
  • Tổng lượt truy cập8,917,503
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây