Chào mừng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3: Xây dựng gia đình hạnh phúc làm nền tảng cho xã hội hạnh phúc

Thứ tư - 18/03/2020 23:10 1.440 0
Gia đình là tế bào của xã hội, có quan hệ mật thiết với cơ thể sống xã hội; xây dựng gia đình hạnh phúc là một trong những nhân tố quan trọng hình thành nên một xã hội hạnh phúc.
         Như chúng ta đã biết, gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố trên cơ sở hôn nhân và huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”(1). Gia đình là tế bào của xã hội, có quan hệ mật thiết với cơ thể sống xã hội; xây dựng gia đình hạnh phúc là một trong những nhân tố quan trọng hình thành nên một xã hội hạnh phúc.
         1. Về một xã hội Việt Nam hạnh phúc
        Tùy đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh mà mỗi xã hội có quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Ở Việt Nam, xây dựng xã hội hạnh phúc là một trong những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà toàn thể dân tộc ta đang hướng tới, gắn với “Độc lập”, “Tự do”. Theo PGS.TS Lê Ngọc Văn - Viện Nghiên cứu gia đình và giới trong đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Hạnh phúc của người Việt Nam: quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá” thì xã hội Việt Nam hạnh phúc là xã hội quan tâm chăm lo đến hạnh phúc của con người, vì con người. Có ba bộ phận tạo nên hạnh phúc là điều kiện kinh tế vật chất, quan hệ gia đình xã hội và đời sống tinh thần. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển đất nước của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay khi tập trung ưu tiên phát huy dân chủ, chăm lo cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân. Xã hội tạo điều kiện cho con người được phát triển toàn diện cá nhân. Người dân có ý thức tự tôn, tự chủ, tự cường và lòng tự hào dân tộc, có tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động, yêu thương chia sẻ giữa con người với con người; xã hội không có sự phân biệt đối xử giàu nghèo, không có lối sống thực dụng vô cảm, không quá đề cao, coi trọng vật chất, mà lấy thước đo tinh thần làm chỉ số đánh giá hạnh phúc của cuộc đời, cuộc sống. Đất nước có môi trường sống trong lành, không sử dụng các chất hóa học độc hại, các chất kích thích, chất nhân tạo can thiệp vào các loại cây trồng, vật nuôi, không lạm dụng các chất phụ gia để bảo quản thực phẩm; cuộc sống của người dân luôn có sự an tâm, an toàn, an ninh...
          Để xây dựng được một xã hội hạnh phúc với những định hướng tốt đẹp nói trên, cần có sự chung sức, nỗ lực của xã hội trên nhiều phương diện, đặc biệt cần ưu tiên hàng đầu việc quan tâm, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc làm nền tảng cho xã hội hạnh phúc.
         2. Xây dựng gia đình hạnh phúc 
        Gia đình được xem là một xã hội thu nhỏ, do vậy, xây dựng một gia đình hạnh phúc cũng dựa trên các yếu tố tạo nên một xã hội hạnh phúc, bao gồm: yếu tố kinh tế - vật chất, quan hệ gia đình - xã hội và đời sống văn hóa - tinh thần.
       Thứ nhất, quan tâm chăm lo phát triển đời sống kinh tế - vật chất của gia đình: “Mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh”, không gia đình nào giống nhau về điều kiện, khả năng kinh tế. Tuy nhiên, cần hướng đến mặt bằng chung về “gia đình ấm no” trong giai đoạn hiện nay với nhận định chung là gia đình có mức sống và thu nhập trung bình trở lên so với mặt bằng chung của xã hội; Có nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên hoặc nhiều nguồn thu, có kinh nghiệm quản lý kinh tế gia đình. Các thành viên trong gia đình có sức khỏe, nhanh nhạy, có sự nỗ lực vươn lên trong hoạt động kinh tế. Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường đã tạo ra nhiều cơ hội cho các thành viên làm kinh tế. Hoạt động kinh tế gia đình dưới nhiều hình thức và mức độ thu nhập khác nhau, sẽ góp phần phát triển nền kinh tế đất nước và  đáp ứng được nhu cầu kinh tế phong phú, đa dạng, ngày càng tăng của các gia đình.
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xã hội luôn tạo điều kiện cho các gia đình nghỉ ngơi, hưởng thụ hợp lý các thành quả lao động chính đáng của gia đình, khuyến khích các gia đình nâng cao thu nhập, tiêu dùng lành mạnh, hợp lý, đảm bảo các vấn đề ăn, mặc, ở,  áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại vào gia đình để giải phóng lao động nặng nhọc, nhất là công việc nội trợ, nâng cao chất lượng sống, là sự phản ánh phương diện văn minh vật chất trong gia đình. 
          Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của từng gia đình, hiện nay, xã hội đã phát triển nhiều hệ thống dịch vụ tiêu dùng phong phú, đa dạng như: mua bán, trao đổi trên internet, các siêu thị, bách hóa, cửa hàng bán lẻ, phục vụ tận nhà...Tuy vậy, cách thức tiêu dùng vẫn do mỗi gia đình tự cân đối, quyết định, vì nó liên quan đến thu nhập hàng tháng, đến điều kiện kinh tế ở từng thời điểm cụ thể, sự cân nhắc tính toán và những điều không mong đợi. Các hoạt động tiêu dùng của gia đình góp phần tái tạo thể chất và tinh thần, duy trì sở thích, sắc thái sinh hoạt riêng của từng gia đình và các thành viên, góp phần tạo cầu cho sản xuất xã hội phát triển. Việc tiêu dùng các sản phẩm vật chất và tinh thần diễn ra trong từng gia đình còn phụ thuộc vào thu nhập, kết quả lao động và sự đóng góp của các thành viên.
        Thứ hai, chăm lo xây dựng quan hệ gia đình – xã hội hài hòa, tốt đẹp: Các thành viên trong gia đình liên kết chặt chẽ với nhau do các mối quan hệ tình cảm ruột thịt, giống nòi, quan hệ kinh tế, văn hóa, đạo đức và nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các thành viên tạo nên. Đặc trưng bản chất nhất của gia đình là tình cảm, thể hiện trong mối quan hệ ruột thịt giữa ông bà - cha mẹ - con cháu; mối quan hệ nuôi dưỡng, giáo dục... Trong gia đình, các thành viên thương yêu, tôn trọng sở thích, thói quen của nhau, kể cả ưu điểm và hạn chế, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, hiểu về giới tính, về sự thay đổi thể chất, sức khỏe ở mỗi người là cơ sở quan trọng cho sự tiến bộ của xã hội.
         Sinh con không chỉ là nhu cầu tình cảm, duy trì huyết thống của mỗi gia đình mà còn góp phần cung cấp công dân mới cho xã hội, đảm bảo sự liên tục phát triển của xã hội. Việc sinh đẻ diễn ra trong từng gia đình nhưng lại liên quan đến vấn đề dân số, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế và chất lượng sống của từng gia đình và xã hội. Vì vậy, cần phải thực hiện sinh đẻ có kế hoạch để cân bằng sự phát triển dân số và để nuôi dạy con cho tốt. Trong mỗi gia đình, sự khác biệt về tuổi tác, kinh nghiệm, sở thích, thói quen, nhận thức, tâm lý, tính cách là không thể tránh khỏi, vấn đề là ở chỗ phải biết nhường nhịn và tìm tiếng nói chung, khắc phục sự khác biệt, phát huy điểm tương đồng...Từ đó, gia đình mới thực sự trở thành tổ ấm của các thành viên, tạo bầu không khí vui tươi, bình yên, giải tỏa mọi lo lắng, trăn trở, búc xúc, bất hạnh mà mỗi thành viên có thể gặp phải. Sự hiểu biết, tôn trọng, nhường nhịn, ứng xử tế nhị, chân thành, đạo đức giữa các thành viên là điều kiện tiên quyết làm cho gia đình hạnh phúc, giúp cho các thành viên yên tâm sống và làm việc.
          Thứ ba, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa - tinh thần: Đây là một trong những yếu tố làm cho gia đình đạt được chuẩn mực văn minh, tiến bộ. Cần xây dựng đời sống văn hóa - tinh thần của gia đình theo hướng vừa kế thừa được những nét đẹp của gia đình văn hóa truyền thống Việt Nam, vừa phát huy được những tiến bộ của thời đại về gia đình, loại bỏ được những hủ tục lạc hậu và lối sống không tiến bộ. Nét đẹp của gia đình văn hóa truyền thống Việt Nam là trong gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng chung thủy, anh chị em ruột yêu thương, giúp đỡ và có trách nhiệm với nhau. Quan hệ ứng xử giữa các thành viên  trong gia đình thể hiện sự tiến bộ, trên kính, dưới nhường, có nề nếp, hòa thuận. 
         Giáo dục trong gia đình là việc làm thường xuyên của gia đình thông qua việc nhắc nhở, dạy dỗ, khuyên răn con cái; nuôi con và dạy con gắn liền với nhau, góp phần hình thành nhân cách của con trẻ từ thời thơ ấu, đồng thời duy trì và phát triển văn hóa gia đình, cộng đồng. Nội dung giáo dục của gia đình rất đa dạng, phong phú với phương pháp đặc thù của gia đình và sự làm gương của ông bà, cha mẹ, sự chung tay, nỗ lực của các thành viên; phải hiểu biết kiến thức khoa học, công nghệ, tâm lý con trẻ trong từng độ tuổi, để định hướng nhận thức, ổn định tâm lý. Cần giáo dục con cái hướng đến những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, những kỹ năng sống như: biết cách tiêu dùng hợp lý, quý trọng sức lao động, công lao cha mẹ, biết quý trọng người sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục. Ngoài ra, các gia đình cũng cần tích cực thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới, đăng ký trở thành gia đình văn hóa, loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong gia đình; thực hiện tốt các cam kết với cộng đồng, hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân, đảm bảo gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội.
         Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng hạnh phúc là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Thực hiện tốt các yếu tố xây dựng một gia đình hạnh phúc cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam hạnh phúc./.
---------------------
(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1996, t.9, tr.523.

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay7,810
  • Tháng hiện tại190,514
  • Tổng lượt truy cập9,152,876
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây