Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Tố Hữu (4/10/1920 – 4/10/2020): Nhà thơ tiêu biểu, người chiến sĩ cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam.

Thứ ba - 29/09/2020 23:51 1.086 0
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lý chói qua tim Hồn tôi là một vườn hoa lá Rất đậm hương và rộn tiếng chim” Trích “Từ ấy” (Tố Hữu)
         Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 ở làng Phù Lai – Quảng Điền – Thừa Thiên Huế, mất ngày 9/12/2002 tại Hà Nội. Ông thân sinh là môt nhà nho nghèo nhưng rất yêu thơ, ham sưu tầm ca dao, tục ngữ. Từ nhỏ, Tố Hữu đã được cha dạy làm thơ theo lối cổ. Mẹ Tố Hữu là con của một nhà nho cũng rất yêu ca dao, dân ca xứ Huế và giàu lòng thương con. Tố Hữu mồ côi từ năm lên 12 tuổi, một năm sau lại phải xa gia đình vào học trường Quốc học Huế. Tại đây được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng Cộng sản qua sách báo tiến bộ của Mác - Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh…kết hợp với sự vận động, giác ngộ của các Đảng viên ưu tú (Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu), người thanh niên Nguyễn Kim Thành sớm nhận ra lý tưởng đúng đắn, gia nhập Đoàn Thanh niên, hăng hái hoạt động và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1938. 
           Tháng 4-1939, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhiều nhà lao các tỉnh miền Trung –Tây Nguyên. Năm 1942, Tố Hữu vượt ngục Đăklay, tìm về gây dựng cơ sở và chắp nối liên lạc với tổ chức Đảng ở tỉnh Thanh Hóa. Trong thời kỳ kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tố Hữu đảm nhận vai trò Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Năm 1947, ông được điều động ra Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ. Tố Hữu tham gia Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam từ khi thành lập (1948), sau đó ông đã lần lượt giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền, văn hóa: Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ban Khoa giáo, Trưởng ban Thống nhất, Hiệu trưởng trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), Tố Hữu được bầu vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng (1981-1986).
          Với bài thơ “Từ ấy”, thay cho lời tuyên ngôn về cuộc sống, Tố Hữu lựa chọn và cống hiến hết mình cho lý tưởng cộng sản. Cũng từ ấy, nhà thơ dấn thân vào con đường cách mạng, vừa làm cách mạng vừa làm thơ, lý tưởng cộng sản của ông được định hình rõ nét qua từng tác phẩm tạo nên dấu ấn riêng mình. 
Sự nghiệp thơ ca của ông rất đồ sộ. Ông được mệnh danh là người viết sử hiện đại bằng thơ với những bài thơ đi cùng sự nghiệp cách mạng trong các tập thơ nổi tiếng: Từ ấy (1946), Việt bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1972), Máu và hoa (1977), Một tiếng đờn (1993)…..Dù viết về Đảng, về cách mạng nhưng thơ Tố Hữu không hề khô khan, cứng nhắc. Ngược lại, thơ ông luôn tha thiết, thẫm đẫm tình người, là tấm gương sáng phản chiếu tâm hồn một người chiến sĩ cách mạng suốt đời phấn đấu hy sinh vì tương lai tươi đẹp của dân tộc, cuộc sống hạnh phúc của con người, đấy cũng là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc, đời sống dân tộc trên con đường lớn của cách mạng.         
177d6203448t17496l0
   Bác Hồ nói chuyện với các nhà thơ, nhà văn Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân. Ảnh tư liệu (baothanhhoa.vn) 
         Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhà thơ Tố Hữu có cơ hội được sống gần Bác Hồ. Với lòng yêu kính đối với vị lãnh tụ thiên tài, với tình yêu cách mạng thấm đẫm trong tâm hồn, Tố Hữu đã viết nên những bài thơ về Bác khiến cho bao thế hệ người Việt Nam phải xúc động, tự hào.
“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người”
                        Trích “Bác Ơi”(Tố Hữu)
        Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhà thơ Tố Hữu cũng chính là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Nhà thơ không chỉ truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, mà còn là người lính xung kích thực hiện thắng lợi đường lối ấy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú và lành mạnh. Quá trình xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng - văn hoá, đồng chí Tố Hữu đã trực tiếp góp phần động viên, tập hợp, tổ chức và phát triển đoàn văn nghệ từ Bắc vào Nam, những tài năng của nhân dân, những chiến sĩ trung kiên đó đã làm nên một nền văn hoá - văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh. Những tác phẩm của đồng chí: Tổ chức cơ sở Đảng và nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên (1968), Tăng cường năng lực lãnh đạo của các huyện ủy (1968), Nâng cao chất lượng đảng viên (1971), Quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp(1976), Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt theo gương các điển hình tiên tiến (1978), Công tác giáo dục và sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau (1980), Nắm vững đường lối, giải quyết sáng tạo các nhiệm vụ kinh tế (1985)… đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên từng lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đảng qua các thời kỳ cách mạng.     
        Nhà thơ Tố Hữu – một người “chiến sĩ văn hóa” trung thành trọn đời theo Đảng, người chiến sĩ cách mạng trọn đời hiến dâng cho lí tưởng, đã ngừng làm thơ gần hai thập kỷ qua. Nhưng những vần thơ của ông về Đảng vẫn luôn hiện hữu trong đời sống tâm hồn dân tộc và chắc chắn đã và sẽ tiếp lửa cho rất nhiều thế hệ các nhà thơ Việt Nam.
        Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Tố Hữu là dịp để chúng ta ôn lại về cuộc đời hoạt động và những cống hiến, đóng góp của đồng chí Tố Hữu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng nói riêng; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế./.

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải - Phạm Minh Triều

 Tags: chân lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm49
  • Hôm nay6,689
  • Tháng hiện tại114,512
  • Tổng lượt truy cập9,316,169
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây