Trường Chính trị tỉnh Bình Phướchttps://truongchinhtri.edu.vn/home/uploads/lg.png
Thứ sáu - 03/12/2021 01:408280
Thực hiện Quyết định số 547/QĐ-BNV ngày 23/4/2021 của Bộ Nội vụ về việc phê duyệt kế hoạch biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc S’tiêng cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi tỉnh Bình Phước và Công văn số 1015/UBND-NC ngày 30/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về việc giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện biên soạn, chỉnh sửa tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi của tỉnh Bình Phước.
Ngày 03/12/2021 Trường Chính trị chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh, Ban Dân tộc - Hội đồng nhân dân tỉnhtổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý xây dựng chương trình khung” và Hội thảo “Góp ý xây dựng chương trình chi tiết tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc S'tiêng” Đồng Chủ trì hội thảo do ThS. Nguyễn Thanh Thuyên - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, ThS. Điểu Nen - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh. Tham dự Hội thảo có PGS.TS.GVCC.Buôn Krông Tuyết Nhung, H Wen Aliô - Phó Giám đốcTrung tâm KHXH & NV, Trường Đại học Tây Nguyên; cán bộ, công chức là người S’tiêng đang công tác tại các xã thuộc các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, hớn Quản, Đồng Phú và giáo viên là người S’tiêng của các trường THPT, THCS và tiểu học trên địa bàn tỉnh và toàn thể cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Hội thảo đã tập trung thảo luận, cho ý kiến góp ý xây dựng chương trình khung, chương trình chi tiết tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc S'tiêng. Tại Hội thảo, đa số các đại biểu thống nhất cao với nội dung chương trình khung, chương trình chi tiết được xây dựng đảm bảo theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Nội dung, chủ đề, các bài học, thời lượng đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh Bình Phước và văn hóa của người S'tiêng, phù hợp với đối tượng người học là cán bộ, công chức công tác ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chương trình đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, kỹ năngluyện nghe, nói, đọc, viết tiếng S’tiêng; đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa việc dạy ngôn ngữ với trang bị kiến thức cơ bản về văn hóa, phong tục, tập quán của người S'tiêng.Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng, cần quan tâm xây dựng phương ngữ của người S’tiêng đảm bảo tính thống nhất, tương đồng giữa các vùng, miền, những từ có cách viết, cách phát âm khác nhau giữa các vùng, miền nên đưa vào bộ từ khóa hoặc xây dựng bộ từ điển để thuận tiện trong quá trình học tập, tra cứu, tránh những rào cản trong quá trình giao tiếp của người S’tiêng bởi sự khác nhau giữa các phương ngữ S’tiêng ở các vùng, miền khác nhau trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Điểu Nen - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng người S’tiêng ở Bình Phước sống tập trung ở các huyện Bù Đăng, Phước Long, Bù Gia Mập, Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đốp… Mỗi một vùng, địa phương sử dụng phương ngữ và cách phát âm khác nhau. Chính vì vậy, sự quan tâm lớn nhất của lãnh đạo tỉnh và Ban Biên soạn là hướng đến việc nghiên cứu xây dựng bộ khung chữ viết của người S’tiêng đảm bảo tính thống nhất, bước đầu khi các vùng, địa phương khác nhau tiếp cận với hệ thống ngôn ngữ chữ viết của người S’tiêng, chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn nhưng về lâu dài sẽ đảm bảo tính thống nhất trong quá trình giao tiếp ngôn ngữ người S’tiêng ở tỉnh Bình Phước hiện nay. Ban biên soạn xin ghi nhận tất cả các ý kiến góp ý của đại biểu, sẽ tiếp thu, chỉnh sửa những nội dung cần thiết dựa trên phương ngữ chuẩn của người S’tiêng và có chú thích phù hợp với từng vùng, miền, địa phương để khi ban hành đảm bảo tính ứng dụng trong thực tiễn và phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán, tâm lý của người S’tiêng.