Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (30/9/1910 – 30/9/2020): Nữ lãnh đạo tiền bối tiểu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Chủ nhật - 27/09/2020 21:23 1.572 0
Là một học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh, nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai đã sống, chiến đấu anh dũng, kiên cường, một lòng với Đảng, với Tổ quốc cho đến giờ phút hy sinh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, viết lên bản anh hùng ca bất diệt của toàn thể dân tộc Việt Nam và trở thành tấm gương đạo đức cách mạng tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam.
          Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910, tại xã Vịnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình công chức nhỏ. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Nguyễn Thị Vịnh vẫn được bố mẹ cho theo học chữ quốc ngữ từ nhỏ. Sau khi học hết lớp Nhì, chị chuyển sang học lớp Nhất trường Cao Xuân Dục và được các thầy giáo Trần Phú, Hà Huy Tập dạy học và giác ngộ cách mạng. Sống trong cảnh nước mất nhà tan, phải chứng kiến sự cai trị rất hà khắc của thực dân Pháp và tay sai đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nghệ - Tĩnh nói riêng, chị căm thù giặc sâu sắc và tham gia hoạt động cách mạng từ khi vừa tròn 16 tuổi, trong phong trào học sinh đấu tranh tại Vinh. Năm 1927, Nguyễn Thị Vịnh gia nhập Việt Nam Cách mạng Đảng( tên gọi mới của Hội Phục Việt)  và được giao nhiệm vụ phụ trách công tác vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên mới ở khu vực Vinh - Bến thủy và hai huyện Nghi Lộc và Thanh Chương. Để giữ bí mật, Nguyễn Thị Vịnh đã đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai.
           Đầu năm 1929, được sự đồng ý của tổ chức, đồng chí bí mật thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên. Cuối năm 1930, được tổ chức cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (với bí danh Lý Thụy) trực tiếp giáo dục về lý luận chính trị, kinh nghiệm hoạt động cách mạng, nhờ vậy đồng chí tiến bộ rất nhanh và được giao nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước, vừa công tác, đồng chí vừa tranh thủ học thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc. Cuối năm 1934, với bí danh là Phan Lan, đồng chí được Đảng cử đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mátxcơva cùng với đồng chí Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Nọn. Ngày 16-8-1935, lần đầu tiên trên diễn đàn của một đại hội quốc tế, khi ấy đồng chí mới 25 tuổi đã dõng dạc đọc bài tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và bảo vệ hoà bình.
minh khai 2
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và bà Crup-xkai-a (vợ Lê-Nin), tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7/1935 (Ảnh tư liệu: baotanglichsu.vn)
           Từ năm 1935 đến năm 1936, đồng chí tham gia khóa học ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông. Năm 1937, Nguyễn Thị Minh Khai về nước hoạt động cách mạng và được phân công về công tác tại Sài Gòn và được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn giữa lúc phong trào dân chủ 1936 - 1939 đang diễn ra hết sức sôi nổi. Đây là phong trào cách mạng diễn ra trên quy mô rộng lớn toàn quốc thu hút đông đảo nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, sử dụng những hình thức và phương pháp đấu tranh linh hoạt, phong phú, sinh động, có tổ chức dưói sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ. Quần chúng được giác ngộ về chính trị, trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng. Phong trào đã động viên, giáo dục, tổ chức và lãnh đạo đấu tranh, đồng thời đập tan những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc với những hành động phá hoại của các thế lực phản động khác.
         Ngày 30-7-1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt. Chúng đưa đồng chí về Khám Lớn Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Trong tù, đồng chí tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh. Khi bị sa vào tay giặc, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai biết giặc Pháp sẽ giết mình. Đứng trước lằn ranh giữa sự sống và cái chết, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai suy nghĩ và bình tĩnh chuẩn bị cho ngày vĩnh biệt đồng chí, đồng bào. Trước lúc hy sinh, đồng chí còn kịp làm ba việc: Một là gửi lời vĩnh biệt tới người chồng thương yêu đang bị đày ngoài Côn Đảo, hai là gửi lời cảm ơn đến những đồng chí đang nuôi nấng Hồng Minh, ba là tước vải quần áo nhà tù, khâu một chiếc áo gối gửi tặng mẹ gọi là một chút lòng hiếu thảo của người con đối với mẹ. Ngã xuống khi mới 31 tuổi, trước khi ra pháp trường, đồng chí đã nhắn nhủ đồng bào, đồng chí:

“Vững chí bền gan ai hỡi ai,
Kiên tâm giữ dạ mới anh tài.
Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ,
Con đường cách mạng vẫn chông gai.”
 
Tuổi trẻ Nghệ An dâng hương tưởng niệm nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai
 Thế hệ thanh niên Nghệ An tham quan nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai nằm trên đại lộ Quang Trung, phường Quang Trung,thành phố Vinh (tienphong.vn)
            Đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”. Cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ và tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là biểu tượng sáng ngời cho người phụ nữ Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là con đường đầy chông gai, gian khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đồng chí luôn phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, vẹn nguyên tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng, giữ vững niềm tin cách mạng và khí tiết, phẩm chất đạo đức người chiến sỹ cộng sản. Tuy cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kịp hoàn thành nhiều công việc quan trọng của Đảng và nhân dân giao phó, để lại một tấm gương sáng về lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân. 
         Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, là dịp để chúng ta cùng ôn lại những mốc son lịch sử trong cuộc đời của đồng chí, đồng thời thêm một lần nữa các thế hệ cán bộ, đảng viên soi vào tấm gương người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, trung kiên để nỗ lực rèn luyện và phấn đấu, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, thịnh vượng./.

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại185,959
  • Tổng lượt truy cập9,148,321
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây